Mang niềm tự hào của người Việt đến Angola

Với niềm tự hào của người Việt, chàng trai trẻ Phạm Quang Linh đã tạo nên một câu chuyện kỳ diệu trên mảnh đất châu Phi xa xôi.

Anh Phạm Quang Linh cùng người dân và trẻ em Angola. (Ảnh: NVCC)
Anh Phạm Quang Linh cùng người dân và trẻ em Angola. (Ảnh: NVCC)

Phạm Quang Linh sinh năm 1997, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), đã sống ở Angola bốn năm (anh vừa về Việt Nam ngày 10/1). Anh cùng những người bạn góp phần mang lại sức sống mới cho đất nước vốn quanh năm nắng nóng và khô hạn.

Khởi nghiệp từ nghề xây dựng

Năm 2017, Linh sang Angola làm nghề xây dựng cho các công ty của những người đồng hương làm chủ tại đất nước này với hy vọng có chút thu nhập dành dụm gửi về giúp đỡ gia đình.

Sau một thời gian đi làm và tích góp được ít vốn, anh mở một xưởng đông lạnh nhỏ cung cấp đá cho các đoàn thuyền đánh cá của ngư dân địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân nơi đây.

Năm 2019, Linh bắt đầu tập làm YouTube. Mục đích ban đầu của anh là để gia đình, bạn bè và những người khác tìm hiểu về cuộc sống xa quê hương của anh tại châu Phi vốn rất ít người biết đến. Sau hai năm đăng tải các video về cuộc sống và công việc của mình tại Angola trên kênh Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi (Quang Linh Vlogs - Life in Africa), anh đã thu hút được gần hai triệu người đăng ký theo dõi và bắt đầu có thu nhập từ YouTube.

Trả lời báo chí, Linh cho biết: “Kênh YouTube của tôi chủ yếu đăng tải các video về cuộc sống hằng ngày của người dân Angola, đặc biệt là khi tôi tự bỏ tiền túi để tặng quà và nhu yếu phẩm cho trẻ em nghèo ở Bailundo. Ngoài ra còn có những khoản đóng góp từ những mạnh thường quân người Việt trên khắp thế giới”.

Linh thậm chí đã tổ chức tiệc đính hôn theo phong cách Việt Nam cho một người bạn Angola cùng cộng tác với anh trong công việc tên là Lindo. Anh nói: “Mang văn hóa của Việt Nam đến với người dân châu Phi luôn là mong muốn của tôi và các bạn. Việc làm nhỏ này để mọi người ở đây biết về Việt Nam nên mình rất vui”.

Những dự án mang ý nghĩa “trả ơn”

Cùng với Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi, anh và nhóm của mình cũng đã xây dựng thêm một kênh về ẩm thực mang tên Ẩm thực châu Phi với hơn 600.000 người đăng ký.

Các video đăng trên kênh do Linh cùng những người bạn Việt Nam và Angola sáng tạo về ẩm thực Việt Nam và châu Phi. Nhóm đã giúp đỡ người dân địa phương trồng trọt, thử nghiệm trồng các loại rau Việt Nam.

Mang niềm tự hào của người Việt đến Angola
Quang Linh (ở giữa) trao đồng phục, cặp sách hỗ trợ trẻ em ở làng Sanzala (huyện Bailundo, tỉnh Huambo, Angola) đến trường học.

Để làm được việc này, Linh cùng các bạn đã phải tìm nguồn nước rồi làm kênh dẫn nước về tưới tiêu cho hoạt động sản xuất của bà con bản địa. Họ còn làm theo cách cầm tay chỉ việc và làm mẫu cho bà con từng công việc một. Từ đó các bạn sử dụng những người đã am hiểu công việc hướng dẫn lại cho những bản làng mới...

Bằng cách này, họ đã giúp được người dân ở rất nhiều bản làng ở vùng núi thuộc tỉnh Luanda nắm được kỹ thuật canh tác các loại cây lương thực để hướng tới thoát nghèo đói. Đến nay, các loại cây ngắn ngày như dưa chuột, cà chua, ngô hạt, sắn Việt Nam được người dân địa phương trồng với sự hỗ trợ của Linh và bạn bè đã cho kết quả khả quan với năng suất cao.

Mặc dù thành công nhưng Linh thừa nhận, cho đến nay mọi việc vẫn chưa suôn sẻ. Hiện tại việc giao tiếp với người dân địa phương còn hạn chế. Người dân địa phương sử dụng ngôn ngữ của họ rất khó hiểu, trong khi anh em chủ yếu sử dụng ngôn ngữ phổ thông là tiếng Bồ Đào Nha.

Các món ăn cũng khá khác biệt, người dân ở đây chủ yếu ăn bột ngô, bột sắn chứ không dùng cơm như ở Việt Nam. Điều này cũng một phần do đất đai vùng miền núi không thuận tiện cho việc trồng cây lúa nước và người dân cũng không biết làm gì để kiếm ra tiền để mua gạo.

Vào những dịp tết cổ truyền Việt Nam, Linh và các bạn Angola thường tổ chức cho bà con ăn tết, vui chơi theo cách truyền thống ở trong nước.

Nhóm cũng đã khởi động một dự án để giúp khoảng 5.000 trẻ em địa phương được đến trường. Dự án này bắt đầu chưa đầy một tháng khi họ chứng kiến nhiều trẻ em địa phương không thể đến trường. Nhóm mời giáo viên đến dạy học cho học sinh và trả lương đầy đủ cho giáo viên theo mức quy định của chính phủ nước này. Ngoài mong muốn giúp 5.000 em đến trường, nhóm cũng đang tiến hành tu sửa trường học, bao gồm sơn sửa lại phòng học và mua sắm đồ đạc cho các em.

Linh chia sẻ thêm: “Kinh phí xây nhà, giúp người dân trồng hoa màu và sửa chữa trường học đến từ việc tôi và anh em trong nhóm làm trên YouTube”. Anh cho biết đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình khi mới đến Angola từ những người xa lạ và giờ anh đã tìm mọi cách để trả ơn.

Theo Bùi Định/TG&VN

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/mang-niem-tu-hao-cua-nguoi-viet-den-angola-a5314.html