Cụt 2 tay nhưng làm được nhiều việc chẳng khác gì có tay...
Trong ánh nắng nhạt cuối chiều, theo sự chỉ dẫn của bà lão đầu thôn, men con đường sâu hun hút cuối xóm, chúng tôi tìm về gia đình cậu bé có biệt danh “chim cánh cụt” Nguyễn Đông Khải. Bước chân vào căn nhà nhỏ cũ kỹ, tuềnh toàng rộng khoảng 30m2 khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến dưới ánh sáng của chiếc đèn học là cậu học sinh đang tập trung cao độ vào đôi chân của mình để nắn nót từng nét chữ, từng con số trong lớp học online. Không để ý xung quanh ai nói gì, làm gì, hai mắt của Đông Khải chỉ chăm chăm vào trang vở và miệt mài đưa chân viết theo những lời cô giáo giảng bài.
Vừa rót chén nước trà nóng hổi mới pha mời chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thịnh (ba Đông Khải) kể về cậu con trai bé nhỏ nhưng có đôi chân diệu kỳ của mình. Anh Thịnh cho biết, Khải là con trai thứ 2 trong 3 người con của vợ chồng anh. Ngay từ khi mới chào đời, Khải đã bị dị tật bẩm sinh không có hai tay.
Theo anh Thịnh, trong gia đình không có ai bị dị tật, lúc Khải sinh ra được một ngày, bác sỹ gọi người nhà vào làm công tác tâm lý trước rồi mới cho gia đình gặp cháu. Lúc nhìn thấy không có hai tay, lòng như quặn thắt lại. Nhưng nì là con mình nên cho dù con sinh ra dù có như thế nào thì gia đình cũng quyết tâm chăm sóc và nuôi nấng lớn lên thành người.
“Những ngày đầu tập viết, cơ thể Khải cong lên theo từng nét chữ, mồ hôi chảy dài trên má. Có những lần hai ngón chân kẹp bút sưng tấy, rỉ máu, mực dính đầy người nhưng cháu vẫn không chịu dừng bút. Dần dà, Khải luyện cầm bút bằng chân thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng hơn...
Rồi tiếp đó mua sách về hướng dẫn cho Khải tập đọc, tập viết bằng chân trên tấm bảng đen để ở một góc nhà. Nhiều năm liền cháu được nhà trường khen thưởng vì có thành tích trong học tập. Không cần ai dạy, tự Khải tập đánh răng, chải đầu, làm mọi thứ bằng chân, làm nhiều việc chẳng khác gì có tay.” – anh Thịnh cho biết.
Thành họa sỹ để vẽ lên mọi ước mơ của mình qua tranh
Anh Thịnh kể, lúc mới sinh con ra mỗi lần nhìn Khải bò, trườn như con sâu đo, miệng luôn cười, mà nước mắt cứ thế ứa ra. Nhìn hình hài, sức khỏe yếu ớt của con, vợ chồng anh Thịnh cứ sống trong nỗi sợ nơm nớp con sẽ sớm rời bỏ cuộc đời bất cứ lúc nào. Thế nhưng khi lên 2 tuổi, cậu bé đã nói rất sõi, hiếu động, biết dùng chân chơi trò chơi, tự dùng chân kẹp thìa xúc cơm ăn, kẹp bình sữa tự uống chứ nhất quyết không chịu mở miệng để cho cha mẹ đút.
Khi đến tuổi đi học mẫu giáo, vợ chồng anh Thịnh mong muốn con có môi trường để hòa nhập, có thể thỏa mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Niềm mong mỏi của người cha người mẹ đã trở thành hiện thực với sự nhiệt tình trợ giúp của thầy cô, Khải đã có thể làm được nhiều thứ bằng đôi chân của mình.
“Do cháu không có cả hai tay nên việc dạy, kèm cặp cháu viết chữ vô cùng khó. Tập đọc thì cháu học nhanh nhưng cứ mỗi khi tập viết thì gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phụ tấm lòng yêu thương của toàn gia đình, Khải đã được trường Tiểu học Ninh Xá nhận vào học vì nghị lực vượt lên khó khăn của cháu” – anh Thịnh kể lại.
Dù không có đôi tay nhưng kể từ khi có thể cầm bút bằng chân, cậu bé Nguyễn Đông Khải rất đam mê hội họa. Cậu bắt đầu tập vẽ những đồ vật trong nhà, những bông hoa trong vườn. Rồi cậu vẽ cả những hình ảnh mới chỉ có trong những ước mơ của cậu. Những bức tranh tuy chưa đẹp như Khải mong muốn nhưng đó luôn là những gam màu tươi sáng. Có lẽ bây giờ điều đặc biệt nhất trong những bức tranh Khải vẽ chỉ là do được vẽ bằng đôi chân. Thế nhưng, khi nhìn vào đó, người xem không chỉ nhìn thấy những mảng màu, những nét tỳ mà còn thấy được nghị lực, ước mơ và thấy được trong đó động lực từ một số phận vượt qua nghịch cảnh.
“Con không có tay như các bạn, con cố gắng học làm mọi thứ bằng chân để không làm bố mẹ phải buồn và lo lắng. Con ước mơ sẽ trở thành một họa sỹ để vẽ lên những thứ xung quanh và ước mơ của chính mình qua những bức tranh” - ước mơ giản đơn của cậu bé Nguyễn Đông Khải chỉ vậy.
Theo Trần Toản
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/uoc-mo-cau-be-cut-2-tay-viet-chu-bang-chan-thanh-hoa-sy-de-ve-len-moi-uoc-mo-cua-minh-qua-tranh-a5396.html