“Đêm dài một đời”- Tia sáng từ đêm tối

Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Lê Tất Điều đã vẽ nên một thế giới của bóng tối. Nhưng chẳng phải là một bóng tối âm u và bạo tàn binh lửa mà ẩn sau trong thứ bóng tối ấy là một tia sáng hi vọng thắp sáng lên những khát khao cháy bỏng.

dem-dai-mot-doi-1639125354.jpg
Nguồn: Internet

Câu chuyện kể về một chú bé tên Thương cùng ba mẹ khăn gói lên Sài Gòn, ôm theo những giấc mơ đổi đời ở một thành phố xa hoa lộng lẫy.

Nhưng có lẽ đời chẳng bao giờ là mơ, những biến cố đã xảy ra với những thân phận bé nhỏ và nổi trôi. Chuyến xe định mệnh đã đưa cả gia đình đến với thành phố xa hoa, nhưng không phải đến với sự lấp lánh của ánh đèn đô thị mà là va chạm với những hiểm họa, ẩn tàng trên đường ray xe lửa, đoàn tàu cán phải mìn, cướp đi sinh mệnh cha mẹ, đẩy chú bé vào cảnh mù lòa tăm tối.

Chiến tranh và thân phận con người là điều đã được văn chương nói nhiều. Lê Tất Điều lấy ra từ muôn vàn số phận đau thương đó, từ muôn triệu chú bé mồ côi vì chiến tranh, một chú bé tên Thương, mù lòa. Cái tên Thương gửi gắm vào đó sự chân phương hồn hậu miền Nam, là tình yêu gia đình, quê hương, đồng loại, thứ tình thương vượt lên trên bóng tối. Lê Tất Điều đã ký thác vào chú bé mồ côi, ngay từ cái tên, một niềm hy vọng và cả một lời khẳng định. Bóng đêm chiến tranh không dập tắt được lòng yêu thương và khát vọng sống của con người.

Nhưng có lẽ nhờ vào ý chí kiên cường của bản thân khiến cho chú bé phải mang một nhiệm vụ cao cả là phải tiếp tục sống, dẫu không còn thấy tia sáng từ ô kính cửa sổ tâm hồn. Chú bé luân lạc ở khắp mọi nơi từ bệnh viện cho đến nhà người thân, rồi từ nhà người thân vào trung tâm dành cho người khiếm thị, đến đây, Thương mới tìm ra được chốn gọi là gia đình sau khi ngỡ chừng đánh mất tất cả. Ở đây chú bé có bè bạn, được dạy nghề để sau khi ra trường hòa nhập xã hội.

Với Đêm dài một đời, Lê Tất Điều đã đem tia sáng từ một thời quá vãng, soi lại thời hiện tại. Đó là câu chuyện không chỉ về thân phận con người trong chiến tranh và cũng không chỉ thân phận những người khiếm thị.

Những tác phẩm viết về người mù thì không hiếm gặp, nhưng chính bằng sự tế chế những chất liệu cuộc sống và sự va chạm với những mảnh đời bất hạnh. Đã khiến cho chú bé Thương được tác giả khắc họa như một người hùng đang sải bước trên màn đêm tâm tối. Đọc qua tác phẩm, người ta có thể cảm nhận rằng, tác giả như đang hóa thân thành chính nhân vật trong chuyện đi tìm lẽ sống đời mình. Để thông cảm và thấu hiểu cho những con người chưa bao giờ chạm đến ánh sáng.

Họ là nạn nhân, nhưng lại mang tâm lý của người mang tội, một thứ tội chính họ không biết là gì. Bởi từ khi chìm vào tối tăm, họ phải chấp nhận sống nhờ vào người khác, bị xã hội coi khinh, hoặc thương hại và cả bị lãng quên.

Nhưng không vì thế mà họ tuyệt vọng, trái lại, họ càng ý thức hơn thân phận con người trong xã hội, dầu biết “nơi nào cũng có nỗi khổ hết” nhưng “lúc nào mình cũng có quyền tranh đấu cho quyền lợi của mình hết. Nhiều khi xã hội chưa quên nhưng lại có những người muốn cho xã hội không nhớ đến chúng ta” (trang 147). Đó là những kẻ tư lợi, nhận tiền từ thiện nhưng tiêu xài riêng, trong một môi trường còn nhiều “bê bối”.

Khi khắc họa thế giới của người khiếm thị, Lê Tất Điều đã nêu được cái dị biệt trong đời sống của họ, nhưng không tách biệt, mà đặt nó trong mối tương quan với đời sống của những người lành lặn. Từ đó thấy được những trái ngang của thân phận, cái phần tối trong thế giới của người sáng mắt.

Với tất cả những khát khao và niềm tin cháy bóng về một tương lai tươi sáng đã hướng bé Thương đến với một cuộc sống mới, môi trường mới. Nhưng chẳng biết là hạnh phúc hay vất vả chỉ dựa vào hai cụm từ “niềm tin” và “số phận”…

Hoàng Trường (t/h)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/dem-dai-mot-doi-tia-sang-tu-dem-toi-a5142.html