Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings hồi đầu tháng 9. Như vậy, xét nghiệm Covid-19 trước khi lên máy bay có thể là cách hiệu quả giúp giảm thiểu khả năng lây nhiễm.
Nếu tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong cộng đồng là 1,1%, tức cứ 100 người thì có một người mắc Covid-19, xét nghiệm trước khi lên máy bay giúp giảm tỷ lệ lây xuống còn 0,05%, tức cứ 10.000 hành khách có 5 người dương tính.
"Chúng ta sẽ phải sống chung với biến thể nCoV trong một thời gian. Chính phủ các nước có thể tham khảo nghiên cứu này để đề ra kế hoạch chi tiết yêu cầu xét nghiệm để mở cửa lại đường bay quốc tế", Tiến sĩ Henry Ting, Giám đốc Y tế hãng hàng không Delta Airline, giải thích.
Nghiên cứu bắt đầu vào tháng 12/2020, kết thúc tháng 5/2021 trong chương trình xét nghiệm Covid xuyên Đại Tây Dương. Kết quả cung cấp các dữ liệu độc lập về nguy cơ lây nhiễm nCoV trên phương tiện công cộng.
Theo thử nghiệm của Bộ Tư lệnh Giao thông vận tải Mỹ vào cuối tháng 8, tỷ lệ lây nhiễm trên máy bay đối với người đã đeo khẩu trang thực tế không quá cao.
Tiêm chủng diện rộng được kỳ vọng giúp chấm dứt đại dịch đã kéo dài gần hai năm, nhưng điều này sẽ không xảy ra một sớm một chiều. Sau thời gian giãn cách xã hội quá lâu, khi mở cửa đường bay, người dân có xu hướng đổ xô đi du lịch, làm tăng nguy cơ lây nhiễm nCoV trên máy bay, đặc biệt khi biến thể Delta vẫn là mối đe dọa.
Theo tiến sĩ Joseph Khabbaza, chuyên khoa Phổi, Trung tâm Y tế Độc lập Gia đình: "Miễn là chúng ta áp dụng các biện pháp phòng ngừa khi đi du lịch, rủi ro có thể được giảm thiểu đáng kể. Chúng ta cần duy trì khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và tránh chạm vào mắt, mũi, miệng".
Mark Gendreau, giám đốc y tế tại Bệnh viện Beverly, nhận định đi du lịch ở thời điểm này vẫn an toàn nếu hành khách thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp trên máy bay, đặc biệt là đeo khẩu trang. Nghiên cứu của Đại học Greenwich ở London cho thấy nguy cơ lây truyền virus khi ăn uống khoảng một tiếng trên chuyên bay kéo dài 12 giờ cao hơn 59% so với việc đeo khẩu trang suốt chuyến bay.
Phân tích trước đó cũng chỉ ra rằng nếu tất cả hành khách đeo khẩu trang suốt chuyến bay 12 tiếng, xác suất lây nhiễm trung bình có thể giảm 73%. Nguy cơ lây nhiễm cao nhất khi tất cả tháo khẩu trang cùng một lúc. Các nhà nghiên cứu đề xuất biện pháp khắc phục là chia đôi hành khách làm hai ca ăn uống riêng biệt.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng khả năng lây nhiễm trong quá trình lên xuống máy bay cao hơn so với khi máy bay đang di chuyển. Đây là khoảng thời gian hành khách tụ tập thành đám đông cất dỡ hành lý. Khi đã ổn định chỗ ngồi, hệ thống thông gió của máy bay, vốn được thiết kế để loại bỏ mùi thuốc lá khỏi cabin, có hiệu quả trong việc lọc không khí.
Trong thời kỳ bình thường mới, chuyên gia y tế - du lịch nhiều lần đặt câu hỏi về các thủ tục hàng không. Tiến sĩ Aisha Khatib, chuyên gia tại Đại học Toronto, cho biết: "Chúng ta hiểu biết rõ hơn (về Covid-19), nhưng nó cũng đặt ra nhiều tình huống khó xử lý và đầy thách thức".
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết giới chức nhiều quốc gia chưa ban hành hướng dẫn rõ ràng cho các hãng bay, đặc biệt về cách phục vụ bữa ăn.
"Chúng ta không thể cấm ăn uống trên các chuyến bay dài. Cần nhớ rằng máy bay đang di chuyển không phải giai đoạn để lại rủi ro lây nhiễm cao nhất", David Powell, cố vấn y tế của IATA, nhận định.
Đi du lịch trong thời kỳ sống chung với Covid-19 đòi hỏi thái độ thận trọng hơn trước đây. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hành khách cần cân nhắc đến một số yếu tố trước và sau chuyến đi như: "Điểm khởi hành và hạ cánh của bạn có phải vùng dịch không? Bạn và những người đi cùng có nguy cơ lây nhiễm nCoV không? Bạn đã tiêm vaccine Covid-19 chưa? Bạn có sống chung với người nguy cơ cao nhiễm bệnh hay không?..."
Tại Mỹ, người dân được khuyến nghị đeo khẩu trang trên máy bay, xe bus, tàu hoả và các phương tiện giao thông công cộng khác dù đã tiêm phòng đầy đủ. Khẩu trang phải vừa khít và che được cả mũi và miệng. Nếu chưa tiêm chủng hoặc không đủ điều kiện tiêm chủng do điều kiện sức khoẻ, cần đảm bảo những hình thức phòng ngừa sau: duy trì khoảng cách an toàn 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các bề mặt công cộng, sát khuẩn thường xuyên trong ít nhất 20 giây, hạn chế ăn uống trên phương tiện công cộng,...
Theo Thục Linh (TH: WSJ, Army, Delta News Hub, Mayo Clinic)/VNE
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nguy-co-lay-nhiem-covid-19-tren-may-bay-la-01-a4787.html