Trong đời mình được học, đào tạo, huấn luyện qua nhiều trường lớp. Nhưng nhớ nhất là những năm học phổ thông, học Đại học tại chức và Học viên trường Nguyễn Ái Quốc sau giải phóng.
Cách đây mấy năm mình được anh Phong, bạn chưa quen biết cùng học với em mình gọi đến tặng mình quyển Kỷ yếu: "Học sinh Lê Hồng Phong Nam Định, khóa 62-65". Quyển sách quá đẹp, công phu, nội dung phong phú in tất cả tên, ảnh, điện thoại, địa chỉ của tất cả các bạn học sinh cùng khóa. Trong đó có đăng bài thơ "Trở về trường xưa" của mình, do em mình đứng tên. Mình khâm phục các bạn. Mình học trên các bạn hai lớp nhưng lớp mình chưa làm được như vậy. Các bạn lớp mình cũng ít người lên facebook... Anh Phong mời anh Tính, anh Phú (khóa 61-64) , anh Khải, chị Lý và mình (khóa 60-63) cùng tham gia hội này.
Hàng năm Hội tổ chức họp mặt vào dịp 20/11, có năm có cả thầy Quán hiệu phó, thầy Thọ tới dự. Chị Phú nguyên hiệu trưởng trường cấp 3 Gò Vấp, chăm sóc nuôi dưỡng chồng là anh Hiển khóa 62-65, bị tai biến hơn 10 năm nay thỉnh thoảng cũng đưa chồng đến dự. Hội cũng hay tổ chức xuống nhà vườn anh Thái ở Long Thành tụ họp nhậu nhẹt theo lời mời rất nhiệt thành của gia chủ. Càng về già các buổi họp mặt càng vui vẻ. Dù mọi người có cuộc sống khác nhau, số phận khác nhau nhưng ai cũng có chung kỷ niệm về tuổi thơ, về quê hương, về mái trường... để hàn huyên tâm sự. Lại hò hét, lại vui cười, lại tranh nhau nói, lại gọi nhau bằng mày tao... nghe sướng thật. Tựa hồ như cái ngày cùng cắp sách đến trường, cùng lao động Xã hội chủ nghĩa, bơi hồ La két, đá bóng sân Quảng Trường của gần 60 năm về trước (“Lũ học trò chân dép, đầu trần / Vác đất đào hồ dầm mưa dãi nắng/ Vô tư học nuốt từng lời thầy giảng/ Háo hức vào đời cô cậu Tú tương lai"). Mới đây trên facebook xem các bạn khóa 62-65 về họp mặt trên quê hương Nam Định đẹp quá, tự hào quá! Các bạn quàng vai nhau trước sân trường cũ, trước công viên Vị Xuyên, hồ Laket, Nhà thờ Khoái Đồng... khi ở vào xấp xỉ tuổi 75 mà cảm thấy tình nghĩa thắm thiết và sâu đậm đến vô cùng.
Mình nhớ câu thơ trong bài thơ Họp lớp của nhà thơ Nguyễn Thị Mai:
"Xưa thích còn ngại cầm tay/ Bây giờ ôm bạn tóc mây trắng trời”
Hội Cựu học sinh Lê Hồng Phong - Nam Định ở Sài Gòn lớn lắm. Năm nào cũng tổ chức họp mặt với quy mô hoành tráng, có hàng ngàn người đến dự. Nhiều bạn lớp trẻ sau này thành đạt đứng ra tài trợ. Có lần một anh đại diên Ban Liên lạc đề nghị học sinh già như tụi mình cứ đến dự không phải đóng góp gì cả. Nhưng không hiểu sao chỉ có mấy người đến. Có lẽ ở tuổi này, chỉ còn ít người quen biết. Ngay cả thầy cô cũng nhiều người còn ít tuổi hơn bọn mình.
