"Tình quê" và những cuộc vượt thoát lắng nghe hơi thở, nhịp bước, sự sống của đời!

Thơ Đỗ Lợi chở nặng những thương nhớ tình yêu, có lúc là những hoài niệm khắc khoải, có lúc là sự hoài nghi và đôi khi lại là sự bông đùa vô tư có phần “trần trụi” nhưng “đắc địa”, đầy tính nhân văn mà thi sĩ đã tô thắm cho đời.

Tình quê (gồm 72 bài) của nhà giáo, nhà thơ Đỗ Lợi thể hiện rõ nét một giọng thơ đậm chất trữ tình với nhiều nỗi suy tư, trăn trở về con người và cõi thế. Anh đã khéo léo ký gửi đó những điều sâu kín của lòng mình, hồn mình và nhờ thơ để nói hộ. Với tâm hồn đa cảm, Đỗ Lợi luôn khao khát và hướng về những giá trị tốt đẹp của đời sống.

Xuyên suốt trong tập thơ là tình yêu, nỗi nhớ, là những khát vọng, những trăn trở về cuộc đời. Tình yêu là mạch ngầm luôn âm ỉ chảy trong huyết mạch, Đỗ Lợi chuyển tải thông điệp đó qua những bài thơ, câu thơ đậm chất trữ tình. Tình yêu trong thơ anh đa dạng, nhiều màu sắc. Đó là thứ tình yêu theo nghĩa rộng, khái quát: yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu đôi lứa, tình người trong các mối quan hệ xã hội...

Tâm hồn người thi sĩ đa cảm, đa mang như anh thường có những cuộc “vượt thoát” để lắng nghe hơi thở, nhịp bước, sự sống của đời, của người... Sự vượt thoát này vẫn nằm trong hệ quy chiếu, sự thấu cảm sâu sắc của anh trước cuộc sống lắm bộn bề, nhiều lo toan, đầy bất trắc nhưng đâu đó vẫn còn niềm tin, khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước.

Là một nhà giáo, Đỗ Lợi hội đủ những phẩm chất của một người thầy mẫu mực. Anh luôn coi trọng tình nghĩa, với anh tình nghĩa đó là thước đo của mọi giá trị. Thế nhưng, xã hội mà anh đang sống có quá nhiều điều bất cập. Đỗ Lợi cảm thấy day dứt, nhiều lúc bất an trước hiện thực muôn màu, phức tạp đã và đang phơi bày ra trước mắt. Đôi lúc anh tỏ ra ngao ngán, bất bình trước những điều trái tai gai mắt ấy. Nhưng sự phản ứng của anh thông qua thơ có chiều sâu và thể hiện rõ bản lĩnh của một người có văn hóa chứ không phải kiểu gào thét hay mắng chửi. 

bia-tap-tho-moi-nhat-cua-do-loi-1641611548.jpg
Bìa tập thơ 'TÌNH QUÊ' của Đỗ Lợi  (NXB Hội Nhà văn, 2021). ẢNH: N.V.H

Đọc thơ của Đỗ Lợi, độc giả sẽ nhận ra yếu tố thời gian được anh nhắc đến nhiều, rất đa dạng, nhiều vẻ. Thời gian trong thơ anh có sự đan xen, kết nối giữa hiện tại với quá khứ và tương lai trong mối quan hệ nhiều chiều. Thời gian hiện tại như đang cựa mình, quẫy đạp. Ở đó có sự cộng hưởng giữa thời gian của đời tư và thời gian cộng đồng thế sự. Cách xây dựng kiểu thời gian này cũng là nét đáng chú ý trong thơ Đỗ Lợi. Các mùa trong năm, những thời khắc trong ngày, sự đổi thay của từng cấp độ thời gian, các giai đoạn của đời người... đã trở thành mối quan tâm đặc biệt với anh. Trong từng khoảnh khắc, sự chuyển động của thời gian sẽ kéo theo nhiều thay đổi. Và cái đáng lưu tâm nhất đó là tình thân, tình người, sự tồn tại, hiện hữu của con người trên cõi trần gian... Thời gian nhanh quá!/ Cha mẹ đi xa/ Cháu con về gần/ Đầu ta điểm bạc/ Sắp già lẩn thẩn/ Nhìn lại quãng đời/ Đã gần về đích!/ ta đang loay hoay trong cuộc cờ tàn? (Đêm giao thừa).

Đỗ Lợi nhìn đời, nhìn người bằng con mắt của một người có nhiều trải nghiệm. Do đó trong thơ anh lời thơ cũng chính là lời bình luận, đánh giá về con người và cuộc sống, về những thang bậc, giá trị đạo đức đang có chiều hướng xấu đi.

