'Sài Gòn chọn nhớ những điều thương': Nghĩ về mùa hoa nở trong bão dữ

Cuốn sách có sự góp mặt của 25 tác giả. Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch.

sai-gon-chon-nho-nhung-dieu-thuong-1641376500.jpeg
Tập tản văn gồm chia sẻ và suy ngẫm của 25 tác giả về mùa cao điểm dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NXB)

Tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” là cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Trẻ phát hành toàn quốc trong năm 2022. Toàn bộ lợi nhuận từ cuốn sách sẽ được đóng góp vào Quỹ Phòng chống COVID-19.

Cuốn sách có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sỹ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... Trong đó có nhà văn Dương Thụy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Phong Việt, bác sỹ Nguyễn Minh Hảo Hớn (Trưởng khoa Mũi Xoang-Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh), nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An…

Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới, cũng là cảm xúc của người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.

Cơn bão COVID-19 đang dần rút khỏi Thành phố Hồ Chí Minh song hậu quả của nó vẫn khiến nhiều người bàng hoàng: Hàng ngàn người đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có cả các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên bị nhiễm bệnh khi làm việc; hơn ngàn đứa trẻ mồ côi; những gia đình lao đao kiệt quệ và hàng triệu người vẫn sẽ còn chịu đựng những cơn trầm cảm kéo dài vì dư chấn của dịch bệnh…

Chưa có khi nào Sài Gòn im lìm như trong những tháng cao điểm dịch, và cũng chưa có khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại rực rỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Theo nhà xuất bản, tập sách 232 trang này không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về một thời kỳ chưa kịp xa, và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.

Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Có thể nói rằng tập sách này ghi lại đôi điều về một mùa hoa nở trong bão dữ.

Một số trích đoạn trong sách:

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Quyển từ điển riêng của bạn từ lâu đã nghèo nàn, giờ thêm nhiều trang trắng. Không còn rạp chiếu phim, nhà sách, cả quán nước cũng phù phiếm xa vời. Như vô thường vậy, bạn tưởng đã thông tỏ rồi, sao lại thất thần khi thấy khói lên từ nhà hỏa táng. Nắm tro chắc phải chờ người nhận vì thân quyến còn mắc kẹt sau những sợi dây giăng. Trắc ẩn thì cực hạn, nhưng bất lực cũng theo đó mà thít chặt, bóp nghẹt. Bạn nhận ra mớ từ vừa mất đi của mình bé mọn vô phương, ngoài kia nhiều người chỉ có đói, kiệt quệ, vô vọng, tang thương trong cái mùa hè thê lương này.”

Nhà thơ Phong Việt: “Chúng ta, chắc ai cũng từng có đôi lần, trong những ngày mỏi mệt, thầm mong đường phố ngoài kia bỗng chốc lặng thinh. Nhiều khi chúng ta muốn bỏ phố về rừng chỉ đơn giản là chán ghét sự xô bồ của thành phố. Thế rồi, thành phố giãn cách vì đại dịch... Phố vắng ban ngày đã đành còn có cả giờ giới nghiêm khi trời sụp tối. Lòng người hôm nào chỉ mong đừng bị ai quấy rầy kể cả những thanh âm chung quanh, giờ bỗng nhiên hoang mang vì có quá nhiều ngày im vắng...”

Nhà báo Nguyễn Khắc Cường (Tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ): “Tia nắng hỏi tôi có khỏe không/ Tôi vẫn dùng máy thở bầu trời và biết ơn từng chiếc lá/ Con đường hỏi tôi có nhớ không/ Tôi gửi lời xin lỗi tiếng còi xe những chiều hối hả/ Bông hoa hỏi tôi có nghe hương thơm/ Chiếc khẩu trang sao vẫn theo tôi vào giấc mơ mỗi tối/ Con chim hỏi tôi có thích bay/ Tôi đáp ai ở đâu ở yên đó mà luyến tiếc những đám mây/ Hạt bụi hỏi tôi nghĩ gì về tháng Bảy/ Tôi cúi chào bao la/ Có những vong hồn mới chết hôm qua.”

Theo Minh Thu (Vietnam+)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/sai-gon-chon-nho-nhung-dieu-thuong-nghi-ve-mua-hoa-no-trong-bao-du-a5253.html