Lúc quen biết nhau tôi năm nhất, chị năm ba đại học, đó cũng là lúc bệnh tình chị ấy nghiêm trọng nhất. Chị nghỉ học giữa chừng mất mấy tháng, người nhà cũng đến học cùng mấy tháng. Mới đầu là quen được với bạn cùng phòng của chị, bạn cùng phòng chị nói đùa là muốn giới thiệu người yêu cho tôi, cứ vậy mà quen nhau thôi.
Lần đầu gặp mặt là lúc trên đường đến thư viện, tôi trông thấy bạn cùng phòng của chị nên lại chào hỏi, bạn cùng phòng kéo chị qua cùng, nói với tôi, nhìn nè, đây là người yêu mà chị giới thiệu cho cậu đấy.
Lúc đấy mặt tôi cũng dày lắm, vứt hết liêm sỉ thừa thắng xông lên, xin chào bạn gái nha, em là bạn trai của chị nè, em tên là XXXX, học ở khoa XXXX ạ.
Nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra chị hơi lạ, nhạy cảm cực kỳ, ví dụ khi đi mua đồ ở căn tin, nếu thái độ của nhân viên thu ngân hơi tệ tí thôi là đủ để chị buồn suốt nửa ngày.
Sau này mới biết, chị khi ấy lẻ loi vô cùng, ghét tình trạng của mình, muốn mình khỏe lên nhanh thật nhanh. Nhưng càng vội thì bệnh tình càng trở nặng thêm, dần dà thành ghét chính mình, hôm nào cũng mong trời tối nhanh, không muốn đối diện với ban ngày, không muốn gặp mặt bạn bè, chỉ muốn ngủ mãi không tỉnh.
Tôi tìm đủ mọi cách giúp chị sáng sủa hơn lên, đi học, ăn cơm, dạo sân thể dục cùng chị, mỗi ngày lặp đi lặp lại suốt mấy trăm lần câu trả lời của một vấn đề chẳng đâu vào đâu nào đấy.
Tôi đi học tâm lý học, lúc rỗi đọc thêm sách, tâm lý học, triết học, khoa học tự nhiên chỉ vì để trả lời những câu hỏi chị hỏi cả trăm lần mỗi ngày rằng “Tay bị vật bằng sắt cắt vào nếu không chích uốn ván thì có chết không?”, “Bị chó hoang liếm vào vết thương mà không chích vaccine thì có chết không?”, “Uống thuốc trị trầm cảm có gây hại cho cơ thể không?”... Để mình có thể cho chị một câu trả lời và sự an ủi đầy nhẫn nại, toàn diện, khoa học. Cũng để có được đủ năng lực giải quyết những suy nghĩ tiêu cực đã chiếm cứ lòng chị lâu ơi là lâu.
Vậy nên, đối đãi với những thiên thần có linh hồn bị ốm, cần phải kiên nhẫn rồi kiên nhẫn thêm nữa, đừng để họ nghĩ rằng mình làm phiền bạn, bởi vì như vậy sẽ tổn thương họ nhiều hơn, họ sẽ ghét bản thân hơn.
Chị nhận ra lắm lúc lời tôi nói từa tựa bác sĩ tâm lý, dần dần đã gầy dựng được sự ỷ nại và tin tưởng với tôi. Sau đấy tôi bắt đầu dẫn chị đi tham gia các hoạt động chung, cảm hóa chị bằng da mặt dày của mình, dốc sức tìm cách giải quyết sạch sẽ mọi vấn đề làm chị lo lắng, chầm chậm giúp chị mở rộng vòng bạn bè, gây dựng hứng thú và sở thích của chị. Những chuyện này nhìn thì thấy dễ đấy, nhưng cái khó trong đấy khó mà nói ra được bằng lời.
Chị dần dần chấp nhận cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề của tôi, sẽ tự mình phủ nhận những ý nghĩ tiêu cực trong lòng mình. Bệnh tình dần dần chuyển biến tốt lên.
Tới giờ, chúng tôi đã quen nhau hơn mười năm rồi, chị cũng đã thoát khỏi phần tâm hồn bị ốm dùng dằng thật lâu.
Nhưng cũng đã chẳng phải người yêu của tôi nữa rồi.
Chia sẻ vài ba kinh nghiệm nhé:
1. Đối xử với người bị trầm cảm, nếu bạn là người bên cạnh họ, hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn.
2. Đừng nói mấy câu kiểu: “Khỏe nhanh lên nào, chúng tôi đều thương bạn lắm, lo lắng cho bạn lắm”, làm vậy chỉ tổ khiến họ ý thức rõ hơn về bệnh của mình mà thôi.
3. Đừng phủ nhận suy nghĩ của họ một cách thẳng thừng, cố gắng thay đổi cách nghĩ của họ theo cách dẫn dắt.
4. Đừng phụ lòng sự tin tưởng và ỷ nại của cô ấy dành cho bạn, điều đó như là một kích chí mạng với cô ấy vậy. Cho nên cá nhân tôi cho rằng tốt nhất là người nhà nên khiến cô tin tưởng và ỷ nại toàn diện.
5. Chú ý đến việc giải phóng những cảm xúc tiêu cực của mình, vì lâu dần, có lẽ bạn sẽ bị họ lây nhiễm, tự mình sa sút tinh thần. Có thể đọc sách hay tập thể thao gì đấy….
6. Đừng để họ một mình lâu quá, dốc sức ở bên họ thật nhiều.
Ưu dịch
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nguoi-yeu-cu-cua-toi-la-mot-nguoi-mac-benh-tram-cam-a5218.html