Tâm niệm của vị bác sĩ già mắc bệnh xơ gan

Dù bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt ra đi vào ngày 25/3/2020 sau 31 năm chống chọi với căn bệnh xơ gan thọ 78 tuổi nhưng tấm lòng và tâm niệm cả đời của ông vẫn còn đó, sống mãi...

Sinh lão bệnh tử là quy luật cuộc đời con người mà không ai có thể tránh khỏi. Điều đặc biệt nhất của tôi là căn bệnh gan luôn nhắc nhở tôi phải sống lành mạnh và điều độ, trân quý từng phút giây bên gia đình và công việc. Chỉ cần sống nghị lực và lạc quan, tôi vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc.

Bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Mới vài tuổi, ông đã bị gửi lên chùa. Mãi sau này, ông mới được đón về nhà đi học cùng với người em út, kém ông gần 6 tuổi. Ông rất thích học, cứ mượn được quyển sách, tờ báo nào là lại say sưa đọc rồi cẩn thận ghi chép lại để ghi nhớ kiến thức. Ông đi học ở Trường Đại học Y Thái Nguyên. Khi ra trường, ông được phân công lên tỉnh Yên Bái công tác. Trong thời kỳ chiến tranh, khi làm việc tại Bệnh viện Lâm trường Thác Bà, ông đã bị lây virus viêm gan của bệnh nhân. Do chiến tranh, việc điều trị bệnh của ông bị ngắt quãng và để lại di chứng nặng nề, ông đã bị xơ gan từ năm 1990.

bac-si-kiet-trong-chuyen-di-kham-benh-tinh-nguyen-1640876832-1641523385.jpg
Bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt luôn vui vẻ, vởi mở với đồng nghiệp. Ảnh: tác giả cung cấp

Là bác sĩ đa khoa nhưng ông đam mê nghiên cứu Đông y từ khi còn làm việc tại Lâm trường Thác Bà. Những bài thuốc của ông đã giúp chữa khỏi bệnh cho nhiều công nhân Lâm trường. Khi đó, do ngân sách và thuốc chữa bệnh ở Lâm trường rất hạn chế nên ông quyết định nghiên cứu các phương pháp cấy chỉ chữa hen phế quản. Vì chỉ cần có vài bệnh nhân bị hen suyễn, tiền thuốc cho họ sẽ chiếm hết phần lớn ngân sách của cả bệnh viện. Phương pháp cấy chỉ chữa hen của ông đã được trên 40 năm cũng bắt đầu từ lý do đó. Đến năm 1980, cả Bộ Lâm nghiệp lẫn Bộ Y tế đều mời ông về làm việc tại Hà Nội. Ông quyết định về làm ở cơ quan Bộ Y tế.  

Bác sĩ Kiệt tiếp xúc với máy tính từ khá sớm. Những năm cuối của thập kỷ 80, Bộ Y tế được tài trợ máy tính, ông lại làm trong một số dự án của ngành nên đã bắt đầu sử dụng máy tính để làm việc. Kể từ đó, ông thường xuyên làm việc trên máy và vẫn duy trì việc viết bài, thu thập tài liệu, đọc sách và tài liệu. Số bài ông viết đăng trên các báo như: Sức khỏe & Đời sống, Thế giới mới và các tạp chí về Y tế, Sức khỏe trong và ngoài nước rất nhiều. Ngoài ra, ông cũng tổng hợp thành nhiều cuốn sách và tài liệu với rất nhiều chủ đề rất hữu ích.

Bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt nhớ lại vào năm 1990 ông bị ốm, khi đi khám gan thì mới biết tình trạng quá nặng. Các bác sĩ lắc đầu trả về. Họ hàng, con cháu lo lắng, cứ nghe nói chỗ nào có bài thuốc, thầy thuốc điều trị về gan là đến mua về để ông uống. Nhưng những thuốc đó đều không phù hợp với dạng bệnh của ông. Về sau này, ông quyết định tự điều trị cho mình bằng cả đông y lẫn tây y. Đến đầu năm 2010, chức năng gan của ông quá kém nên ông bà quyết định sẽ truyền thêm thuốc. Kể từ đó mỗi lần bà ra Ngọc Khánh mua thuốc thì được coi như đại lý vì bà mua nhiều. Cứ định kỳ bà lại đóng vai y tá riêng để truyền cho ông.

bac-si-kiet-di-giang-bai-ve-cham-soc-suc-khoe-cho-nguoi-khuyet-tat-1640876832-1641523385.jpg
Bác sĩ Kiệt trong một lần đi từ thiện. Ảnh: tác giả cung cấp

