Trong 20 năm, điện thoại di động đã soán ngôi máy chụp ảnh như thế nào?

Chụp ảnh bằng điện thoại di động đã thay thế máy chụp ảnh truyền thống thông thường và áp đặt phương pháp chụp ảnh mới. Mời quý độc giả nhìn lại 2 thập niên của cuộc soán ngôi ngoạn mục vừa qua.

Ngày nay, không dễ để giải thích cho thanh thiếu niên biết nhiếp ảnh của 20 năm trước là như thế nào. Những người chụp ảnh sử dụng chủ yếu máy ảnh phim chụp một lần, bấm nút chụp rất dè sẻn vì mỗi cái bấm nút phải tốn tiền, thay đổi cuộn phim sau mỗi 36 kiều ảnh chụp, và sau thời gian dài chờ đợi tiệm chụp ảnh rửa hình, họ mới được xem kết quả là những tấm hình trên giấy.

Năm 2000 là thời điểm có nhiều biến động. Sự kiên nhẫn để có được những tấm hình đang chứng kiến những giây phút chiếm ưu thế cuối cùng. Máy ảnh kỹ thuật số không còn bị lơ là hay chê bai bởi những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng như nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Doanh số bán ra của máy ảnh kỹ thuật bùng nổ trong khi doanh số bán của các máy ảnh phim suy giảm.

Kinh doanh máy ảnh diễn biến như thế nào?

Một thay đổi khác trong lãnh vực nhiếp ảnh đang diễn ra một cách thầm lặng: 2 điện thoại di động đầu tiên có cảm biến ảnh được bán trên thị trường vào năm 2000 tại Hàn Quốc và Nhật Bản: điện thoại Samsung SCH-V200 và Sharp J-SH04 là tiền đề cho nhiều thế hệ điện thoại di động tiếp theo làm đảo lộn việc sử dụng các thiết bị nhiếp ảnh. Nhưng lúc bấy giờ, sự khai sinh của 2 loại điện thoại di động trên chỉ thu hút một lượng nhỏ người tiêu dùng vì ảnh chụp được có chất lượng khá thô với độ phân giải lần lượt chỉ đạt 0,1 và 0,3 megapixel, chỉ vừa đủ tốt để dùng trong việc in tem bưu chính. Vua máy ảnh của thập niên 2000 là máy ảnh kỹ thuật số.

Cuộc chinh phục chớp nhoáng

Vào đầu thế kỷ này, làm sao có thể tưởng tượng một ngày kia điện thoại thông minh sẽ chụp được những bức ảnh chất lượng cao? Điện thoại nhỏ nhắn này có vài bộ phận giống như  máy ảnh như bộ nhớ, màn hình, bộ xử lý, pin, nhưng nó thiếu cái thiết yếu nhất là bộ cảm biến ảnh tốt và ống kính chất lượng. Vào đầu những năm 1980, việc đặt 2 bộ phận này vào trong phần ruột nhỏ thó của điện thoại nghe có vẻ như là khoa học viễn tưởng.

Nhưng điện thoại di động phát triển với tốc độ chóng mặt. Từ năm 2005, những chiếc đoại đầu tiên được trang bị cảm biến ảnh 3 megapixel đã đánh thức sự tò mò của những người đam mê công nghệ. Năm 2007, chiếc diện thoại Nokia N95 bắt đầu khơi dậy niềm khao khát của công chúng với những bức ảnh 5 megapixel khá bắt mắt.

Một tấm ảnh 8 megapixel được chụp cách đây 11 năm bằng Samsung Pixon. Vào thời điểm đó, điện thoại di động đã có xu hướng “đốt cháy” màu xanh của trời, một xu hướng mà các điện thoại thông minh tốt nhất đã đánh mất vào nửa cuối thập niên 2010.

Mãi đến năm 2008, ảnh chụp bằng điện thoại di động mới đạt mốc 8 megapixel cho phép người chụp có thể yên tâm in ra ảnh khổ A4 giống như máy ảnh chụp bằng phim. Một khi đã vượt qua ngưỡng này, điện thoại di động bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, chặn bước tiến ngoạn mục của máy ảnh kỹ thuật số và nuốt dần doanh số của máy ảnh từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường.

Một công cụ tinh tế và bản lĩnh hơn nhiều

Phải nói rằng điện thoại di động tỏ ra là một máy ảnh lý thú đối với những người tiêu dùng chưa từng thành công với máy ảnh chụp bằng phim. Chụp hình bằng điện thoại di động cho phép bạn hiển thị hình muốn chụp nhanh hơn máy ảnh Polaroid, ngay cả trước khi bạn nhấn nút chụp; điều này sẽ giúp bạn dễ dàng chộp được những bức ảnh đẹp. Điều ấn tượng khác nữa là hình ảnh chụp được miễn phí. Kích cỡ của điện thoại di động rất nhỏ nên hầu hết những người dùng luôn mang theo nó bên mình, không giống như máy chụp hình truyền thống, và chất lượng hình ảnh không ngừng được cải thiện suốt 2 thập niên.

