Tài năng & bản lĩnh sống của người khuyết tật cũng khiến nhiều người lành lặn phải học hỏi, thán phục

Đấy như câu chuyện về người phụ nữ ngồi xe lăn Nguyễn Thị Nhung (SN 1982, ở thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), người sáng lập nhóm thiện nguyện Hạc Giấy.

Chị Nhung được sinh ra trong một gia đình thuần nông, bị mắc bệnh tạo xương bất hoàn (bệnh xương thủy tinh) từ nhỏ (do ảnh hướng chất độc da cam từ người bố). Từ nhỏ, số phận nghiệt ngã với chị khi bắt chị phải gắn chặt cuộc đời mình với chiếc xe lăn.

nhom-tu-thien-hat-giay-1650194788.jpg

Mọi sự quyên góp, ủng hộ, trao quà đều được chị Nhung (ngồi xe lăn) và nhóm thiện nguyện Hạc Giấy thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, địa chỉ.

Không khuất phục số phận, năm 2009, sau một lần được một người bạn đưa đi cùng đến Trung tâm Mái ấm Thanh Tâm Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) – nơi nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi, khuyết tật nặng, chị Nhung suy nghĩ và trăn trở thấy mình tuy ngồi xe lăn nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vậy tại sao mình không làm một việc gì đó để giúp đỡ họ.

Sau đó, trong một lần tình cờ lướt mạng xã hội Facebook, chị Nhung đã kết bạn và làm quen với anh Nguyễn Ngọc Quân – giáo viên trường THCS Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cũng bị khuyết tật ở 2 chân. Cuộc hạnh ngộ đặc biệt giữa hai người là cầu nối giúp cho hàng trăm số phận bất hạnh tìm được điểm tựa, tìm được hy vọng để thành lập Hạc Giấy.

Năm 2015, chị Nhung là người đầu tàu khởi xướng thành lập nhóm thiện nguyện Hạc Giấy với phương trâm: “Kết nối trái tim – Chia sẻ yêu thương”. Những ngày đầu, nhóm Hạc Giấy chỉ có 2 thành viên chủ chốt và 15 tình nguyện viên, đến nay, nhóm có 20 thành viên chính thức và 100 tình nguyện viên, cộng tác viên thường là các sinh viên, giáo viên và công nhân viên chức.

Mỗi thành viên Hạt Giấy là mỗi hoàn cảnh, một công việc khác nhau và ở những độ tuổi khác nhau nhưng tất cả đều chung một tấm lòng nhân ái, yêu thương, luôn nhiệt tình trách nhiệm, hết lòng sẻ chia, đem lại niềm vui và hạnh phúc đến cho các gia đình nghèo, những bệnh nhân, người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi và những người yếu thế trong cộng đồng.

Mỗi người trong nhóm đều có công việc riêng, đồng lương cũng có hạn nên mỗi chuyến đi đều phải được chuẩn bị từ trước. Tùy thuộc vào mục đích của từng chuyến đi, nhóm sẽ có kế hoạch để quyên góp, thực hiện các chương trình bán bút bi, sách vở, lì xì vào dịp tết, truyện tranh... để xung quỹ thực hiện chương trình.

nhom-thien-nguyen-hat-giay-1650194788.jpg

Đến nay, nhóm thiện nguyện Hạc Giấy do chị Nhung thành lập đã giúp đỡ hơn 600 trẻ em mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh neo đơn....trên khắp các địa phương.

Trong những bước đi đầu, nhóm Hạc Giấy gặp nhiềukhó khăn nhất định như thời tiết, phương tiện đi lại, kinh phí hoạt động,... Nhưng nghĩ đến cảnh những người khó khăn cần được giúp đỡ là chị Nhung và các thành viên quên hết mệt mỏi, dặn lòng vượt qua.

Thông qua trang fanpage facebook Hạt Giấy, mọi thông tin về đối tượng cần giúp đỡ đều được chia sẻ. Việc quyên góp, ủng hộ, trao quà đều được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, địa chỉ. Ngoài việc làm xuyên suốt đó, hàng năm, Hạt Giấy còn tổ chức 2 chương trình lớn là tặng học bổng vào dịp năm học mới và tặng quà Tết vào dịp Tết Nguyên đán.

Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, nhóm đã vận động được gần 8.000 lượt ủng hộ từ các nhà hảo tâm với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng để giúp đỡ hơn 600 trẻ em trên địa bàn huyện Mỹ Đức có tiền điều trị bệnh hiểm nghèo, tặng xe đạp mới và nhiều em học sinh được học bổng Hạc Giấy từ 3 – 40 triệu đồng.

Là chủ chốt của nhóm thiện nguyện Hạc Giấy, chị Nhung luôn truyền ngọn lửa nhiệt huyết đến các thành viên. Chị Nhung luôn dặn các thành viên nhóm phải luôn trân trọng sự ủng hộ số tiền dù ít hay nhiều từ những người bán vé số, chạy xe ôm đến những nhà hảo tâm lớn. Làm việc thiện xuất phát từ cái tâm trong sáng, luôn vì người khó khăn yếu thế, không toan tính,... để Hạc Giấy góp một phần nhỏ bé đúng với tên gọi của nó là đem lại những điều tốt đẹp, may mắn và bình an đến với những người yếu thế trong cộng đồng.

“Những người khuyết tật đạt được thành công trong cuộc sống hầu hết đều biết quên đi những đau đớn về thể xác, những méo mó về hình thể. Chính sức mạnh ý chí diệu kỳ đó đã giúp họ vượt lên số phận, tạo nên những kỳ tích bằng chính nghị lực phi thường của mình. Tài năng và bản lĩnh sống của họ khiến nhiều người lành lặn cũng phải học hỏi, thán phục.”, chị Nhung tâm niệm.

Với những đóng góp của bản thân và nhóm thiện nguyện Hạc Giấy, chị Nguyễn Thị Nhung vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt” năm 2019 và Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam về gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng - Nghị lực Việt" năm 2020.

Trần Toản

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tai-nang-va-ban-linh-song-cua-ho-khien-nhieu-nguoi-lanh-lan-cung-phai-hoc-hoi-than-phuc-a5542.html