“Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” – Giải thưởng dành cho thanh niên các nước ASEAN

Chiều ngày 09/01/2023, tại toà nhà Hữu Nghị TPHCM, Giải thưởng “Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” Lần thứ nhất (2023) đã được trao cho các ý tưởng xuất sắc của thanh niên các nước ASEAN, xử lý các vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

z4026253779595-b30b9df4806e23d7a555c8a9ccbeb4c0-1673273968.jpg
Giải thưởng “Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” đã nhận được hàng chục sáng kiến, đề tài đến từ nhiều trường ĐH - CĐ trong và ngoài nước. Trong ảnh: Các tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng BTC và Hội đồng giám khảo

Giải thưởng là một chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (CAHRRT), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh Xã hội Việt Nam (AFV), và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, dành cho thanh niên trong các nước ASEAN, tìm kiếm và hỗ trợ thực hiện các giải pháp đa dạng nhằm xây dựng một ASEAN hội nhập, thích ứng và phát triển bền vững.

z4026089124624-7250742151f29bca0ddc5f7d1b19e70a-1673274074.jpg
Đề tài “Sản xuất các sản phẩm từ vỏ trấu phục vụ ngành du lịch xanh tại các vùng trồng lúa ở khu vực ASEAN” của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đạt Giải Ba.

Trong đợt này, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều sáng kiến chuẩn bị công phu và có tính ứng dụng cao trong thực tế. Các sáng kiến tập trung vào giải quyết các vấn đề về (a) đô thị thông minh thích ứng với BĐKH; (b) bình đẳng giới; (c) chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho thanh niên sau COVID; (d) Doanh nghiệp nhỏ và sinh kế cho các nhóm thiệt thòi có ứng dụng kỹ thuật số; (e) bảo vệ môi trường và các giải pháp dựa vào kinh tế số… Một số sáng kiến tập trung nghiên cứu giải pháp, và số còn lại tập trung thử nghiệm các nghiên cứu, các ý tưởng mới. Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, có 9 sáng kiến được lựa chọn tham gia trả lời phỏng vấn và bảo vệ ý tưởng của mình tại Vòng Chung khảo của Giải thưởng.

Chương trình “Đại sứ thanh niên vì phát triển bền vững” được triển khai trong khuôn khổ của dự án “Thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân toàn cầu”, trang bị cho thanh niên kỹ năng cần thiết để họ chủ động, tự tin đề xuất và thực hiện các sáng kiến và dẫn dắt cộng đồng tham gia, hành động để ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu SDGs. Chương trình tập trung vào 4 chủ đề chính gồm: bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

z4026089125855-169d1010401c667f6b2c7fd0bfcdb0f1-1673274166.jpg
Đề tài “Xây dựng  hệ thống xe điện nội bộ tại khu đô thị Đại học Quốc gia - Hồ Chí Minh” của nhóm sinh viên Trường Đại học KHXH & NV – ĐGQG – HCM đạt Giải Nhì

TS. Phan Thanh Định – Phó Bí thư Đảng ủy, phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM nhấn mạnh:  “Ban tổ chức Chương trình “Đại sứ Thanh Niên vì Phát triển bền vững” quyết định chọn ngày 9/1/2023 để tổ chức trao giải đợt 1 với thông điệp tôn vinh những ý tưởng của thanh niên Việt Nam, sinh viên ASEAN góp phần xây dựng hình ảnh sinh viên Việt Nam trong ASEAN năng động sáng tạo đóng góp cho Phát triển bền vững - là một xu hướng mang tính toàn cầu; qua chương trình này, các bạn thanh niên được truyền động lực, nâng cao năng lực, trao quyền và ươm mầm cho những ý tưởng dự án xã hội của thanh niên và phát triển một cộng đồng người trẻ tích cực tham gia giải quyết vấn đề xã hội”

z4026089133224-87702060bf41506417bf08cac34bab03-1673274200.jpg
Đề tài “Nâng cao năng lực xây dựng và phát triển mạng lưới hỗ trợ cho phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh quy mô nhỏ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh chuyển đổi số” của nhóm sinh viên Trường Đại học KHXH & NV – ĐGQG – HCM đạt Giải Nhất

ASEAN có số dân gần 700 triệu người, trong đó 34% là thanh niên từ 15-34 tuổi[1] (213 triệu thanh niên). Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng, bão lũ bất thường, sạt lở đất, cháy rừng do biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng tài nguyên không bền vững, phương pháp sản xuất không thân thiện với môi trường. Giải thưởng này là một nỗ lực của các bên tạo không gian và nguồn lực để thanh niên phát huy các sáng kiến của mình và thực hiện các sáng kiến ấy, góp phần xây dựng một ASEAN thích ứng, hội nhập và phát triển bền vững.

Danh sách các đề tài đạt giải thưởng:

Giải Nhất: trị giá 70 triệu đồng

Đề tài Nâng cao năng lực xây dựng và phát triển mạng lưới hỗ trợ cho phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh quy mô nhỏ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh chuyển đổi sốcủa nhóm sinh viên (Phạm Thị Nga, Nguyễn Bá Hà Trang, Lê Quang Huy) Trường Đại học KHXH & NV – ĐGQG – HCM.

Giải Nhì: trị giá 60 triệu đồng

Đề tài “Xây dựng  hệ thống xe điện nội bộ tại khu đô thị Đại học Quốc gia - Hồ Chí Minh của nhóm sinh viên (Phan Gia Tài, Ngô Quang Khánh Ngân, Nguyễn Chí Hiếu) Trường Đại học KHXH & NV – ĐGQG – HCM.

Giải Ba: trị giá 50 triệu đồng

Đề tài “Sản xuất các sản phẩm từ vỏ trấu phục vụ ngành du lịch xanh tại các vùng trồng lúa ở khu vực ASEAN của nhóm sinh viên (Bùi Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Lương Tấn Nhật, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thị Trà My) Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM

Giải Khuyến khích: trị giá 35 triệu đồng/giải

+Đề tài “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc thiểu số ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang của sinh viên Nguyễn Hoài An Trường Đại học Mở TP.HCM

+Đề tài “PLANTY - Gamify The Green Movement For Accelerating World's Transition to Sustainable Future của nhóm sinh viên (Amirullah, Achmad, Nassardhi) Trường Đại học Surabaya (Indonesia)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/dai-su-thanh-nien-vi-phat-trien-ben-vung-giai-thuong-danh-cho-thanh-nien-cac-nuoc-asean-a5777.html