Covid-19 và những hệ lụy tâm lý khôn lường cho người trẻ
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay kiêm Cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam, đã dẫn chứng những hệ lụy lớn của dịch Covid-19 tác động đến môi trường xã hội, giáo dục; làm tê liệt hoặc đứt gãy nhiều hoạt động và giao tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của học sinh, sinh viên.
Đó là những tác động tiêu cực của dịch bệnh dễ tạo nên cho các em biểu hiện căng thẳng, thách thức về tâm lý. Cụ thể, hậu Covid-19, cả nước có khoảng 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và một triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn…
Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và tinh thần, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển. Đối với đa số học sinh, trường học là nơi để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.
Trẻ không được đến trường, mà nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Trong khi đó, bản chất và đặc thù của trẻ là hoạt động giao tiếp. Đây là phương thức phát triển ngôn ngữ, có ảnh hưởng tới hứng thú, tinh thần, thái độ trong học tập và cuộc sống của các em. Thiếu hụt kết nối với xã hội sẽ ảnh hưởng lớn tới các yếu tố cơ bản hình thành nhân cách của trẻ ở hiện tại và trong tương lai. Từ đó tác động tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em, và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới. Tiến sĩ Đào Lê Hòa An cũng dẫn chứng từ một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF, cứ 7 em thì có 1 trẻ vị thành niên trên toàn cầu chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần của trẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiến sĩ Đào Lê Hòa An đặc biệt nhấn mạnh, phương thức dạy học trực tuyến chỉ tốt khi chúng ta có sự chuẩn bị những điều kiện đặc thù cho nó. Hiện nay, ở nhiều địa phương, hiệu quả học trực tuyến thấp, ảnh hưởng nhất định tới kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục. Lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác trong quá trình học, ít hoạt động nhóm, dễ mất động lực học tập, quên dần các kỹ năng mềm... là những hạn chế của học trực tuyến thời gian dài. Nguy hiểm hơn là trẻ khó thích ứng khi quay trở lại học trực tiếp.
Một thời gian dài, trẻ phải ngồi trước màn hình thiết bị điện tử khiến các em cảm giác cô lập, xa cách, gây căng thẳng, lo âu và dễ suy nghĩ tiêu cực. Từ đó, trẻ dễ dẫn tới gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý.
Một số chức năng hoạt động của cơ thể bị ảnh hưởng như mỏi mắt, nhức mắt, ù tai, đau tai khi phải tiếp xúc lâu và liên tục với mạng và máy tính hay truyền hình. An toàn điện, an toàn không gian số và an ninh mạng là những vấn đề nhức nhối của gia đình, học sinh. Đã có học sinh chết vì điện giật hay nổ thiết bị công nghệ khi học trực tuyến. Và cũng có trường hợp trẻ bị kẻ xấu đe dọa, uy hiếp, cướp tài sản khi phải học trực tuyến tại nhà.
Do khó quản lý hoạt động học trực tuyến, học sinh dễ bị sa vào những trang tin giả hoặc lừa đảo trên mạng. Đặc biệt, học sinh rất hay bị cám dỗ bởi game và nặng hơn là nghiện nó; quá mải mê những trang mạng có nội dung phản cảm, thiếu văn hóa, làm ảnh hưởng tới sự phát triển về giá trị sống, vẩn đục tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.
Bên cạnh gián đoạn việc học, vấn đề tinh thần trong thời kỳ Covid-19 hai năm qua cũng báo động. Trên các phương tiện truyền thông ngập những con số về số ca mắc, ca nặng, rồi tử vong, số người khỏi bệnh… Nhưng còn một thứ vô hình, đó là stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.
Các sự kiện tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến con người, làm đảo lộn cuộc sống của con người; Những sự kiện làm con người đau khổ, đe dọa tính mạng, hay gây ra tổn hại về tinh thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, làm đổ vỡ kinh tế của gia đình, làm suy sụp và không có khả năng chống đỡ.
Dịch Covid-19 đã khiến hơn 5 triệu trẻ em trên thế giới đã phải mồ côi cha mẹ hoặc mất đi người chăm sóc; trong khi đó Việt Nam là hơn 1.500 trẻ mồ côi Nhiều trẻ mồ côi bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, mất ngủ nghiêm trọng sau khi mất cha mẹ đột ngột. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên. hậu quả của đại dịch Covid-19 trên trẻ em không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà chúng ta dễ dàng thấy được. Nhiều “làn sóng ngầm” về sức khỏe tinh thần hậu Covid-19, vấn đề giáo dục và phát triển của trẻ em cần phải được chú ý. Đối với trẻ sơ sinh, mẫu giáo và đầu tiểu học, việc cha mẹ tử vong có thể được cảm nhận như một sự kiện chia cắt, phá hủy sự gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc. Trẻ có thể quấy khóc, ăn vạ, tỏ ra sợ hãi khi không được cha mẹ ở cạnh. Vì quá sốc nên trẻ không tin vào sự thật. Trẻ trở nên trầm lặng, ít hoạt động, giao tiếp và có thể dành nhiều thời gian để khóc; một số trẻ mệt mỏi, ít ăn uống và mất ngủ,… Tùy mỗi trẻ mà các dấu hiệu, biểu hiện tâm lý, hành vi có thể khác nhau.
