TPHCM đang thực sự ở 'vùng' nào? Người dân cần lưu ý gì?

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng tạm đánh giá hiện nay TP.HCM đang ở cấp độ dịch mức 3 chuyển sang mức 2, chưa phải ở mức 1 là bình thường mới theo nghị quyết 128 của Chính phủ. Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

TP.HCM đang thực sự ở vùng nào? Người dân cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời - Ảnh: Trung tâm báo chí

Tối 15-10, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu và giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng đã tham dự chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời.

Theo số liệu thống kê từ chương trình, ngày 15-10 TP ghi nhận 1.131 ca mắc mới, tăng 222 ca so với ngày 14-10; có 870 người khỏi bệnh và 61 ca tử vong. Số người nhập viện ngày 15-10 là 946 ca, tăng 141 ca so với ngày 14-10.

Theo ông Tăng Chí Thượng, từ ngày 1-10 đến nay, số ca mắc mới của TP liên tục giảm dần, dao động từ 1.000 đến 1.500 ca nhiễm. Số người xuất viện cao hơn số nhập viện; số ca nhập viện nặng và tử vong giảm dần. Hai ngày qua, số tử vong của TP ở mức 61 ca/ngày, thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Ông Thượng cho rằng, số ca nhập viện tăng nhẹ là do trong thời gian này, nhiều bệnh viện của quận huyện trở lại hoạt động trạng thái ban đầu nên số bệnh nhân điều trị COVID-19 sẽ chuyển đến nhập viện dã chiến, từ đó có sự tăng "ảo".

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay cấp độ dịch được đánh giá theo 2 tiêu chí: số mắc mới trên 100.000 dân trong 1 tuần, và tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi.

Hiện nay, hơn 98% người dân trên 18 tuổi của TP đã được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tiêu chí này. 

Tuy nhiên, số ca mắc mới của TP giảm dần nhưng vẫn ở mức 150 ca/100.000 dân/tuần. Nếu ở trên 150 ca/100.000 dân/tuần là mức độ 3 - mức độ nguy cơ cao (vùng cam), còn dưới con số này là mức độ 2, mức độ nguy cơ (vùng vàng). TP.HCM hiện nay đang đứng giữa mức độ 3 và 2. Tỉ lệ này thấp hơn nữa là cấp 1, là bình thường mới (vùng xanh). 

"Đến thời điểm này, TP tạm đánh giá là ở vùng cam, nhưng có thể một vài ngày nữa TP có thể chuyển sang vùng vàng. Trạng thái nguy cơ sẽ thay đổi theo từng thời điểm ngắn. Do đó, Chính phủ yêu cầu sắp tới các địa phương đánh giá cấp độ dịch hằng tuần", ông Thượng nói.

Căn cứ theo nghị quyết 128 của Chính phủ, TP đang ở vùng cam chuyển sang vùng vàng. Ông Thượng cho biết cả hai vùng này đều có những hạn chế hoạt động. 

Người dân không nên chủ quan lơ là, đừng tưởng nhầm rằng chúng ta đang ở vùng xanh (bình thường mới) mà không tuân thủ 5K. Vì nếu chủ quan lúc này chúng ta có thể chuyển sang vùng đỏ lúc nào không hay.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng

Giữ lại bệnh viện dã chiến lớn 1-2 năm 

Theo ông Tăng Chí Thượng, ngày mai (16-10), TP chính thức đóng cửa Bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá Đại học Quốc gia. 

Từ nay đến tháng 12, TP.HCM sẽ đóng dần các bệnh viện dã chiến, đặc biệt là tại các ký túc xá, trường học và các nhà tái định cư. TP chỉ giữ lại những bệnh viện dã chiến lớn không sử dụng trường học để lưu lại thời gian dài, có thể từ 1-2 năm để ứng phó nếu dịch tái phát. 

Trả lời câu hỏi của người dân về việc “loạn giá” xét nghiệm, ông Thượng cho biết hiện giá xét nghiệm tại cơ sở y tế nhà nước thì thu theo giá mua vào. Còn tại các cơ sở tư nhân được quyền thu thêm phí về nhân lực và phương tiện; tuy nhiên phải kê khai và báo cáo Sở Y tế xem xét. 

Sắp tới, khi Bộ Y tế phê duyệt nhiều loại xét nghiệm, Sở Y tế TP sẽ có kênh để công khai giá xét nghiệm của các cơ sở y tế để người dân chọn lựa nơi hợp lý.

Theo Thảo Lê - Thu Hiền/TTO

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tphcm-dang-thuc-su-o-vung-nao-nguoi-dan-can-luu-y-gi-a4800.html