Hắn sinh ra gặp phúc lộc hồng ân/ Mồm to láo loét lại ngu đần/ Cũng là xác thịt phàm nhân/ Uống ăn khói lửa hồng trần bụi vương./ Được thời dựa thế Hắn lên hương/ Quan to chức lớn tính lắm đường/ Chẹt người lòng chẳng tiếc thương/ Ra tay đấu đá chẳng nương bạn bè./ Ác gian thất đức lại ho he/ Dã tâm dồi phấn, mặt nạ che/ Cối xay quanh quẩn gà què/ Đội trên đạp dưới ba que xạo đời./ So đo tính toán lỗ hay lời/ Đê hèn thủ đoạn thẳng tay chơi/ Vét vơ bạc chín vàng mười/  Đắp xây biệt phủ xe hơi sang giàu./ Miệng mồm ngọt xớt, dạ hiểm sâu/ Tim đen nhơ bẩn, ngẩng cao đầu/ Hết thời té ngã kêu đau/ Trắng tay mất hết vào chầu diêm la!/ Ác tham chi lắm vậy ta? (Ác tham chi lắm vậy ta?)

Đọc thơ Đỗ Lợi, người đọc dễ nhận ra phép đối lập, tương phản trở thành một phương tiện nghệ thuật chủ yếu trong sáng tạo nghệ thuật của anh.

Với anh, đời người chỉ sống có một lần và đời người ngắn ngủi, mong manh, vô thường lắm. Do vậy đừng vì những cái hư ảo mà đánh mất đi những giá trị đích thực của cuộc đời. Bởi, tất cả rồi sẽ như gió mây, của cải, bạc vàng, tranh giành, hơn thua... rốt cuộc cũng chẳng được gì. Trong bài Có như không, Đỗ Lợi đã giãi bày điều đó: Tạo hóa sinh ra bao ảo mộng,/ Sương khói chập chờn có như không./ Mây bay nước chảy, đời hư thực,/ Sấm rền chớp lóe, cõi mênh mông!/ Thiên di dờ dật, vô thường lạnh,/ Phù vân gắng gượng, giữa bão giông./ Bạc vàng trong tay đều bọt nước,/ Gắng chi phí sức để hoài công!

Hay ở bài Mong manh, nhà thơ cũng tỏ ra ngậm ngùi về bước đi của thời gian và kết thúc một kiếp người: Nắng chiều vội tắt bên ngàn,/ Mong manh đêm đến, nến tàn lệ rơi!// Phù vân một kiếp người ơi! Những suy tư về thời gian ngắn ngủi trong cõi nhân sinh cũng được Đỗ Lợi nhấn mạnh ở Lạc bước chơi vơi: Bóng câu trôi nhẹ êm đềm,/ Gieo mầm bạc tóc, ngắn thêm cuộc người? Nhưng hiện thực bất chợt trong đêm trăng thanh, gió mát: Dáng tiên lồ lộ châu thân,/ Thánh nhân đãi ngộ, bần thần khách thơ./ Thật mà cứ ngỡ trong mơ:/ Đào tiên suối rách, thẫn thờ xốn xang./ Thon cao ngà ngọc mịn màng,/ Cỏ lau đất xéo, ngỡ ngàng trời đêm! Đã khiến cho thời gian cuộc người trong thơ Đỗ Lợi có gì đó ám ảnh hồn người do vẻ đẹp “trần trụi”nhưng rất nhân văn mà tạo hóa đã ban cho cô sơn nữ ấy quá vi diệu. Vì thế, thời gian sau khi nhân vật trữ tình “Lạc bước Thiên Thai” thì như ngưng đọng, có ý nghĩa hơn, đẹp hơn, dài hơn trong sự chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về sự biến thiên cùng cái đẹp của đời: Bóng câu đứng lặng êm đềm/ Gieo mầm xanh tóc dài thêm cuộc người? Và ẩn đằng sau đó là sự hoài nghi, chờ sự phán xét của độc giả ở câu thơ cuối: Ta đang lạc bước chơi vơi?

Đỗ Lợi đã lựa chọn cho mình lối sống trọng nghĩa, đặt chữ tín và lòng nhân ái lên làm đầu. Lối sống này đã chi phối đến cuộc đời và nhân cách của anh. Đôi lúc anh muốn “tự do như cánh chim trời”. Bởi cuộc sống hiện đại tồn tại bao nghịch lý, lắm cạm bẫy, ưu phiền: Tự do như cánh chim trời,/ Cõi trần ta chính là người khách tiên.// Miền đau quá lắm ưu phiền,/ Tơ giăng cạm bẫy, đảo điên cuộc người.// Nhìn xem thế sự trêu ngươi,/ Tiêu dao vài hớp rượu vui bạn bầu.// Nghĩa nhân trọng nặng thâm sâu,/ Trọn tình sau trước cao đầu cười vui,// Tự do như cánh chim trời,/ Cõi trần ta chính là người khách tiên!

