Từ tháng 1 đến tháng 3.1892, ông J. Brien, Phó Thanh tra Trạm và Bưu điện (Sous-Inspecteur des Postes et des Télégraphes) được Toàn quyền De Lanessan ủy nhiệm một chuyến đi khảo sát thực địa từ Qui Nhơn vào đến ranh giới Bình Thuận và Biên Hòa và đã ghi chép tỉ mỉ trong tác phẩm De Qui Nhon en Cochinchine Exploratons dans le Binh Thuan (Sud-Annam) xuất bản năm 1893. Mũi Đại Lãnh, Mũi Dinh, Mũi Kê Gà được J. Brien ghi chép cẩn thận trong tác phẩm của ông.
Hải đăng mũi Đại Lãnh
Người dân địa phương quen gọi mũi Đại Lãnh là Mũi Chùa, Mũi Nạy: “A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la cote de la province du Khánh Hòa qui”[1] (Từ cái Mũi Varella này hay là Mũi Chùa, Mũi Nại của người An Nam là chấm dứt đường bờ biển của tỉnh Khánh Hòa). Một vài bản đồ chú thích Mũi Đại Lãnh khác với Mũi Nại. Mũi Nại nằm phía Bắc của Mũi Đại Lãnh, cách nhau bởi Bãi Môn. Ngoài ra Mũi Đại Lãnh còn có tên Mũi Diều, Mũi Kê Gà. Trên các bản đồ phương Tây ghi là Cap Varella (Mũi Varella).
Brien ghi chép khá kỹ càng về khu vực Vũng Rô và Mũi Varella: “Au loin, vers le Sud, un contrefort puissant s’échappe de la grande chaine jusqu’à la mer pour former le cap Varella, qui barre formidablement la route, et que l’on franchit par le Đèo Cả”[2] (Xa xa về phía Nam, một rặng hùng vĩ thoát ra từ rặng núi lớn chạy thẳng đến biển để hình thành nên Mũi Varella chặn đứng con đường, buộc người ta phải đi qua Đèo Cả).
Tuyệt nhiên, không thấy nhắc đến ngọn hải đăng. Như vậy, vào năm 1892, chưa có ngọn hải đăng nào tại Mũi Đại Lãnh.
Paul Doumer làm Toàn quyền xứ Đông Dương từ năm 1897-1902, trong hồi ký của mình, ông viết về Mũi Đại Lãnh: “… Vào ban ngày, người ta dễ dàng thấy mũi này. Ngón tay đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Thật may mắn là nó không thường xuyên bị mây che. Đương nhiên là không có hải đăng chiếu sáng ban đêm. Sau đó, tôi đã cho khảo sát và xây dựng hải đăng này. Công việc đó chưa hoàn tất khi tôi rời Đông Dương năm 1902. Việc nghiên cứu và xây dựng không thể diễn ra nhanh chóng tại một vùng cách biệt, với vùng rừng núi khó khai phá như ở Mũi Đại Lãnh”[3].
Chúng ta có thể kết luận: Hải đăng Đại Lãnh được khởi công vào những ngày tháng đầu của thế kỷ XX và hoàn thành vào năm 1903 hoặc 1904.
Sau khi hải đăng Đại Lãnh được chiếu sáng, Mũi Đại Lãnh xuất hiện thêm một tên mới đó là Mũi Điện.
Ngọn hải đăng Mũi Dinh
Sách xưa gọi Mũi Dinh ở Ninh Thuận là Diên Chủy (chủy là mõm, là mũi. Cái gì hình thế nhọn sắc vẩu ra ngoài đều gọi là chủy, như: sơn chủy: mỏm núi) hoặc gọi nôm na là Mũi Diên. Dân địa phương gọi là Mũi Dinh. Mũi Dinh nằm về phía đông nam của dãy núi Chà Bang: “Sa pointe sud-est est le Chek Dil des Tjames, le Mũi Dinh des Annamites, le cap Padaran des Européens”[4](Mũi Đông Nam của nó, người Chăm gọi là Chek Dil, người An Nam gọi là Mũi Dinh, người châu Âu gọi là Cap Padaran).
