Hiện nay, Thảo Cầm Viên được xem là một trong những vị trí đắc địa nhất tại Sài Gòn. Vì người ta hay đùa rằng đây chính là “mảnh đất vàng” của thành phố. Khi sỡ hữu “mặt tiền” nằm ở những con đường đắc địa của thành phố như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai… Nhưng có lẽ chẳng có ai biết được để có sự hình thành phát triển như thời điểm hiện tại. Thảo Cầm Viên đã trải qua rất nhiều những biến cố lịch sử.
Từ vùng đất hoang sơ, Thảo Cầm Viên Sài Gòn trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại 150 năm với nhiều dấu tích lịch sử và là một trong 10 vườn thú lâu đời của thế giới.
5 năm sau khi chiếm Sài Gòn, ngày 23/3/1864, Đề đốc De La Grandière cho xây dựng Vườn Bách Thảo. Ông Louis Adolphe Germain, thú y sĩ của quân đội Pháp, được giao mở mang 12 hecta vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Một năm sau, vườn thú đã cơ bản được hình thành với một số chuồng trại.
Nhận thấy tầm quan trọng của vườn thú lớn ở Viễn Đông, cuối tháng 3/1865, toàn quyền Đông Dương đã mời ông JB.Loius Pierre - phụ trách chăm sóc thực vật của vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ) sang làm giám đốc. Ông Pierre được giao nhiệm vụ sưu tập các loài thực vật, động vật của Nam Kỳ và 3 nước Đông Dương để chuyển về Viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Paris cũng như trồng dọc các trục lộ ở Sài Gòn. Đến cuối năm đó, Vườn Bách Thảo được mở rộng thêm 20 hecta.
Từ năm 1867, Vườn Bách Thảo được đặt dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn với kinh phí hoạt động 21.000 quan Pháp mỗi năm, do ngân sách thuộc địa cung cấp. Hai năm sau, kinh phí được tăng lên 30.000 quan Pháp. Tại thời điểm này, công viên có 509 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim và 45 loài bò sát...
Đến năm 1869, phó đô đốc G.Ohier, quyền Thống đốc Nam Kỳ đã ký nghị định số 33 nhằm phát triển Thảo Cầm Viên thành một vườn thú lớn nhất thế giới. Có thể nói vào thời điểm này chi phí hàng năm để bảo tồn và phát triển Vườn Bách Thảo đã lên đến 30.000 quan Pháp. Cũng theo nghị định trên đúng ngày Quốc Khánh 14/07/1869, vườn thú đã được mở cửa cho người dân vào xem.
Sang năm 1924, Vườn Bách Thảo đã sát nhập thêm 13 hecta ở bờ phía Bắc kênh Thị Nghè với tên gọi là Vườn Cognag. Cũng tại thời điểm ấy, nhờ vào sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ đã cung thêm thêm cho vườn 900 giống cây trồng lạ. Từ đó, khiến cho Vườn Cognag đến gần hơn đối với người dân Sài Gòn. Họ xem nơi đây chính là địa điểm dã ngoại cuối tuần sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra, dưới sự giúp đỡ của chính phủ thời bấy giờ, có rất nhiều các hoạt động diễn ra tại Vườn Cognag khiến cho du khách tham qua đến vườn mỗi lúc một đông đúc hơn.
Đặc biệt, từ năm 1990, Thảo Cầm Viên đã được cải thiện và nuôi dưỡng rất nhiều các loài thú quý hiếm. Lúc này diện tích của vườn đã được nâng lên từ 8.500 mét vuông lên đến 25.000 mét vuông. Trải qua hơn 150 năm xây dựng, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn của cả nước với 590 đầu thú thuộc 125 loài; thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích 20ha, chia ra làm nhiều khu: khu nuôi cầm thú, khu cây cảnh và phong lan, khu vui chơi… Thảo Cầm Viên hàng ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
Tuy nhiên, đối với tình trạng dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay. Thảo Cầm Viên đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn chi phí nuôi dưỡng các loại thú quý đang tồn tại, do phải đóng cửa trong một thời gian dài. Trước tình hình đó, các nhân viên làm việc tại "Sở Thú" đã đồng ý giảm đi mức lương của chính mình, để góp phần nuôi dưỡng các loài động vật và cây trồng tại Thảo Cầm Viên. Nhưng đến nay, nguồn kinh phí ấy vẫn chưa thể trang trải cho kinh phí chăm sóc các loài động và thực vật tại nơi đây. Đây cũng đang là nổi lo của các cấp lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Hoàng Trường (t/h)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/thao-cam-vien-vuon-thu-lau-doi-nhat-tai-viet-nam-a4916.html