Cánh cổng đại học mở ra với tôi ở cái tuổi 21. Ở tuổi này thì ít ai lại có quyết định “táo bạo” như tôi. Nói “táo bạo” ở đây là tôi muốn nói cho các bạn nghe cuộc đời tôi đã xảy ra những biến cố gì.
Tôi từng sống trong một gia đình rất hạnh phúc cho tới khi chuyện đau lòng nhất xảy đến và làm thay đổi cuộc đời tôi. Người mẹ thân yêu nhất đã bỏ lại bố và 4 chị em tôi khi tôi còn là một đứa bé chưa tròn 4 tuổi. Đứa em tôi bị thận lúc mới sinh ra, mẹ mất khi nó mới hơn 1 tuổi. Từ đó, bố phải lam lũ, vất vả trong cảnh “gà trống nuôi con”. Hai chị gái phải nghỉ học giữa chừng để thay mẹ, phụ giúp bố lo cho tôi và đứa em út. Hoàn cảnh lúc đó rất khó khăn, bố gửi tôi cho một gia đình rất xa lạ và đó cũng là gia đình hiện tại của tôi. Khi được cho đi, tôi cũng mang tên, họ khác theo gia đình thứ hai này.
Tuy lúc đó còn nhỏ nhưng tôi cũng đã có thể cảm nhận được sự cô độc, sự “ruồng bỏ” của bố khi mà những người bạn cùng trang lứa với tôi trong xóm buông những lời như cắt cứa vào tim tôi:“đồ con rơi, đồ đi ở nhờ”, đồ này đồ kia… Tôi đã khóc rất nhiều và đòi được về ở lại với bố và các chị em tôi, nhưng câu trả lời nhận được chỉ là sự im lặng…
Cuộc đời của tôi cứ diễn ra với những ngày tháng đau buồn vì sự kỳ thị từ đám bạn trong xóm. Tôi luôn oán trách cuộc đời tại sao lại bất công và tôi đã từng có ý định kết liễu cuộc đời mình vào năm 16 tuổi khi một sự thật không thể chấp nhận được phơi bày ra trước mắt tôi trong một lần về thăm bố và các chị em. Bố tôi, ông ấy đã lấy vợ khác và sống cùng những đứa con riêng của người vợ ấy. Chứng kiến được cảnh đó tôi đã gào thét, khóc hết nước mắt. Cuộc đời quá đỗi bất công. Làm sao tôi có thể chấp nhận người bố đến thế? Tôi đã có suy nghĩ sẽ từ mặt ông ấy, nhưng sự yếu đuối của bản thân không cho phép tôi làm vậy. Tôi không nghĩ bản thân có thể chấp nhận và tha thứ cho ông ấy, nhưng tình phụ tử sao có thể chối bỏ?
Trở về với gia đình hiện tại, tôi luôn cảm thấy mình là một đứa trẻ tội lỗi, một đứa bị nguyền rủa, đến cả người bố sinh ra tôi còn ruồng bỏ tôi thì trên thế giới này làm gì có ai thương tôi? Tôi luôn trách thượng đế bất công, nhưng khi nhìn lại những gì tôi đang có, tôi mới nhận thấy rằng thượng đế không hề bất công với tôi vì đã đổi lại cho tôi được sống trong một gia đình, nơi mà có những người luôn hết lòng yêu thương tôi, họ không hề coi tôi là một đứa con nuôi mà luôn coi tôi như chính đứa con ruột của họ. Khi tôi lần đầu bước chân vào gia đình thứ hai này, mọi người trong gia đình đều rất thương và đối xử tốt với tôi, gia đình có ông bà nuôi và bố mẹ nuôi của tôi. Họ cho tôi đi học, cho tôi những bộ quần áo mới, cho tôi sự ấm áp của một gia đình mà tôi mới vừa mất đi, luôn yêu thương vỗ về những khi tôi bị kỳ thị…
Cuộc sống cứ êm đềm như vậy được 2 năm thì tôi lại phải đón nhận một tin dữ khác, bố nuôi tôi đã ra đi vì di chứng của chiến tranh. Tôi không có nhiều kỷ niệm với người bố thứ hai này nhưng thứ duy nhất mà ông dành cho tôi trước khi ra đi đó là một cái nhìn trìu mến và một cái tát yêu thương trên má. Lúc đó tôi đã khóc, khóc không phải vì cảm nhận được sự yêu thương của bố mà khóc vì cái tát mà tôi nghĩ là sự ghét bỏ đối với một đứa trẻ như tôi. Tôi đã chạy núp sau cánh cửa phòng bố và từ từ nhìn bố ra đi mà ánh mắt vẫn luôn dõi theo tôi. Bố mất cũng là lúc tôi bước vào lớp 1. Mẹ nuôi là một người mẹ tốt và tâm lý nhưng vì mẹ còn quá trẻ và xinh đẹp, mẹ đã bước đi bước nữa khi tôi vào lớp 3.
Ông bà nuôi đã thay bố mẹ đưa tôi tới trường, mỗi tối ngồi kèm tôi học bài, lo cho tôi miếng cơm manh áo hằng ngày, dạy dỗ tôi từng lời ăn tiếng nói, từ những cử chỉ nhỏ nhặt nhất cho đến cách làm người. Ông bà chính là người cha, người mẹ thực sự mà thượng đế ban cho tôi. Tuy không hề có chút máu mủ nào, nhưng ông bà đã yêu thương, nuôi nấng, cho tôi ăn học đàng hoàng. Tôi đã từng rất nhiều lần có ý định bỏ học nửa chừng vì lúc nào cũng cảm thấy oán hận cuộc đời, nhưng chính những người mà tôi gọi là gia đình này đã luôn động viên, tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục học. Tôi là đứa rất cứng đầu, cuối cùng thì tôi vẫn quyết định nghỉ học sau khi tốt nghiệp cấp 3.
Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi cũng là điều tự hào nhưng lại đáng tiếc là tôi phải chọn con đường đi làm thuê, một phần vì ông bà đã già yếu rồi không thể cứ lo mãi cho tôi được, phần vì tôi cũng muốn thử sức mình kiếm tiền để đi học. Tôi đã xin làm ở một xưởng tư nhân gần nhà để có thể tiện phụ giúp ông bà. Ba năm đi làm thuê cho người ta, cũng đủ để tôi học hỏi được nhiều điều, va vấp và trưởng thành hơn. Ra xã hội mới biết, kiếm được đồng tiền nuôi sống bản thân không hề đơn giản, thế là tôi quyết định đi học trở lại. Tôi có quyết định đó, phần lớn là ở sau tôi có gia đình – những người luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất cho tôi, luôn ở bên động viên, khích lệ tôi quay trở lại học tập. Quyết định táo bạo nhất của tôi ở cái tuổi 21 này, chính là bước vào cánh cổng đại học, trở thành cô sinh viên năm nhất trường Đại học Thủ Dầu Một, khoa Sư phạm. Cuộc sống mới của tôi lại bắt đầu từ đây. Tôi tin rằng mọi thứ tốt đẹp sẽ đến với tôi, chỉ cần tôi quyết tâm, nỗ lực thì chắc chắn tôi sẽ thành công!
Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.
Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.
Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY
Bùi Yến Linh (ĐH Thủ Dầu Một)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/me-nuoi-a4685.html