Frédéric Guichard, Giám đốc điều hành của DXOmark, một phòng thí nghiệm có các xét nghiệm chất lượng hình ảnh được sử dụng bởi nhiều đại gia sản xuất điện thoại di động và máy ảnh, cho biết: “Điện thoại di động được trang bị cảm biến ảnh 30 lần nhỏ hơn máy ảnh Reflex; vì vậy, chúng hấp thụ ít ánh sáng hơn rất nhiều, khiến cho chất lượng ảnh của chúng sẽ kém hơn rất nhiều. Nhưng với tư cách là một kỹ sư, tôi có thể tự giải thích sự tiến bộ của điện thoại di động. Trong 10 năm qua, đã có nhiều chuyên gia làm việc để cải thiện cảm biến của điện thoại di động hơn là cải thiện cảm biến của máy chụp ảnh kỹ thuật số. Các kỹ sư đã tìm ra một loạt các thủ thuật dựa vào khả năng tính toán khổng lồ của các điện thoại thông minh”.

Con ách chủ bài cuối cùng của điện thoại di động là chức năng chia sẻ. Từ năm 2002, người sử dụng điện thoại di động có thể chia sẻ hình ảnh chụp được với bạn bè ở một nơi rất xa bằng ứng dụng MMS (Multimedia Messages Sending). Một cách nhanh chóng, danh sách người nhận tăng lên cùng với sự ra đời của mạng xã hội và sự phát triển của Internet di động. Trong một vài năm, chụp ảnh trở nên dễ dàng, chỉ trong chốc lát, không tốn kém và có thể chuyển đi xa. Số lượng ảnh chụp hàng năm đã nhân lên gần 20 lần trong vòng 20 năm, nếu chúng ta so sánh ước tính của Kodak cho năm 2000 so với ước tính của phòng nghiên cứu Keypoint với dự báo hơn 1.400 tỷ tấm ảnh vào năm 2020.

Mang tính xã hội cao

Đối với Frédéric Guichard, “những gì đã xảy ra trong 20 năm qua của quá trình phổ quát hóa của nhiếp ảnh cũng quan trọng như những tiến bộ đạt được trong thế kỷ 20, chẳng hạn như việc phát minh ra máy ảnh tự động hay tính phổ biến rộng rãi của phim”. Vincent Lavoie, nhà lịch sử nhiếp ảnh tại Đại học Québec, cũng nhận thấy một bước phát triển lớn trong lãnh vực này. “Người dùng trở thành chủ nhân của toàn bộ dây chuyền, từ chụp ảnh đến chuyển phát”. Và đối với nhà sử học, chức năng xã hội của nhiếp ảnh chiếm vai trò trung tâm trong quá trình này.

Tự dàn dựng cảnh trí

Nếu sự biến động đầu tiên mang tính xã hội thì biến động thứ hai thiên về tính riêng tư hơn. Nhiều người, thường chụp ảnh chân dung người thân sẽ dễ dàng “tác nghiệp hơn. Chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy trong việc tự dàn dựng, điều này không còn là đặc quyền của các nghệ sĩ và người đam mê, mà đã được phổ quát hóa.

Năm 2013, từ “selfie” đã xuất hiện trong ngôn ngữ nói hàng ngày, cũng là năm mà ‘bộ phận cảm biến ảnh trực diện trở thành một tính năng chính trên điện thoại di động thế hệ mới. Bộ phận cảm biến ảnh mới được gắn phía trên màn hình tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho việc tự chụp chân dung. Năm 2014, một bức ảnh tự sướng quy tụ nhiều ngôi sao được chụp trong lễ trao giải Oscar và được Samsung tài trợ chính để quảng cáo điện thoại thông minh, đã vượt qua mốc 1 triệu lượt chia sẻ.

Vincent Lavoie nhận xét: “Điều này đã vượt qua sự bão hòa, sự lặp lại của những kiểu hình tương tư, mà không cảm thấy nhàm chán”. Nhưng liệu đây có phải là nguyên nhân trỗi dậy của lòng quá tự mê? Hay đơn giản hơn là hiện thân của niềm đam mê tiềm ẩn của xã hội chúng ta với cơ thể và sự mật thiết?

Nhà sử học về nhiếp ảnh không cho rằng đây là sự tự đề cao: “Những hình ảnh này nhằm tạo ra sự tương tác, lượt thích (like), câu trả lời… Có một khía cạnh giao tiếp, thậm chí là giao dịch. Hình ảnh là véc-tơ giúp tạo ra và duy trì các mối quan hệ, tạo ra các hiệu ứng về lòng trung thành và về cộng đồng”.