Trong tác phẩm Notes sur l’Annam I le Binh Thuan của Công sứ Étienne Aymonier, xuất bản năm 1885 khi viết về Mũi Dinh không thấy nói đến hải đăng.
Năm 1892, J. Brien đã đi khảo sát thực địa Mũi Dinh và ông cho biết là đã có ngọn hải đăng ở đó rồi: “Nous allons quitter la route mandarine pour faire une excursion jusqu’au phare du Padaran, situé à 20 kilomètres au sud-ouest du tram Thuân trinh”[5] (Chúng tôi sắp rời con đường cái quan, để làm một cuộc du ngoạn xuống ngọn hải đăng Padaran. Ngọn hải đăng này ở 20 cây số phía Tây Nam trạm Thuận Trinh).
Brien cho biết, người Chăm đến ngọn hải đăng rất nhanh: “Les Chams connaissent un passage sous bois qui conduit du phare au village de Cana, au Sud, en 3 heures environ”[6](Người Chăm biết con đường đi luồn dưới rừng để đến ngọn hải đăng hay làng Cà Ná về phía Nam, tốn chừng 3 tiếng đồng hồ).
Con đường từ chân núi lên ngọn hải đăng: “Le petit pic sur lequel est bâti le phare est complètement isolé du massif du Padaran; la route en rampe qui y conduit est très rudimentaire, et pourtant il a fallu employer la dynamite pour la rendre à peu près accessible. Les rochers et le sol sont recouverts d’une brousse maigre et rabougrie brulée par tous les vents”[7] (Đỉnh núi nhỏ có ngọn hải đăng được xây dựng ở bên trên hoàn toàn bị cô lập với khối núi Padaran. Con đường dốc dẫn đến đó rất thô sơ, tuy nhiên người ta phải dùng thuốc nổ để làm cho nó hầu như có thể đi lại được. Những ghềnh đá và mặt đất được bao phủ bởi những cây nhỏ nghèo nàn và còi cọt bị cháy sém bởi đủ loại gió).
Theo J. Brien, vị trí có ngọn hải đăng chưa phải là vị trí tốt nhất: “Le phare lui- même est un bel édifice quadrangulaire en pierres de taille; il est situé à 186 mètres d’altitude et possède un feu à éclats blancs et rouges visible à 30 milles en mer. Il aurait été, au point de vue de la navigation, mieux placé sur la pointe Est du grand massif, au Sud-Est de l’emplacement actuel, mais on a du renoncer à l’y construire par suite des difficultés d’accès et aussi pour raisons budgétaires”[8] (Chính hải đăng là một cấu trúc hình bốn góc đẹp bằng đá tảng. Nó nằm ở cao độ 186 mét và sở hữu một ngọn lửa chớp sáng trắng và đỏ. Nhìn thấy được từ 30 dặm trên mặt biển. Lẽ ra theo quan điểm đi tàu, nó phải được đặt trên mũi nhọn mặt Đông của khối núi về phía Đông Nam của chỗ hiện tại, nhưng người ta đành phải từ bỏ xây dựng ở đó vì những khó khăn leo trèo và cũng vì lý do ngân quỹ).
Trong thời gian làm Toàn quyền xứ Đông Dương từ năm 1897-1902, Paul Doumer đã đi tàu thủy ngang qua Mũi Dinh và đã ghi chép lại trong Hồi ký của mình: “Từ Mũi Đại Lãnh, đường biển uốn hơi cong về hướng Tây, nhưng bắt đầu từ Mũi Dinh [Cap Padaran] thì tuyến đường chạy thẳng về hướng Tây, cũng giống như bờ biển. Trên vùng đất cao của Mũi Dinh, một ngọn hải đăng được đặt ở vị trí tối ưu và chiếu ra ánh sáng đỏ và trắng. Những vị thuyền trưởng trên tuyến Viễn Đông, đã từng đi qua những cảng biển Ai Cập, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản, vẫn thường nói: “Thành phố đẹp nhất ta thấy trên cả tuyến đường là Sài Gòn. Ngọn hải đăng đẹp nhất là ở Mũi Dinh”[9].