Thách thức tâm lý trong việc đối diện với tin giả gây hoang mang, lo lắng, sợ hãi. Thiếu kết nối xã hội, lười thể thao làm cho tinh thần suy sụp, sức khỏe yếu. Học sinh, sinh viên thay đổi hình thức học tập, mất tập trung vì không gian học tập tại gia đình không thuận lợi. Những mâu thuẫn phát sinh giữa các thành viên trong gia đình cũng là yếu tố tạo nên áp lực. Bên cạnh đó thì số trẻ mồ côi mất cả cha mẹ, việc học tập và người nuôi dưỡng bị gián đoạn, học từ xa,...
Cần lồng ghép và đa dạng hóa phương pháp giáo dục phổ thông
Theo Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, 4 yếu tố vàng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tâm lý của học sinh, gồm: Yếu tố di truyền – đóng vai trò là tiền đề; Yếu tố môi trường xã hội – đóng vai trò điều kiện; Yếu tố Giáo dục – đóng vai trò chủ đạo; Yếu tố Hoạt động và giao tiếp - đóng vai trò quyết định. Vì thế, muốn “chữa” được hội chứng rối loạn tâm lý tuổi học đường cần có sự phối hợp hữu cơ của nhà nước – nhà trường – gia đình. Trong đó, gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt – “hàng rào” vững chắc trong hành trình trưởng thành của trẻ.
Trước mắt cần tập trung truyền thông, giáo dục về những hành vi – hoạt động sức khoẻ tích cực, có lợi cho sức khỏe nhất có thể. Trước mắt là thực hiện 5K về cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thông điệp 5K để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Phản biện trước những thông tin chưa rõ căn cứ, làn truyền sự sợ hãi.
Có thể thực hiện 3-4 phút vận động thể chất với cường độ nhẹ, chẳng hạn như đi bộ hoặc vươn vai, sẽ giúp làm dịu cơ bắp của bạn và cải thiện lưu thông máu và hoạt động của cơ. Hoạt động thể chất thường xuyên có lợi cho cả thể chất và tinh thần. Nó có thể làm giảm huyết áp cao, giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2 và các bệnh ung thư khác nhau - tất cả các tình trạng có thể làm tăng nhạy cảm với Covid-19.
Tiếp đến cần lồng ghép đa dạng các nội dung giáo dục về sức khỏe liên quan vào các môn học khác. Các môn khoa học tự nhiên có thể dạy các em về vi-rút, cơ chế truyền bệnh và tầm quan trọng của vắc-xin. Các môn khoa học xã hội có thể tập trung vào lịch sử của các đại dịch, tác động gián tiếp của đại dịch... Song song với đó cho trẻ thói quen chăm sóc tâm trí bằng việc viết nhật ký để theo dõi suy nghĩ hàng ngày, thực hành thiền định, thường xuyên kết nối – gọi điện thoại hỏi han gia đình, bạn bè, người thân xung quanh.
Đồng thời sử dụng dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ sức khoẻ tinh thần chất lượng nếu thật sự cần thiết. Đơn cử như nghe nhạc, đi dạo, ngủ đủ, trò chuyện cùng gia đình, bạn bè,... dùng dịch vụ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp chất lượng, thiền định, tránh xa thông tin tiêu cực.
Cuối cùng cần hỗ trợ cấp bách cho trường hợp các trẻ mồ côi vì dịch bệnh Covid-19. Trẻ phải được hỗ trợ một cách toàn diện trong tầm nhìn lâu dài, ít nhất cho đến thời điểm các em trưởng thành. Nhu cầu cần được giúp đỡ về chăm sóc, giáo dục, kinh tế, xã hội, phòng chống xâm hại, bạo lực... là các yếu tố cần cân nhắc và quan tâm một cách toàn diện. Tôn trọng quyền riêng tư về hình ảnh, thông tin cá nhân của các em trong hoạt động từ thiện, giúp đỡ.
Theo báo cáo từ UNESCO: tính đến ngày 8/4/2020, trên thế giới có gần 1,6 tỉ học sinh và sinh viên bị ảnh hưởng; 188 quốc gia buộc phải đóng cửa các trường học trên toàn quốc, gây tác động đến 91.3% tổng số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Việc đóng cửa đột ngột các trường học, cao đẳng, và đại học đã làm gián đoạn các hoạt động giảng dạy và học tập. Ít nhất một phần ba của trẻ em trên thế giới theo báo New York (27/08/2020), tức là khoảng 463.000.000 trẻ em trên toàn cầu, đã không thể học từ xa khi các trường học bị đóng cửa vì Covid-19.
Theo báo cáo từ UNICEF: 72% học sinh không được học từ xa là những em thuộc các gia đình đình nghèo nhất. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, trẻ em từ các hộ gia đình nghèo nhất chiếm tới 86% số học sinh không được học từ xa. Trên toàn cầu, ba phần tư trẻ em không được học từ xa sống ở nông thôn.
Thanh Duy (ghi)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/covid-19-dang-la-tac-nhan-chinh-hoi-chung-roi-loan-tam-ly-tuoi-hoc-duong-hien-nay-a5440.html