Bàn về ham muốn: Tại sao chúng ta muốn thứ mà ta muốn?

Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về lý do ham muốn xuất hiện, chúng ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và ta có thể làm gì để làm chủ ham muốn thì “Bàn về ham muốn” của William B. Irvine là quyển sách bạn không thể bỏ qua.

Chúng ta ngập chìm trong ham muốn gần như trong mỗi phút giây ta thức. Nếu chúng ta ngủ thì ham muốn tạm thời được chế ngự, trừ khi chúng ta mơ và những giấc mơ có thể sẽ được định hình bởi những ham muốn của chúng ta. Kỹ năng hình thành ham muốn của chúng ta thật phi thường. Chẳng có ai dạy chúng ta cách làm việc đó. Hơn thế nữa, nó còn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập cả đời mà không biết mệt mỏi. Khi nói đến ham muốn, ai cũng là chuyên gia. Nếu có một giải Olympic về môn ham muốn thì tất cả chúng ta sẽ có mặt trong đội tuyển tham dự. Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà chúng ta ham muốn, nhưng chúng không khiến ta dừng ham muốn.

279873175-3069992139879218-6418481054223085849-n-1664966201.jpeg
Bìa cuốn sách "Bàn về ham muốn: Tại sao chúng ta muốn thứ mà ta muốn?". Ảnh: Thaihaibooks

Chúng ta nên hiểu thế nào về ham muốn?

Theo triết gia Bertrand Russell thì: “Ham muốn là một chủ đề mà ở đó, góc nhìn đúng đắn chỉ có thể được biểu đạt được bằng cách đảo ngược gần như hoàn toàn những quan điểm thông thường của đám đông”. Vậy nên nếu chúng ta hiểu được ham muốn – thật vậy, nếu chúng ta hiểu được thân phận của con người – thì chúng ta cần phải thừa nhận về khả năng tự phát của ham muốn. Sau đó, chúng ta hãy xem xét một số trường hợp mà cuộc sống của những con người vô cũng lý trí bỗng bị đảo lộn hoàn toàn bởi sự xuất hiện đột ngột, không thể lý giải được của ham muốn.

Trong cuộc sống có không ít ham muốn được hình thành nhờ vào các quá trình suy nghĩ lý trí. Giả sử bạn muốn ăn trưa, ngay lúc đó bạn có thể kết luận rằng cách tốt nhất sẽ là lái xe đến một nhà hàng gần đây, sau khi nhận ra tủ lạnh trong nhà đã hết thức ăn. Kết quả là, trong bạn hình thành một ham muốn lái xe đến nhà hàng. Đây được xem như quá trình hoàn hảo và đáng khen ngợi của lý trí. Thế nhưng, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng mọi ham muốn của chúng ta đều được hình thành như vậy. Ngược lại, nhiều ham muốn sâu sắc, có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời chúng ta lại không có lý trí, nghĩa là ta không dùng đến quá trình suy nghĩ lý trí để tạo nên chúng. Quả thực, chúng ta không tạo ra chúng mà chúng hình thành bên trong ta. Chúng chỉ đơn giản là xuất hiện trong đầu ta, một cách đường đột, không mời mà đến. Trong khi chúng ngự trị ở đó thì chúng kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Một ham muốn nổi loạn có thể giẫm nát những kế hoạch mà chúng ta đặt ra cho cuộc đời mình và do đó làm thay đổi số phận của ta.

Ham muốn có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta

Ham muốn làm thế giới này trở nên sinh động. Nó hiện diện nơi đứa bé đang khóc đòi sữa, nơi bé gái đang loay hoay giải một bài toán, người phụ nữ gặp người mình yêu và quyết định có con sau đó, và bà cụ khom người trước khung tập đi, dịch chuyển từng bước chậm chạp dọc theo hành lang của viện dưỡng lão để nhận bức thư của mình. Khi tước bỏ ham muốn khỏi thế giới này, bạn sẽ ở một nơi mà sự sống đóng băng, con người không có lý do gì để sống và chẳng có lý do nào để chết.

Vì chúng ta liên tục trải nghiệm sự ham muốn nên chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng. Cũng giống như tiếng ồn do quạt máy vi tính tạo ra. Tiếng ồn luôn có mặt ở đó, một tiếng thì thầm nhỏ, và bởi vì nó luôn có mặt ở đó nên chúng ta không để tâm tới nó. Tương tự như thế, chúng ta luôn lờ đi những ham muốn của mình, sự thăng trầm và vai trò của chúng trong cuộc sống của ta. Chỉ khi nào ham muốn của chúng ta trở nên dữ dội (như khi chúng ta bước vào tình yêu) hoặc khi xảy ra xung đột (như khi chúng ta thèm ăn một bát kem nhưng chúng ta lại ước mình không thèm nó nữa vì ta đang ăn kiêng) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn của mình, cùng với sự pha trộn giữa cảm giác bối rối và bực bội. Và bởi chúng ta không nhận ra hoạt động của ham muốn bên trong mình nên chúng ta có đầy rẫy những quan niệm sai lầm về nó.

Đọc “Bàn về ham muốn” có thể giúp bạn để tâm đến sự vận hành của ham muốn trong mình. Khi đó, bạn sẽ nhanh chóng có nhận thức đầy kinh ngạc rằng ham muốn của bạn có một cuộc đời riêng. Chúng chợt lóe lên trong đầu bạn, gần như là từ trên trời rơi xuống. Thực sự, trong nhiều trường hợp, bạn không lựa chọn những ham muốn của mình nhiều bằng việc phát hiện thấy chúng tồn tại trong bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ mức độ mà những ham muốn không mời mà đến này định đoạt cách mà bạn sống mỗi ngày và về lâu về dài là cách mà bạn sống hết cuộc đời mình.

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tai-sao-chung-ta-muon-thu-ma-ta-muon-a5676.html