Tấm gương của Ba

Cuộc sống xa quê, những lúc sớm nắng chiều mưa, tôi lại nghĩ về tấm gương của ba để rồi tự vực mình đứng dậy, tự vực mình đi qua những giông bão cuộc đời.

34 năm trên chặng đường đời, tôi cũng lập gia đình, lấy vợ, sinh con như bao người. Là một người chồng, người cha, tôi càng hiểu rõ hơn trách nhiệm với hai tiếng “Gia đình”. Nghĩ thế, tôi lại thấy thương ba tôi nhiều hơn, thương những ngày ba cực khổ và thương cả những ngày trái gió trở trời ba đau yếu.

Thời chiến tranh, bom đạn nổ trên đầu liên miên, ông nội mất khi ba vừa tròn 5 tuổi, bà nội vừa nuôi ba lại vừa chăm người con út khi đó mới 2 tuổi, gia cảnh đã vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Ba kể rằng, lúc nhỏ từ khi 7 tuổi, ngoài thời gian đến trường, ba đã xin đi phụ hồ cùng các chú, các bác trong xóm để phụ bà nội thêm tiền mắm muối hằng ngày và tiền sách vở đi học. Người ta thương, nhận ba làm, rồi giao cho những việc nhẹ hơn để ba vừa sức. Có những hôm, công việc nặng nhọc, tối về ba nằm ê ẩm cả đêm, nhưng sáng ra lại phải ráng cắp vở chạy bộ tới lớp, dưới làn đạn bom nguy hiểm.

tam-guong-cua-ba-nguyen-thanh-giang-1639561148.jpg
Ba và Mẹ  là hai  "người thầy" vĩ đại nhất đời con. Ảnh: tác giả cung cấp

Thời gian thấm thoắt trôi đi, ba xong cấp 1, rồi xuống phố Tam Kỳ học cấp 2. Dù ở cấp học nào, ba vẫn luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của lớp. Lớn dần lên, ngoài giờ học ba lại đi làm thêm các việc vừa sức để tự kiếm sống, giảm gánh nặng lo toan cho bà nội đồng thời có thêm tiền lo cho các em. Những lúc đau ốm, ba ráng chịu để đi làm, đi học, không nói gì để bà nội đừng lo.

Chiến tranh kết thúc, tiếng súng không còn là nổi ám ảnh trên quê hương mình, như bao thanh niên khác, ba ôm ấp mộng xây dựng tương lai khi hòa bình, độc lập đã về. Nhưng số phận lại quá khắt khe với ba, khi trong một lần phụ bà nội cuốc ruộng, ba đụng phải quả đạn còn sót lại. Đạn nổ, nó cướp đi của ba một bàn tay phải, cùng với nhiều mảnh đạn vụn găm sâu vào người làm cho ba mang nhiều nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Tuy cuộc sống có nhiều biến cố nhưng với tinh thần cũng người con xứ Quảng, ba chưa bao giờ bỏ cuộc.

Ba cưới mẹ trong giai đoạn đất nước sau hòa bình còn nhiều khó khăn. Với một cánh tay, ba vẫn cùng mẹ vươn lên với ruộng đồng, với ước mong cuộc sống chỉ cần đủ ăn đủ mặc thôi. Người ta sức khỏe bình thường, đầy đủ chân tay thì đã rất khó khăn để đi qua những năm tháng kiệt cùng ấy, huống gì ba chỉ còn một tay, sức khỏe sau tai nạn bom đạn cũng chỉ còn một nửa. Ấy thế mà, ba vẫn lo liệu chu toàn. Rồi khi ba chị em chúng con lần lượt ra đời, những khó khăn trên đôi vai của ba ngày càng nặng trĩu. Bản thân con lúc nhỏ lại hay đau ốm nặng, tiền thuốc thang rất nhiều. Nhưng chưa bao giờ ba lùi bước trước vô vàn cái khó cái khổ của số phận. Lúc chúng con ăn học nên người thì sức khỏe của ba cũng yếu dần đi. Sau nhiều lần tai biến mạch máu não, giờ ba không còn minh mẫn như hồi trẻ, tai cũng không còn nghe rõ nữa.

Dẫu số phận chưa lúc nào mở cho ba một con đường sáng sủa, nhưng gần 70 năm đời người, ba luôn nỗ lực vươn lên, nỗ lực làm cho cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, đồng thời truyền sự nỗ lực ấy sang chị em chúng con.

nhung-gia-tri-con-co-duoc-hom-nay-la-nho-tinh-yeu-va-su-hy-sinh-vo-bo-ben-cua-ba-me-1639561320.jpg
Những giá trị mà con có được hôm nay là tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến của Ba Mẹ. Trong ảnh: Lần đầu Ba được diện bộ đồ đẹp nhất trong ngày cưới của con. Ảnh: Tác giả cung cấp

Con vào đời, không ít lần vấp ngã, không ít lần phạm sai lầm, nhưng mỗi lần về bên mái nhà quê nghèo, về bên bữa cơm tối được nghe ba kể chuyện và khuyên bảo, con lại thấy ấm lòng hơn. Rồi từ đó, nghĩ về ba, nghĩ về những lời dạy ba khuyên cũng như những cố gắng của ba, con lại dặn mình cố gắng lên và phải không ngừng sống tốt hơn từng ngày. Để những giọt mồ hôi ba đã đổ xuống đồng không uổng phí, để những lời tâm huyết từ gan ruột ba dạy bảo không trở thành vô nghĩa.

Nhà mình tuy có thể thiếu thốn về vật chất nhưng mỗi bữa cơm quay quần bên nhau, ba đều nhắc nhở chúng con đạo xử thế ở đời, phải đặt nhân nghĩa, hiếu thuận làm đầu. Trong nhà anh chị em yêu thương nhau, bảo bọc nhau, ra đường thấy người sa cơ phải cứu giúp và nhất là đừng bao giờ dồn ai vào thế đường cùng, tha thứ được thì hãy rộng lòng tha thứ.

Năm tháng nhiều khi rưng rưng chảy xuôi mắt người ba ơi. Vẫn có những chiều rảnh rỗi hiếm hoi, con ngồi nhớ ngày còn bé nhỏ được ba bồng và tắm cho khi ba đi làm đồng về. Với một bàn tay, bàn tay cũng đầy chai sạn thời gian, ba kỳ cọ, xối tắm cho con trong lúc hoàng hôn dần xuống. Cảm giác bình yên và đầy yêu thương ấy con sẽ không bao giờ quên được.

Ngoài kia, tất nhiên có những người tài giỏi, có nhiều người giàu sang phú quý. Nhưng trong lòng con, nếu hỏi ai là người con trọng nhất, người con học tập nhiều nhất, con không ngần ngại nói ngay đó là ba. Vì con tin rằng, trên đời này, hiếm có ai nghị lực như ba khi đương đầu với phận số. Và, trong gian khổ, vẫn luôn giữ và truyền cho chúng con cách sống của một người tử tế.

Con cảm ơn ba nhiều lắm!

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY

Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tam-guong-cua-ba-a5159.html