Vừa rồi xem kỷ niệm 100 năm thành lập trường và 60 năm mang tên Trường Lê Hồng Phong ở Nam Định. Thật tự hào tuy có chút hơi buồn như bạn nào viết trên facebook: "Trong phòng truyền thống của trường không nhắc đến những học sinh ưu tú của trường đã ra đi từ mái trường này và đã hy sinh vì Tổ quốc". Thôi chuyện đó hy vọng sẽ sửa lại sau. Còn bây giờ cứ tự hào đã. Có lẽ không có trường nào trên toàn quốc mà có hội học sinh truyền thống quy mô to lớn như trường Lê Hồng Phong - Nam Định quê mình.
Trở về cái hội nhỏ của mình, đã hơn nữa thế kỷ ra từ mái trường này ("Như đàn chim sải cánh tung bay,/ Kẻ ở gần người đi xa muôn nẻo/ Dòng lưu bút của một thời trong trẻo/ Cặp đôi nào trôm nhớ thầm yêu”). Nhiều cặp đôi từ chung mái trường đến chung mái nhà như: anh chị Tính-Yên, Khải-Lý. Có lần anh Khải lớp trưởng chồng chị Lý (10C) nói: "Hiếm có người nào như tôi và anh Phượng học với nhau từ lớp 1 đến lớp 10. Đúng vậy hồi nhỏ mình hay đến nhà anh học tổ, được Mẹ anh "bồi dưỡng" những bát cơm rang còn cảm thấy ngon thơm đến bây giờ. Anh Đoàn Công Tính cùng mình đi bộ đội một ngày, khi mình mới học lớp 10 được một tháng, mình nhớ ngày ra đi sau cơn bão lớn. Anh em cùng tiểu đội, qua sông Đào về huấn luyện tân binh tại Thịnh Long, Hải Hậu. Sau này, anh Tính trở thành phóng viên chiến trường, chụp nhiều bức ảnh nổi tiếng về cuộc chiến ở Thành Cổ và Đường 9 Nam Lào, được huy chương vàng quốc tế và giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Sau giải phóng, anh tìm gặp mình và cùng nhau gắn bó tại thành phố mang tên Bác (“Ngày nhập ngũ qua sông/ Bão vừa tan cây đổ/ Có ai ngờ bão tố/ Dai dẳng suốt cuộc đời”).
Anh Hoàng Văn Mùi giáo viên dạy văn, bạn cùng phố với mình. Một hôm vô tình mình thấy trên báo Người cao tuổi đăng cả thơ anh và thơ mình, nhưng ghi địa chỉ của anh ở Gia Viễn, Ninh Bình còn mình ở thành phố Hồ Chí Minh, nên cả hai người không nhân ra nhau. Mình nhớ hồi đi học anh Mùi giỏi văn nên thử gọi điện thoại, ai ngờ anh em nhận ra nhau sau 56 năm bặt tin. Anh Mùi học Đại học Sư phạm Vinh, ra dạy học ở Ý Yên. Anh thoát chết trong trận Mỹ ném bom tàn sát mấy chục học sinh và thầy giáo ở đây. Sau anh đi bộ đội, dạy học ở trường văn hóa quân đội rồi về hưu ở quê vợ cũng là nhà giáo ở Gia Viễn Ninh Bình. Anh vào Sài Gòn thăm mình và mình cũng đã ra Ninh Bình gặp anh. Anh em Nguyễn Hữu Dũng, Giảng viên Đại học bạn học cùng phố từ thuở tóc còn để chỏm và anh Dung, Giáo viên Trường Sĩ quan học với anh em mình nên rất thân thiết với cả gia đình. Trần Nhật Vinh ở phố Hàng Song, đi bộ đội năm 63. Sau giải phóng chuyển ngành về Ban tổ chức tỉnh ủy Minh Hải. Nay về hưu, con cái thành đạt. Cách đây mấy năm, mình và anh Tính đi thăm đất Mũi có ghé Bạc Liêu thăm nhà anh .Ở Sài Gòn gần nhà mình có chị Hạ lớp phó lớp mình. Chồng chị là anh Côn nhà giáo, nguyên học sinh trường cấp 3 Liên khu 3, anh vào chi viện cho miền Nam từ năm 1972. Anh chị nay đã già yếu nên ngại đi họp. Vợ chồng mình, anh chị Khải Lý, Tính Yến cũng thỉnh thoảng đén thăm. Ra Bắc mình cũng hay đến thăm anh Chương, học chung với anh Tính, anh Phú và chị Loan. Anh còn giữ được nhiều ảnh quý, đặc biệt là bức ảnh chụp lớp anh tại trường Nguyễn Khuyến khi thầy Vũ Tam Tập còn làm hiệu trưởng.