Tuy không biết đích xác năm xây dựng nhưng chúng ta có thể ước chừng ngọn hải đăng được xây dựng trong khoảng thời gian từ sau năm 1885 cho đến năm 1891.
Hải đăng Mũi Kê Gà
Đại Nam nhất thống chí ghi chép về Trạm Thuận Lâm thuộc tỉnh Bình Thuận: “Ở thôn Văn Kê, phía tây đến trạm Thuận Trình 27 dặm linh” và núi Cẩm Kê: “Ở phía Nam huyện, phía Nam kề bãi biển, dưới chân núi có đá lớn bò ra nước, ngoài biển có hòn Khe Gà”[10].
Năm 1885, trên đường hành quân từ phía Nam ra phía Bắc tỉnh Bình Thuận để đánh dẹp phong trào Cần Vương, Công sứ Aymonier đã ghi chép đoạn đường từ trạm Thuận Lâm đến Thuận Lý: “La route, laissant à droite le cap Khe Gà, continue vers l’est en fôret, sur un plateau de cent à cent cinquante mètres d’altitude; plus loin, elle traverse un petit ruisseau limpide; puis elle reprend le bord de la mer entre les flots et des dunes à pic de sable durci. Enfin on atteint le cinquième trạm, celui de Thuận Lý, à deux ou trois lieues au delà du cap Khe Gà”[11] (Con đường nằm bên phải Mũi Khe Gà, tiếp tục chạy về phía Đông xuyên qua rừng, trên một cao nguyên cao từ 100 đến 150 mét; xa hơn, nó vượt qua một con suối nhỏ nước trong vắt; rồi con đường lại chạy dọc theo bờ biển giữa những con sóng và những cồn cát rắn và thẳng đứng. Sau cùng, chúng ta đến trạm thứ năm, trạm Thuận Lý, ở xa hai hoặc ba dặm bên kia Mũi Khe Gà).
Sách do Quốc sử quán soạn và ghi chép của Aymonier đều gọi là Khe Gà.
Năm 1892, trong chuyến khảo sát từ Bắc vào Nam, ông J. Brien hành trình từ trạm Thuận Lý đến trạm Thuận Lâm thuộc tỉnh Bình Thuận: “Des deux côtés de la route le terrain est très boisé et donne asile à des quantités de cerfs, de tigre et surtout d’éléphants dont les traces couvrent le sol. Dans cette saison, en effet, ils sortent toutes les nuits des fôrets qui couvrent la pointe Kega et Núi-thi-Đang pour venir boire au ruisseau de Lang-kim”[12] (Dọc hai bên đường đất vùng này nhiều cây cối làm chỗ trú cho số lớn hươu nai, cọp và nhất là voi mà vết chân đi đầy trên đất. Trong mùa này, quả là đêm nào chúng cũng từ rừng đi ra cho đến đoạn Mũi Kê Gà và núi Thị Đặng để đến uống nước tại suối Làng Kim).
Vào thời điểm ghi chép của Aymonier và J. Brien thì ở Mũi Khe Gà (Kê Gà) chưa có hải đăng. Trên một viên gạch ở hải đăng Kê Gà có con số “1899”. Như vậy con số “1899” chính là năm khai sinh hải đăng Kê Gà.
Tuy chưa xác định một cách chính xác năm sinh của hải đăng Đại Lãnh và Mũi Dinh, ta có thể sắp xếp thứ tự về việc ra đời của ba hải đăng là: Hải đăng Mũi Dinh, hải đăng Kê Gà, hải đăng Đại Lãnh.
Trong 3 ngọn hải đăng được nêu, chỉ có hải đăng Kê Gà là còn nguyên vẹn không bị phá hủy do chiến tranh và hoạt động liên tục từ năm 1899 đến nay.
Nguyễn Văn Nghệ (theo DN+)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nam-khai-sinh-cua-cac-ngon-hai-dang-dai-lanh-mui-dinh-ke-ga-a5464.html