Ấm áp những ngôi nhà tình thương ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ

Sự chung tay góp sức của cộng đồng đã nhân lên niềm vui cho các hộ nghèo, trên địa bàn xả đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ khi được sống trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình, để từ đó tiếp tục bám biển không chỉ là hành trình mưu sinh đầy vất vả mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Đây là lần thứ 2 “Ngày hội Biên phòng toàn dân” được TP.HCM tổ chức tại xã đảo Thạnh An, biên giới biển đặc thù của TP.HCM. Đây không chỉ là một ngày mang đến nhiều niềm vui cho người dân xã đảo mà còn mang ý nghĩa sâu sắc khi tạo sức lan tỏa lớn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Bà Nguyễn Thị Xê, 76 tuổi, ở tổ 11, Ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ xúc động cảm ơn các mạnh thường quân và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí giúp gia đình bà xây dựng ngôi nhà khang trang, kiên cố; ổn định cuộc sống: “Tôi cũng cám ơn bạn mạnh thường quân với ban ngành cám ơn nhiều. Tại vì nhà thấp, dột. Tôi cũng có một mình, ông chồng chết nay mười mấy năm rồi mà con thì không có, đứa cháu cho tháng được mấy trăm ăn, rồi cô bác ở đây cho gạo, cho đường, bột nêm, dầu ăn, nước mắm. Có khi cô bác cho tiền chứ. Nay cho được cái nhà che nắng che mưa tôi cũng mừng lắm”.

Nghi thức xây dựng và khởi công nhà tình thương tại xã Thạnh An, Cần Giờ

Sau bao năm sinh sống trong căn nhà cũ xuống cấp, niềm mơ ước được sống trong căn nhà khang trang của Nguyễn Thị Bê, gần 80 tuổi, ngụ xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đã trở thành hiện thực. Bao năm bà sống cô đơn một mình trong ngôi nhà dột nát lại quá chật hẹp, tạm bợ, không che được nắng mưa, bà Bê tâm sự: “Gần 80 tuổi rồi mới được cái nhà này sửa chữa là mừng lắm đó. Giờ già lớn tuổi, ở nhà tôi thì trời mưa ở dưới nước ở dưới dâng lên, ở trên thì nó dột, tôi hứng 5 - 7 cái thau. Mỗi khi mưa xuống tôi đi rờ chỗ này chỗ nọ, tôi cầu dột chỗ nào đột đừng dột bàn thờ, mình thờ cha mẹ mình. Rồi cháu tôi mới thấy vậy nó mới nói bà tát nước mệt quá để tôi cho tôi mua tôn cho bà lợp. Nhà xây bốn chục năm rồi, dột quá, tường nó nứt, tui độc thân sống có một mình”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Kim Yến chung vui cùng người dân có hoàn cảnh khó khăn khi được xây dựng, sửa chữa nhà

Hơn 8,7 tỷ đồng qua sự kết nối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã được các tổ chức, doanh nghiệp gửi yêu thương đến xã đảo Thạnh An. Để từ đây, sẽ có thêm những căn nhà mới vững chắc, khang trang cho người dân, có thêm phương tiện sinh kế để cải thiện đời sống hay những công viên, công trình chiếu sáng thân thiên với môi trường. Vì vậy mà ý nghĩa và hiệu quả đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngày hội. Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngày hội năm nay có nhiều ý nghĩa hơn, bởi vì cái sức lan tỏa nó càng ngày càng rộng hơn và số lượng các đơn vị tham gia cùng chung tay để tổ chức Ngày hội biên phòng được nhiều hơn: “Không chỉ là trao phương tiện sinh kế cho các hộ dân trên địa bàn của các xã đảo, xã có biên giới biển của huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là những chương trình như là trao học bổng. Đặc biệt năm nay là chúng tôi còn có một chương trình là nâng cấp công viên công cộng ở trên địa bàn. Chúng tôi nghĩ rằng là một xã rất nhiều khó khăn thì thành phố đã và đang tập trung rất là nhiều nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đây. Đó là một sự đoàn kết, một sự nỗ lực, một sự đồng hành mà trong thời gian tới sự đồng hành này sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa và hy vọng một năm sau khi chúng ta quay trở lại với xã đảo, chúng ta sẽ thấy được nhiều cái mới hơn nữa và đời sống của người dân sẽ ngày càng được nâng lên”.

Theo Thiếu tá Trần Xuân Hoàng - Chính trị viên đồn Biên phòng Thạnh An, TP. Hồ Chí Minh Khi mà đời sống của bà con được nâng lên thì qua đó có thể giúp cho bộ đội biên phòng, cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới vùng biển của tổ quốc nói chung, của TP.HCM nói riêng. Từ đây, trong những chuyến ra khơi, mỗi một ngư dân của xã đảo Thạnh An sẽ là tai mắt của biên phòng, là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền lãnh hải, bởi có biết bao nhiêu tình cảm nơi đất liền hướng về họ, hướng về những hải trình đầy ý nghĩa ấy: “Có thể nói rằng, bộ đội biên phòng thì dựa vào dân, bám vào dân để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân để giúp cho Bộ đội biên phòng nắm, báo các hoạt động cùng với Bộ đội biên phòng để bảo vệ biên cương biên giới biển của Tổ quốc. Nếu mà đời sống của bà con được cải thiện, được nâng lên thì có thể nói rằng là đó là một phần niềm vui mừng của bộ đội biên phòng cũng như là của chính quyền, của xã đảo Thạnh An.Khi đời sống của bà con được nâng lên qua đó thì có thể là giúp cho Bộ đội biên phòng, tức là cùng với Bộ Biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng”..

Ở xã  đảo xa xôi cách trở, đời sống dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với người dân đảo Thạnh An vẫn luôn thấy ấm lòng vì được sẻ chia, hỗ trợ kịp thời của nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng. Với tình cảm sâu nặng, tình quân dân bền chặt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xây dựng các chương trình giúp dân phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi bật là chương trình “Ngày hội biên phòng toàn dân”, hỗ trợ để các hộ gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo, tiếp tục bám biển, giữ vững chủ quyền biên giới của tổ quốc./.

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/am-ap-nhung-ngoi-nha-tinh-thuong-o-xa-dao-thanh-an-can-gio-a6071.html