Hai tháng rưỡi & một đời!

Bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc có phần e dè khi trò chuyện về một “giai đoạn lịch sử” khó quên - 2,5 tháng – đã sống ở “tâm dịch” TPHCM, khi dịch bệnh Covid-19 đang trong thời điểm khốc liệt nhất.

Đó là khoảnh thời gian ý nghĩa mà bác sĩ Bảo Ngọc đã cùng hàng ngàn nhân viên y tế đồng hành với người bệnh và tiếp sức đồng nghiệp chống dịch Covid-19.

Ngày 12/8/2021, bác sĩ trẻ Lê Thị Bảo Ngọc, công tác tại khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) gửi tâm thư đến bác sĩ Lê Minh Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM): “Anh ơi, em muốn đi quá. Sáng nay em nói chuyện với mẹ. Em nói là thời khắc này, em không thể ăn ngon mặc đẹp, đi làm 8 tiếng mỗi ngày rồi về nhà bật điều hòa ngủ được. Em biết sự góp sức của em không là gì, chỉ rất bé, nhưng anh ơi, mỗi cái bé nhỏ mới thành cái lớn được phải không anh?”.

anh-1hai-thang-ruoi-va-mot-doi-1640760509.jpeg

Bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc cùng đồng nghiệp trong thời gian chi viện cho TPHCM trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhận được thư giữa lúc đại dịch đang rất khốc liệt, bác sĩ Lê Minh Khôi đã viết trên facebook của mình rằng anh như được tiếp thêm một liều doping từ cô đồng nghiệp trẻ. Lá thư của Bảo Ngọc được bác sĩ Lê Minh Khôi chia sẻ trên facebook đã lan tỏa và lay động trái tim bao người, thể hiện qua những bình luận, kiểu như: “Mình xin cảm ơn tất cả đội ngũ y bác sĩ và các chiến sĩ đã đến và giúp người dân Sài Gòn tạm thời vượt qua đại dịch vô cùng khủng khiếp này. Xin chúc tất cả y bác sĩ và các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch thật nhiều sức khỏe và thật hạnh phúc”.

Theo bác sĩ Bảo Ngọc, hai tháng rưỡi chống dịch ở TPHCM là khoảng thời gian đặc biệt, để trải nghiệm, để thay đổi bản thân, đủ để “khai sinh” một Bảo Ngọc mới, khác hẳn ngày trước. “Bình thường mình cứ nghĩ là mình còn trẻ, còn rất nhiều thời gian bên người thân, rằng cuộc đời này còn rất dài. Nhưng khi mình ở cùng bệnh nhân Covid-19 nặng, có những bệnh nhân mà mới hôm trước còn nói chuyện, hôm sau đã thở máy, rồi tuần sau ra đi mãi mãi, mình nhận ra cuộc sống này quá ngắn, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Thời gian để mình ở cạnh, quan tâm, chăm sóc những người thân yêu của mình, hay chăm sóc bệnh nhân của mình không có nhiều…”, Bảo Ngọc bỏ dở câu nói mà tim tôi thì rưng rưng thương cảm với suy nghĩ “mình nhất định phải bớt chiều chuộng bản thân”.

anh-2-hai-thang-ruoi-va-mot-doi-1640760757.jpeg

Bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc trong phút thư giãn hiếm hoi giữa ca trực. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bảo Ngọc cho biết, ngày Ngọc chào mẹ để đi vào “tâm dịch” đúng vào dịp lễ Vu Lan, mẹ bảo “con tham gia cứu chữa người bệnh cũng là cách làm trọn đạo hiếu”. Khi Ngọc trở về, mẹ nhờ mua giúp lọ thuốc nhuộm tóc, lúc ấy Ngọc mới giật mình nhận ra “tóc mẹ bạc nhanh quá!”...

Vào TPHCM, Bảo Ngọc làm việc tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược - là khu điều trị tầng cao nhất. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều trong tình trạng rất nặng. Vậy nên, mỗi bệnh nhân lành bệnh đều đem đến niềm vui vô bờ cho các y bác sĩ.

Bảo Ngọc vẫn nhớ về một bệnh nhân Covid 86 tuổi, bị nhiều bệnh nền, suy hô hấp,... nhưng thật thần kỳ, đã hồi phục sức khỏe. Khi Bảo Ngọc gọi điện hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bệnh nhân sau khi ra viện, dù chỉ nghe tiếng nói qua điện thoại nhưng chị vẫn cảm nhận được niềm vui của gia đình. Ngọc kể: “Biết tin được về nhà, cụ ông dù mới khỏi bệnh, vẫn nở nụ cười. Đó là nụ cười đẹp nhất mình từng thấy, nụ cười đúng nghĩa “bừng sáng”. Đó là khoảnh khắc rực rỡ nhất, tuyệt vời nhất trong đời mình”.

Sau đó, bác sĩ Bảo Ngọc tranh thủ viết trên facebook: “Cảm ơn nụ cười của ông, nụ cười bừng sáng, nụ cười đã làm trái tim mệt mỏi vì khóc quá nhiều trong những ngày qua của mình được sống dậy, mạnh mẽ hơn. Những ngày mình kể với bạn, rằng nhận ra khi thất tình, khi bị chối từ, khi bị bỏ rơi, chẳng là gì so với những giọt nước mắt nhìn đoàn người rời thành phố, nhìn ánh mắt trong veo của những đứa trẻ, nhìn đám chó nhỏ vô tội. Có những ngày mà chỉ nghĩ thôi, nước mắt đã trào ra. Nhưng, nhìn nụ cười của ông, không hiểu sao mình vừa cười, mà lại rơi nước mắt. Nước mắt trong bộ PPE, không lau được, ngứa rát, nhưng lại hạnh phúc quá chừng chừng. Trời ơi... Cháu cảm ơn ông, với nụ-cười-về-nhà-bừng-sáng”.

anh-3-hai-thang-ruoi-va-mot-doi-1640760875.jpeg

Trong thời gian chi viện, bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc làm việc tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược - là khu điều trị tầng cao nhất. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Giờ bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc đã trở lại với công việc thường ngày tại bệnh viện. Nhưng còn biết bao câu chuyện cảm động trong thời gian tình nguyện vào “vùng đỏ” để lại ấn tượng sâu đậm trong chị. Đó là những nữ đồng đội của mình. Có những người còn trẻ, phải xa gia đình, có người xa con nhỏ để dấn thân vào cuộc chiến... Đó là những thai phụ nhiễm Covid, vừa chiến đấu với bệnh, vừa bảo vệ đứa con trong bụng. Có người may mắn được cứu sống cả mẹ lẫn con trong thời gian ngắn mà hành trình tưởng như dài dằng dặc. Ngọc và đồng đội gọi là điều kỳ diệu. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy...

Nhớ lại những ngày ở khu điều trị tầng cao nhất, nước mắt bác sĩ Bảo Ngọc lại rơi, như những giọt ngọc long lanh trên gương mặt thanh thoát. Trái tim của chị cũng là viên ngọc quý, giống như tên của chị - Bảo Ngọc. Mà, ngọc quý thì lúc nào cũng tỏa sáng.

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY

Phan Lê Châu Nữ (Quảng Nam)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/hai-thang-ruoi-va-mot-doi-a5215.html