Đại chúng hóa

Trong bối cảnh của những biến động này, những bức ảnh có chức năng thẩm mỹ và chiêm nghiệm, nói lên điều gì? Liệu những bức ảnh này sẽ bị loại ra bên lề xã hội? Tất nhiên là không: các nền tảng chia sẻ như Instagram cho phép những người đam mê tổng hợp những khám phá trực quan hàng ngày của họ, trao đổi hình ảnh đi du lịch của họ, làm phát sinh cảm hứng, nuôi dưỡng đam mê. Vincent Lavoie cho biết: “Thiết lập một hệ thống mô phỏng chỉ có thể tạo ra một lượng lớn các bức ảnh. Xã hội  không bao giờ xa cách. Theo Frédéric Guichard, “trong 20 năm, văn hóa về một bức ảnh đẹp đã được cải thiện rất nhiều”.

Đến lượt các nghệ sĩ quan tâm đến điện thoại di động. Với thiết bị này, các tài năng nhiếp ảnh đang tạo ra vũ khí của mình, khiến các ban tổ chức các giải thưởng quốc tế như EyeEm phải quan tâm đến các tác phẩm của họ. Và điều này diễn ra nhiều năm sau, khi các giải thưởng hình ảnh báo chí chụp bằng điện thoại thông minh được trao cho giới phóng viên, điển hình như nhà báo ảnh (photojournaliste) Ben Lowy.

Về phương diện thông tin, dự kiến sẽ có cuộc biến động thứ 3. Từ năm 2005, việc công bố trên các phương tiện truyền thông những hình ảnh về cuộc đánh bom ở London do những người nghiệp dư thực hiện bằng điện thoại di động đã dự đoán sự ra đời của phóng viên ảnh là thường dân. Một cuộc “cách mạng” vẫn còn gây tranh luận. Một cuộc triển lãm vào năm 2020 trong khuôn khổ lễ hội Arles ghi nhận sự biến động đã không diễn ra: “Không có làn sóng thủy triều của giới nhiếp ảnh nghiệp dư” trên các phương tiện truyền thông, theo nhận xét của nhà tổ chức Samuel Bollendorff và nhà sử học André Gunthert.

Một cuộc chinh phục chưa hoàn thành

20 năm sau khi ra đời, “máy ảnh trong điện thoại di động” đã thực sự khai tử máy ảnh truyền thống chưa? Chưa hoàn toàn, vì 10% các bức ảnh vẫn còn được chụp bằng máy ảnh, theo Viện Nghiên cứu Infotrends. Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người đam mê chụp ảnh vẫn còn tin tưởng vào máy ảnh kỹ thuật số mà họ biết rõ tần tật mọi yếu tố kỹ thuật so với điện thoại di động.

Trong phòng thí nghiệm DXOMark của mình, Frédéric Guichard quan sát sự khác biệt này: “Chất lượng hình ảnh của điện thoại di động đã tiệm cận với chất lượng của máy ảnh Reflex, nhưng độ tin cậy vẫn còn kém hơn. Các nhà sản xuất điện thoại di động đang thực hiện một loạt các thao tác nhằm cải thiện các bức ảnh, đi xa đến mức thay đổi thời gian kích hoạt vài phần trăm để tránh ảnh bị nhòe hay tập họp cả chục bức ảnh chụp rất nhanh để tạo ra một bức ảnh duy nhất có chất lượng tốt nhất, nhưng rất tiếc là không phải lúc nào ảnh cũng được lắp ghép tốt. Sự thông minh trên bo mạch này thỉnh thoảng bị sai, một lỗ hổng mà các nhà sản xuất máy ảnh Reflex chuyên nghiệp không được phép mắc phải”.

Các máy ảnh có nhiều lợi thế khác, bắt đầu từ yếu tố quang học. Phải công nhận rằng điện thoại di động đã bổ sung thêm ống kính từ năm 2016, năm đưa vào ứng dụng kỹ thuật góc siêu rộng đầu tiên để có được những bức ảnh phong cảnh ngoạn mục hơn. Nhưng ở khía cạnh zoom, tức phóng to – thu nhỏ, thiết bị của điện thoại di động vẫn còn kém hơn nhiều so với kỹ thuật zoom quang học của máy ảnh kỹ thuật số.

Ngoài ra, nhờ độ cảm biến ảnh lớn, các máy ảnh truyền thống chụp ảnh có hậu cảnh mờ làm cho bức ảnh trông mềm dịu hơn. Máy ảnh cũng có thể được trang bị thêm đèn flash để biến hóa ánh sáng chung quanh. Tóm lại, điện thoại di động vẫn cần đạt được nhiều cải tiến trước khi xô ngã đàn anh vào quên lãng.

 

Theo Đào Duy Hòa/DN+

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/trong-20-nam-dien-thoai-di-dong-da-soan-ngoi-may-chup-anh-nhu-the-nao-a4781.html