Họ không chỉ là những người gác cổng mà còn là người bảo vệ sự an toàn cho môi trường học đường, bảo vệ sự an toàn cho chính các em học sinh.
Bao giờ cũng thế, phía sau sự hào nhoáng luôn là những gì thật thầm lặng. Phía sau nhưng nốt nhạc vang bổng thì chính là những nốt trầm lặng lẽ, đềm đệm trôi theo.
Và có lẽ phía sau những “người lái đò” miệt mài, thì những người phụ lái chính là những anh hùng vì họ luôn ở phía sau bức màn chiến thắng một cách tận tụy, nhiệt tâm.
Họ chính là những người “phụ lái” vẫn ngày đêm miệt mài, không kém phần tâm huyết và mệt mỏi. Họ mệt vì sợ bụi bẩn làm nhạt màu ô cửa sổ, sợ sân trường đầy lá không ai lo, sợ những cô cậu học trò cuối cấp liệu có nhớ tới mình… rồi những mùa phượng đổ, từng lứa học sinh và thầy cô nghỉ hè, đi du lịch, gặp mặt, vui chơi... những người bảo vệ vẫn lặng lẽ ở căn phòng bảo vệ trước cổng trường, vẫn lặng lẽ ngày ngày lau trống, xem dùi, đi từng hành lang lớp học vắng lặng tiếng cười đùa. Bóng những người bảo vệ trong hành lang dài hun hút như thế, chắc chẳng mấy người hiểu được những nỗi niềm sâu thẳm của họ.
Nếu thầy cô cho các thế hệ học sinh những con chữ, cách làm người thì họ dạy cho học sinh biết thế nào là hết lòng, là tận tụy với nghề. Và những con người tôi nhắc ở thật dễ để mường tượng và rất đỗi quen thuộc, nhưng rất nhiều người đã quên họ.
Vào ngày này, mọi người tri ân thầy cô, trân trọng lắm. Nhưng mấy ai sẽ nhớ tới người bảo vệ trường, một phần không thể thiếu được của nền giáo dục. Họ lặng lẽ từng ngày, họ vui với niềm vui của bao lứa học sinh, họ trầm ngâm với những giọt nước mắt ngày chia xa, họ thổn thức với nhịp trống khai trường đầu năm, và họ lặng lẽ quay đi khi trên sân trường lũ học trò xúm xít chúc mừng thầy cô nhân ngày nhà giáo. Họ là một phần của trường học, của giáo dục, nhưng dường như họ lại bị đặt ra ngoài lề cho những tri ân. Chúc mừng những người đứng lớp, nhưng tôi tri ân cả những người bảo vệ trường như thế nữa. Vì họ cũng là một phần ký ức không thể thiếu của năm tháng học trò!
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/van-con-do-nhung-nguoi-lang-le-sau-buc-giang-nha-truong-a5035.html