Vượt qua sự mặc cảm

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hương tại trung tâm người khuyết tật vào một sáng đầu thu. Chị với dáng người cao gầy, ăn mặc giản dị cùng nụ cười luôn nở trên môi đang tận tình chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ cho các học viên đã để lại trong tôi một ấn tượng thật đẹp.

Chị Hương sinh ra không được may mắn khi chỉ có hai ngón tay và ba ngón chân; đôi mắt mờ đục do bị nhiễm chất độc da cam. Thời thơ ấu chị sống trong sự mặc cảm, tự ti. Nhìn bạn bè tung tăng cắp sách đến trường, vui đùa thỏa thích mà lòng chị nhói đau.

buoc-qua-su-mac-cam-1635242382.png
Chị Nguyễn Thị Hương đã bước qua mọi sự mặc cảm. Ảnh: tác giả cung cấp

 Khi bạn bè cùng trang lứa đều chọn được nghề nghiệp riêng cho tương lai thì chị thực sự­ lo lắng. Trong tâm trí chị luôn đặt ra những câu hỏi: “Giờ mình biết làm gì để nuôi sống bản thân? Mình có thể học nghề gì và ở đâu để có thể thành công?”. Điều kiện gia đình chị rất khó khăn vì bố mẹ đều làm nông nghiệp lại đông con. Thấy bố mẹ ngày một già yếu, suốt ngày đầu tắt mặt tối để nuôi mình khiến chị nhiều lúc chẳng thể cầm lòng mà bật khóc nức nở. Càng nghĩ chị càng thấy thương cha mẹ đã già mà còn nặng gánh vì con. Chị biết mình phải tự cố gắng để cha mẹ an lòng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Bởi tìm được việc làm ổn định không hề dễ dàng ngay cả với người bình thường, huống hồ chị…

Nén tiếng thở dài, gạt bỏ mặc cảm, chị tự nhủ mình phải lạc quan. Chỉ cần có niềm tin, ý chí và nghị lực thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Dù thị lực yếu nhưng đôi mắt chị vẫn nhìn nhận được, dù đôi tay thiếu hụt nhưng chị sẽ quyết tâm “tàn nhưng không phế”. Chị nhắc nhở bản thân: “Chỉ có kiến thức, nghề nghiệp, việc làm mới giúp ta vượt qua nỗi bất hạnh của số phận, thoát khỏi cảnh nghèo đói”. Và chị quyết định tìm kiếm việc làm để sinh sống, bỏ qua sự mặc cảm. Sau nhiều ngày lang thang tìm kiếm thông tin trên mạng cùng sách báo, chị đã tìm được một địa chỉ đáng tin cậy với cái tên: Trung tâm “Vì Ngày Mai” – Trung tâm chăm sóc, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Sau khi được tư vấn, chị thấy nghề may là phù hợp với sức khỏe, khả năng của mình.

Những ngày đầu ở trung tâm mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm. Chị lo lắng không biết có học thành nghề không? Vì bàn tay thiếu ngón nên khi thực hành chị gặp vô vàn khó khăn. Đường kim mũi chỉ không theo ý muốn của bản thân. Có những hôm chị tưởng như phải bỏ cuộc vì đôi bàn tay co quắp đau đớn do bị chuột rút. Những lúc đó, chị lại nghĩ đến câu nói của thầy cô đã dạy dỗ mình để nhắc nhở bản thân tiếp tục cố gắng: “Bạn chỉ mất một phần cơ thể nhưng vẫn còn khối óc và con tim. Hãy chinh phục mình trước khi vượt qua các rào cản”. Câu nói ấy cứ vang lên trong chị mỗi khi chị rơi vào cùng cực nỗi đau về thể xác, nó trở thành liều thuốc tinh thần giúp chị vực dậy ý chí, quyết tâm. Chị luôn tự động viên mình: “Hãy gắng lên! Có công mài sắt ắt có ngày nên kim!”. Ngày qua ngày, chị vượt qua sự đau đớn để gắng thực hành và rồi thành công cũng đến khi những điều cơ bản trong nghề may chị đã thành thạo. Chị cảm thấy rất vui vì đã kiên trì học thành nghề, vui vì sau bao nỗ lực thì thành công đã đến.

buoc-qua-su-mac-cam-songkhoeplus-1635290906.png
Đôi tay co quắp nhưng chị Hương đã tự viết nên cuộc đời đầy nghị lực của mình. Ảnh: tác giả cung cấp

Càng ngày chị càng yêu nghề may, yêu mến trung tâm, coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Năm tháng trôi đi với sự tích cực, chăm chỉ bền lòng theo đuổi mơ ước, chị đã trở thành thợ may của trung tâm và được tham dự nhiều cuộc thi tay nghề may, thêu thủ công của các đơn vị tổ chức. Thật hạnh phúc biết bao khi chị đạt được danh hiệu: “Bàn tay vàng”, “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” vào năm 2016. Chị được tặng bằng khen tại Đại hội đại biểu toàn quốc về người khuyết tật năm 2017, cùng nhiều thành tích cá nhân khác. Chị thầm cảm ơn những thầy cô và anh chị em ở trung tâm đã luôn động viên, giúp đỡ để chị có được những thành công như ngày hôm nay.

Qua nhiều năm gắn bó, chị đã thực sự trưởng thành trong nghề và giờ đây, với vai trò là giáo viên dạy may của trung tâm, chị lại cần mẫn đem tất cả kiến thức, tâm huyết của mình truyền dạy cho bao lớp học trò. Hàng năm trung tâm luôn có những đợt tuyển sinh dạy nghề, chị lại được tham gia giảng dạy trong các đợt đào tạo đó. Chị vui vì mình được góp phần chỉ bảo, dạy dỗ cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt. Chị hạnh phúc khi nhìn thấy thành công của các em trong từng đường kim mũi chỉ. Trước khi chia tay tôi, chị còn tâm sự thêm: “Mỗi em là một hoàn cảnh riêng, một mảnh đời riêng: Có em chậm hiểu, có em câm điếc, em thì lại chậm chạp và cả sự khó khăn về ngôn ngữ vùng miền, tính cách khác nhau,... Dạy các em khó lắm, chị phải trực tiếp cầm tay chỉ việc. Vì các em có nhiều dạng tật khác nhau, sự tiếp thu không đồng đều. Thế nên nếu không kiên trì, không yêu thương thì khó lòng gắn bó với trung tâm”.

Chị nhìn tôi cười hiền: Điều đó chị nhận được từ thầy cô đã dạy mình. Giờ chị cũng muốn dùng tình yêu thương đó để chỉ dạy các em. Chỉ mong các em khắc phục khó khăn để học thành nghề. Thành công của các em cũng chính là thành công của chị. Bởi vậy, chị luôn gần gũi, động viên, trò chuyện để thấu hiểu các em. Chị tìm tòi những phương pháp, cách dạy áp dụng vào mỗi em, giúp các em tiếp thu nhanh hơn. Tất nhiên, làm như vậy chị sẽ vất vả hơn nhiều nhưng cứ nghĩ đến một ngày kia, học trò có thể tự nuôi sống được bản thân từ nghề chị dạy, chị lại vui, lại có thêm động lực. Nghe chị kể về những học trò thành đạt với ánh mắt hạnh phúc mà lòng tôi cũng tràn ngập niềm vui.

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY

Đỗ Văn Hải (Hà Nội)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/vuot-qua-su-mac-cam-a4880.html