Thế nào là chữ hiếu? Chữ hiếu xưa liệu có còn phù hợp với thời nay!

Trong chúng ta ai cũng kính và yêu cha mẹ của mình. Nhưng chữ hiếu & tâm nói và viết rất dễ, nhưng làm được có lẽ vạn người chưa chắc được một. Một người con có hiếu chính là người con làm cha mẹ được an lòng.

Khi nói về lý tưởng của đời người, Khổng Tử đã đề cập tới Tam Chi: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”. Người già (cha mẹ) được yên lòng, bạn bè anh em tin tưởng, trẻ con yêu mến. Cuộc đời mỗi người nếu gói gọn trong điều đó thì còn gì viên mãn hơn.

Một người con hằng ngày cho cha mẹ ăn mỗi ngày, đó là hiếu chăng? Không đó là nuôi ăn như cách nuôi những vật nuôi hay cái cây, phải thêm vào đó sự kính trong tâm. Nhưng kính rồi thì trở thành hiếu? Không hề, dù bạn có nuôi cha mẹ với cả tấm lòng, nhưng nó vẫn không thể là hiếu khi chưa tạo cho bố mẹ chữ : An.

hieu-thao1-1641623105.jpg

Chữ hiếu chưa tròn khi chưa trao cho ba mẹ chữ "An"

Hiếu (thảo – chữ thảo trong dâu hiền rể thảo) với cha mẹ ít nhất phải đạt được các yếu tố sau:

Cung cấp đủ vật chất cho cha mẹ, càng nhiều càng tốt. Ngay bản thân từ thảo trong hiếu thảo đã nói rất rõ. Người già rất cần tiền và quý tiền, họ cần có sự chuẩn bị cho việc sức khoẻ yếu, chuẩn bị cho các dự trù. Do vậy đôi khi bạn thấy nhu cầu của họ rất ít nhưng luôn có xu hướng tích trữ tiền. Bình an thế nào được khi túi không có tiền, bệnh tật thì dần ập đến?

Lập gia đình và có con cái ổn định, một gia đình có quy củ, con cái bài bản đủ để cha mẹ không lo về thế hệ tương lai, không phải phiền đầu giải quyết chuyện hay lo lắng cho gia đình con. Bạn không được phép nghèo khó, không cần giàu, ít nhất phải trung bình, còn nếu bạn nghèo khó mà cha mẹ vẫn yên lòng nổi sao? Bạn đã ngoài 32 mà vẫn “chưa thấy vợ con gì” nhưng nói mình hiếu thảo liệu đúng không?

Khi cha mẹ đủ già phải có một công việc hay khoản dự trữ ổn định để cha mẹ không cần lo lắng cho bạn nữa.

hieu-thao2-1641623244.jpg
Lòng hiếu thảo là một đức tính vô cùng quý báu và cần phải có đối với mỗi người.

Sống và sinh hoạt tử tế, không làm điều gì để cha mẹ phải phiền lòng hay xấu hổ. Cẩn trọng trong đi lại, ăn uống, công việc và mọi thứ để cha mẹ luôn tin và yên tâm. Bạn có biếu cha mẹ nghìn thước lụa, ăn mâm vàng chén bạc, hết lòng yêu quý bố mẹ nhưng bạn uống rượu bia tối ngày liệu cha bạn có yên lòng trong mỗi giấc ngủ?

Ở mức độ cao hơn, đó là làm rạng danh gia đình/bản thân/con cháu. Bạn muốn làm bố mẹ vui nhất, nhưng thử hỏi có niềm vui nào hơn niềm vui này. Ngoài ra nữa đó là thực hiện các ý định của bố mẹ chưa thành.

Đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Đây cũng là một phần không thể tách rời trong ý nguyện của các bậc làm cha mẹ, để niềm vui của họ được trọn vẹn.

Yếu tố cuối cùng nó thuộc về mặc định và mọi người thường đề cập nhiều nhưng nó lại là bình thường nhất: Chăm sóc cha mẹ, thăm hỏi, quan tâm và dành nhiều thời gian cho cha mẹ. Hãy phục vụ sở thích của họ, trừ khi nó quá sai trái, không phải phục vụ quan điểm của bạn.

Làm được 7 điều trên, bạn có thể coi là đạt chuẩn hiếu thảo của vạn người có một. Phần lớn các bạn ngộ nhận về chữ hiếu, các bạn mới dừng ở chỗ nghĩ về cha mẹ, nhưng tính hành động của nó thì lại rất ít.

Vì có quá nhiều điều nên làm thì khó mà vi phạm thì dễ, lấy vợ muộn cũng là bất hiếu, làm ăn thua lỗ quá khiến cha mẹ phiền lòng cũng là bất hiếu, 40 tuổi vẫn chưa làm được gì cũng là bất hiếu, vượt đèn đỏ cũng là bất hiếu, lên mạng đăng linh tinh để người ta chửi cả cha mẹ cũng là đại nghịch.

Người già thích nhất bình an và ổn định, yêu thương cha mẹ nhất chính là cho họ cảm giác đó, giờ thì đừng trách người già yêu tiền và giữ tiền nữa nhé, do họ chưa đủ chưa an tâm đó. Hãy rút điện thoại ra và gửi tiền cho bố mẹ nào, và đừng quên kiểm điểm lại bản thân, tất cả những gì bạn làm đã khiến cha mẹ “An” được chưa?

Hoài Phong

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/chu-hieu-lieu-co-giong-xua-a5273.html