Đỗ Lợi đã sống thật với lòng mình, từ trong chiều sâu tâm thức, anh bật ra những câu thơ bình dị mà hàm súc, tự nhiên nhưng sâu sắc và đầy ám gợi.
- Thành đô sao sánh quê mình/ Hương đồng gió nội yên bình mộng mơ?/ Gần nhau đất chỉ đất quê/ Xa nhau đất bỗng hóa thơ dạt dào (Tình quê 1).
- Cho và nhận - tảng nền xây ước mộng,/ Đôi uyên ương hoà quyện TRÁI CHUNG TÌNH!/ Mình cùng nhịp đời: LOAN PHỤNG HOÀ MINH,/ Nhận nhanh em, thời gian không đứng đợi! (Anh cho em).
- Mở mắt khóc chào đời/ Chập chững rồi biết yêu/ Mượn nhiều nhưng ít trả:
Nợ dòng máu ông bà/ Nợ người sinh ra ta/ Nợ cơm áo mẹ cha/ Nợ chữ thầy cô ta/ Nợ vào ra huynh đệ/ Nợ hơi thở trần gian/ Nợ cưu mang làng xóm/ Nợ bờ vai chung tình/ Nợ người đã hy sinh/ Cho ta được vui sống…
Ôi ta nợ quá nhiều/ Bạc đầu trả bao nhiêu?/ Nặng nợ cả một đời/ Một đời chưa hết nợ! (Nặng nợ trần gian).

Một cái tôi thâm trầm, trữ tình, sâu lắng. Đỗ Lợi trăn trở về những điều không phải cho riêng cá nhân mình mà là hướng đến mọi người, nói đến quy luật chung. Anh đau cho nỗi đau của những người có hoàn cảnh kém may mắn, những số kiếp bọt bèo, những thân phận tha hương... nỗi đau chất chồng và dội về trước mắt của thời anh đang sống. Những ngày cả nước đang oằn mình với đại dịch Covid, mọi hoạt động đều thay đổi, kinh tế - đời sống chao đảo. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn kéo theo nhiều hệ lụy bất thường khác. Nhưng có lẽ tổn thất về con người là điều đáng lo ngại và đau buồn nhất. Mùa Vu Lan năm 2021 - một mùa Vu Lan khá đặc biệt,  nhà thơ không khỏi chạnh lòng và đã viết nên những vần thơ chân thật đến nao lòng:
Vu Lan nay quá đau buồn
Sân chùa vắng lặng, giọt tuôn não lòng!
Còn chăng cảnh áo cài bông
Nguyện cầu cha mẹ thong dong niết bàn?

Kẻ thì cách trở đò giang
Người thì kẹt chốn quan san mỏi mòn...

Còn chăng hiếu nghĩa vẹn toàn
Mẹ cha lìa thế, cháu con lạy quỳ?
Tang ma lặng lẽ khiêng đi
Khẩu trang kín mặt, người thì thớt thưa!

Đám cưới không có rước đưa
Âm thầm chồng vợ, muối dưa nghĩa tình
Thương nhau đâu phải linh đình
Răng long đầu bạc, ta - mình nắng mưa!

Giỗ kị cha mẹ ơn xưa
Con không về được, bởi vừa cách li
Bệnh nền lại thiếu Oxy
Phổi không thở kịp, ra đi  khó gì ?

Sáp đèn lệ đổ hoen mi
Trăng tròn cũng méo, gió thì khóc than
Núi cao mặc áo mây tang
Bầu trời im lặng, sao tàn lìa ngôi
Mái đời giọt móc chia đôi
Cuộc đời lạnh, lòng bồi hồi nhớ quê,
Nghìn trùng cách biệt phu thê:
Kẻ vào túi nhựa, người về test nhanh...

Thân tàn đông lạnh mong manh
Lò thiêu nghiệt ác đoạn đành bi thương!
Phù hư cát bụi tha hương
Gió miền hiu quạnh dẫn đường hồi quê
Người thân nóng ruột đợi chờ:
Thẩn thờ đau xót, hàng về: hũ tro
Hồn thiêng phảng phất âu lo:
Vu lan báo hiếu sao cho vẹn toàn?

Xuôi tay chưa trọn đạo con!
(Mùa Vu Lan buồn)

         

Chính thời gian, không gian và những gì đang diễn ra trong hiện thực được nói đến trong bài thơ đã để lại những nốt lặng khôn cùng trong lòng bạn đọc.

Thơ Đỗ Lợi chở nặng những thương nhớ tình yêu, có lúc là những hoài niệm khắc khoải, có lúc là sự hoài nghi và đôi khi lại là sự bông đùa vô tư có phần “trần trụi” nhưng “đắc địa”, đầy tính nhân văn mà thi sĩ đã tô thắm cho đời.

Anh sống trọn vẹn với tình yêu bằng những cử chỉ, thái độ sống đúng mực của một công dân có ý thức trách nhiệm với bạn bè, người thân và cộng đồng xã hội. 

 Tình quê chưa hẳn là tập thơ nổi trội về mặt thi pháp nhưng nó đã chuyên chở những thông điệp, tình cảm chân thành của người thi sĩ.  Ở đó anh không chỉ sống cho mình mà còn biết sống vì mọi người. Mà những gì được nói ra từ chính trái tim sẽ dễ dàng lay động đến trái tim. Tôi tin, Tình quê sẽ là món quà ý nghĩa, trước hết là với chính bản thân nhà giáo Đỗ Lợi, với bạn bè và cả những người quan tâm yêu thích đến thơ anh./.

* Nhân đọc tập thơ Tình quê của Đỗ Lợi, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tinh-que-va-nhung-cuoc-vuot-thoat-de-lang-nghe-hoi-tho-nhip-buoc-su-song-cua-doi-a5269.html