Tất nhiên vào tuổi này anh em mình không tránh khỏi rơi rụng. Chị Ninh lớp mình ra đi cách đây mấy năm còn anh Đoàn Văn Khoa, nguyên PGĐ Sở Tư Pháp Nam Định mới vĩnh biệt chúng mình tháng trước.
Thôi tự nhủ, còn lại bao nhiêu vui vẻ động viên thương yêu nhau mà sống. Chị Thúy, anh Lân, anh Điểm, anh Hòe vẫn thỉnh thoảng gặp nhau. Anh Trần Thắng từ Hà Nội vào hay rủ mình đi uống cà phê. Hôm mình năm viện chữa bệnh tim anh Phong, anh Sơn đến thăm cho quà. Trong hội này, có anh Phú anh Mẫn anh Sơn làm thơ rất hay đã in thành sách. Anh Trần Quốc Phú, nguyên Vụ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã học Trường viết văn Nguyễn Du luôn động viên và giúp mình những ngày đầu làm thơ. Anh Nguyễn Mẫn, Đại tá vừa làm thơ hay và chụp ảnh đẹp, đang chờ anh ra tập thơ mới. Anh cũng hay mời anh em đến nhà chơi, nói chuyện văn chương. Mình cũng mong chờ các bạn Phạm Ngọc Đính, Đinh Khắc Hiếu, Bùi Sơn,Trần Ngọc Thành trình làng tập thơ "Tứ Lão trên phây". Bạn thơ Bùi Sơn thông minh, từ người mẫu tuổi sồn sồn đến chim bướm, phong cảnh. Ảnh của anh ngày càng đẹp, đã thành chuyên nghiệp rồi. Mình được gặp giáo sư Phạm Ngọc Đính khi anh vào Sài Gòn và đến thăm nhà thầy cô Châu Sinh ở Nam Định. Có nhiều bạn cùng khóa như các anh Nguyễn Quốc Dương, Lê Đăng Đệ, Vũ Ngọc ứng khẩu rất nhanh, chọc ngoáy rất tài. Còn Nguyễn Lộc chọn niềm vui từ những khoảnh khắc bấm máy, chụp đủ thứ Hà và các bạn khóa dưới như: Đồng Thục, Phạm Ngọc Thể, Trần Ban, Ngô Ba, mới chỉ gặp nhau trên facebook, nhưng cũng rất gần gũi và thân thiết như anh em một nhà... Tình đồng môn lan tỏa bốn phương. Ở tuổi chúng mình cùng mạnh khỏe, minh mẫn để nhớ đến nhau là mừng lắm rồi.
Đường đời còn mây bước chân
Cái gì mình thích cứ mần cho vui
Có lần anh Thái chủ trang trại trách mình gặp nhau sao gặp nhau anh không đọc thơ. Mình trả lời: "Gặp nhau là vui, đã là một bài thơ tuyệt tác rồi”. Đúng vậy, đó là bài thơ của Đồng môn tuổi trẻ, phong phú nhiều nội dung và sâu lắng nhiều cung bậc: “Năm mươi năm vật đổi sao dời/ Bạn bè thầy cô ai còn ai mất/ Ngày gặp nhau mái đầu tóc bạc/ Vẫn mày tao như thuở học trò”.
Thôi mà:
“Bạn ơi nào hãy cạn ly
Để cho thơ thẩn bay đi lên trời!”
2020
Nhà thơ TRẦN NGỌC PHƯỢNG
(Cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong - Nam Định,
khóa 1960 -1963)
________________________________________
Trần Ngọc Phượng
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/dong-mon-a5896.html