Chế độ ăn uống nhiều đạm, muối hoặc thức ăn nhanh cũng là nguyên nhân khiến thận làm việc quá tải. Ảnh minh họa: Pexels. |
Khi phát hiện bệnh, đa số bệnh nhân trẻ của tôi đều sốc, không thể chấp nhận được sự thật.
Người thầy thuốc phải đọc lại toàn bộ hồ sơ các xét nghiệm trước đó, xét nghiệm lại để biết chắc là bệnh nhân đã bị suy thận, từ đó thuyết phục họ điều trị. Thật sự rất đau lòng!
Đó là chia sẻ của TS.BS Trần Văn Vũ, Phó khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đơn vị mà mỗi ngày tiếp xúc, điều trị và đồng hành cùng những bệnh nhân có vấn đề về thận.
Tình huống càng trở nên khó khăn và éo le hơn khi những bác sĩ cầm kết quả xét nghiệm và chẩn đoán suy thận mạn, trước mặt họ là những bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ.
Lối sống không lành mạnh
Hiện nay, nhiều người trẻ phát hiện mắc bệnh suy thận từ sớm. Bên cạnh việc mọi người có ý thức tầm soát bệnh tốt hơn, nguyên nhân khác là lối sinh hoạt không lành mạnh cũng khiến căn bệnh này tăng ở người trẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc suy thận mạn cũng là những người có chế độ ăn uống nhiều đạm, muối, đường hoặc có bệnh béo phì, thể trạng thừa cân (BMI > 25 kg/m2)…
Theo tiến sĩ Vũ, một số thói quen thường gặp của người trẻ hiện nay như hút thuốc lá, ăn mặn, ăn nhiều đạm, uống nhiều bia rượu, thức khuya… có thể ảnh hưởng các cơ quan của cơ thể, trong đó có thận.
Nếu sử dụng các loại hóa chất độc hại (bia, rượu, thuốc lá…) trong thời gian kéo dài, không chỉ có hại cho gan, nó tác động tiêu cực đến chức năng thận, đặc biệt là thuốc lá cũng có thể gây hại cho thận.
“Thuốc lá gây ung thư phổi thì chúng ta đều biết nhưng ít ai biết rằng hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến thận. Khi ít máu đến thận sẽ làm giảm hoạt động của thận, gây tổn thương thận. Ngoài ra, tỷ lệ ung thư thận ở người hút thuốc lá cao gấp 1,5 lần so với người không hút thuốc lá ”, TS Vũ phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều người hiện nay thích ăn các thực phẩm nhiều gia vị, đặc biệt là các món chế biến sẵn, chứa nhiều muối như xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp, khô, mắm... Chế độ ăn này làm tăng hấp thu nước, tăng gánh nặng cho thận, lâu dần khiến thận suy yếu, gây suy thận.
TS Vũ khuyến cáo mọi người chỉ nên ăn không quá 6 gram muối/ngày. Liều lượng muối này chỉ bằng một muỗng cà phê gạt ngang.
Thức khuya âm thầm gây hại cho thận. Ảnh: Bustle. |
Giấc ngủ ban đêm là thời gian mà thận cần được nghỉ ngơi, khôi phục sau một ngày hoạt động. Thói quen thức khuya có thể khiến quả thận rơi vào tình trạng “căng thẳng”, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Bác sĩ cũng lưu ý thức khuya có thể là một phần nguyên nhân, mặc dù quan điểm còn đang nhiều tranh luận.
Một trong những lý do thuyết phục là thức khuya sẽ kích thích một số nội tiết tố trong cơ thể, làm co hệ mạch máu đến thận, gây thiếu máu cục bộ tới thận. Điều này khiến thận giảm chức năng làm việc, về lâu dài sẽ gây hại cho bộ phận này.
Ngoài ra, nước là thứ không thể thiếu để thận hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, không chỉ riêng bạn trẻ, một số người thường không có thói quen uống đủ nước, chỉ uống khi khát.
Thiếu nước khiến máu cô đặc, thể tích máu đến thận ít đi. Việc thiếu máu đến thận lâu dài có thể làm suy thận. Do đó, việc uống nhiều nước vừa có thể giúp thận làm việc trơn tru, vừa có thể giảm bớt các bệnh ở đường tiết niệu.
Đối với những người có sức khỏe bình thường, Hội Thận Thế giới khuyến khích uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, những người có bệnh tim, gan, thận phải hạn chế uống nước cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tiến sĩ Vũ khám bệnh cho một bệnh nhân suy thận mới 21 tuổi. Ảnh: Linh Thùy. |
Mất bao lâu để viêm cầu thận mạn tiến triển thành suy thận?
Theo TS Trần Văn Vũ, 40% bệnh nhân ở Việt Nam mắc bệnh viêm cầu thận và 30% mắc viêm thận bể thận mạn. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều người trẻ suy thận.
Bệnh thận mạn thường không có dấu hiệu đặc hiệu cụ thể. Bệnh nhân khó phát hiện trong giai đoạn sớm nếu không đi khám sức khỏe định kỳ.
Để biết bệnh viêm cầu thận mạn có tiến triển thành suy thận hay không, trong thời gian bao lâu, bệnh nhân cần phải thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận mỗi tháng một lần, liên tục trong 3 tháng đầu tiên tính từ khi phát hiện bệnh và khi đang điều trị bệnh.
Đây là bệnh lý mạn tính, vì thế, ngay cả khi bệnh đã ổn thì người bệnh cũng cần theo dõi đánh giá chức năng thận định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng thận. Nếu bệnh đã ổn định hơn thì có thể kéo dài thời gian thực hiện đánh giá chức năng thận thành một năm/lần.
Thời gian để bệnh viêm cầu thận tiến triển đến suy thận khó xác định, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm cầu thận, thời điểm phát hiện bệnh thận, sự tuân thủ điều trị của người bệnh và các yếu tố ảnh hưởng khác…
Bên cạnh đó, khoảng thời gian tiến triển đến suy thận có thể bị rút ngắn hơn nếu bệnh nhân có các bệnh đồng mắc như nhiễm trùng (viêm phổi, viêm phế quản…), đái tháo đường, tăng huyết áp khó kiểm soát, cần điều trị các thuốc vô tình làm ảnh hưởng đến thận, chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp…
Hiện nay, theo Hội Thận học thế giới, cứ mỗi 10 người sẽ có một người có bệnh thận mạn và đa số bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, điều trị tốn kém và ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc tầm soát sớm bệnh thận là vấn đề quan trọng và rất cần thiết.
TS Vũ cho rằng bệnh thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng có thể điều trị làm chậm hoặc thậm chí chặn đứng làm bệnh không diễn tiến nặng thêm nếu được phát hiện sớm và điều trị hợp lý.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nhung-thoi-quen-hai-than-nguoi-tre-hay-mac-a5942.html