Gia đình và niềm đam mê trong công việc đã tiếp sức mạnh cho bác Kiệt trở thành bác sĩ sống nghị lực và lạc quan nhất mà tôi từng gặp. Cả hai ông bà đều bệnh rất nặng (bà đã hai lần mổ tim, thay 2 van) nhưng người ngoài không biết, ai cũng khen ông bà khỏe mạnh. Vào những thời kỳ yếu nhất, ông bà vẫn không thể hiện ra bên ngoài. Bác sĩ Kiệt tâm sự. "Trong cuộc sống, mỗi khi ăn cơm xong là tôi phải nằm nghỉ, nếu không sẽ bị hạ đường huyết vì chức năng gan của tôi rất kém. Vợ tôi phải đóng vai y tá riêng để truyền cho tôi. Tôi bị bệnh gan trên 40 năm nay nên sức khỏe yếu, rất muốn khám bệnh thường xuyên cho mọi người nhưng cũng phải hạn chế. Thế nhưng, tôi chẳng bao giờ có thể nằm một chỗ, không chơi với cháu thì lại làm máy tính, đọc tài liệu, hoặc giúp mọi người việc nhà, hoặc làm thuốc. Khi tôi viết sách, tôi có cảm giác tôi có thể giúp phòng bệnh và điều trị cho hàng ngàn, hàng triệu bệnh nhân tại Việt Nam và trên khắp thế giới bằng những bài thuốc đông y dân gian và hiện đại. Khi đó, mọi vấn đề về sức khỏe của tôi dường như biến mất”.

Sau một thời gian nghỉ hưu, năm 2005, bác sĩ Kiệt thành lập nhà thuốc Bạch Phú Hà để khám chữa bệnh (chủ yếu về Đông Y). Từ năm 2013, ông không khám chữa bệnh nữa vì sức khỏe yếu nhưng nếu có ai thân quen nhờ, ông sẵn sàng kê giúp đơn thuốc hoặc tư vấn cho mọi người qua điện thoại, email.

Năm 2007 là năm có nhiều biến cố với ông bà. Đầu năm khi đang đi xe máy trên đường Kim Mã, ông bà bị một thanh niên đi xe máy phi quá nhanh đâm vào rồi bỏ chạy. Ông bị đập đầu xuống đường, bà bị gãy xương. Khoảng ba tháng sau, khi đang cố vấn cho một dự án về Y tế, ông lại bị tai nạn do bị bảng phooc-mi-ca treo tường rơi va vào đầu. Thấy đau đầu và có dấu hiệu xấu, ông đã vào viện khám và phát hiện có chảy máu và tụ máu, phải nhập viện mổ cấp cứu luôn. Có lẽ hai lần bị đập vào đầu đã gây chảy máu trong. Sau khi phẫu thuật khoảng 6 tháng, ông vẫn bị chảy máu trong mặc dù đã dùng 5 viên An cung, truyền muối biển 3 tháng cùng khá nhiều loại thuốc cả tây lẫn ta. Các bác sĩ khuyên phải mổ lại vì khối tụ máu đã to gần gấp đôi so với trước khi mổ. Ông ở nhà tự điều trị bằng đông y và gạt phắt chuyện phẫu thuật lần hai. Kỳ lạ thay, sau khoảng 3 tháng dùng thuốc đông y, chỗ tụ máu đã biến mất hoàn toàn.

Lúc không làm thuốc, không viết sách, bác sĩ Kiệt dành thời gian cho những hoạt động mà ông coi là “rất đặc biệt”. Ông đi nói chuyện về dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh tật, động viên và chia sẻ kinh nghiệm phòng chữa bệnh bằng đông y đặc biệt là bệnh gan cho những người khuyết tật ở các Hội người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dù mang trong mình căn bệnh viêm gan nhưng bác sĩ Kiệt chưa bao giờ cảm thấy đau khổ và mặc cảm về căn bệnh của mình.  Ông chia sẻ: "Tôi có hai lựa chọn. Tôi có thể trở thành con người đầy tự ti và luôn cảm thấy như mang án chung thân khi bị nhiễm virus viêm gan. Hoặc tôi có thể nghĩ: 'Sinh lão bệnh tử là quy luật cuộc đời con người mà không ai có thể tránh khỏi. Điều đặc biệt nhất của tôi là căn bệnh gan luôn nhắc nhở tôi phải sống lành mạnh và điều độ, trân quý từng phút giây bên gia đình và công việc. Chỉ cần sống nghị lực và lạc quan, tôi vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc. Và tôi nghĩ theo cách thứ hai".

Nếu không lạc quan và yêu đời, chắc ông bà không sống được với con cháu tới bây giờ. Nhưng ông bà cũng rất cẩn thận, đã làm sẵn 2 ngôi mộ tại quê nhà và cũng viết sẵn luôn điếu văn. Đây là những việc mà rất ít người dám làm, có thể do kiêng. Ông bà đi đâu cũng đi cùng nhau. Trên 78 rồi, ông bà vẫn xưng anh - em làm con cháu tròn mắt kính phục.

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY

Nguyễn Minh Châu (Hà Nội)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tam-niem-cua-vi-bac-si-gia-mac-benh-xo-gan-a5258.html