Năm 2021, tân sinh viên ngành du lịch đã có một kỳ khai giảng và nhập học trực tuyến đáng nhớ tại môi trường hoàn toàn mới trước những diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu và tại Việt Nam. Trong đó, có chung tâm lý hoang mang về cơ hội việc làm khi ra trường. Dẫu vậy, số đông các sinh viên lựa chọn ngành du lịch đều có niềm tin du lịch rằng du lịch sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này và sớm hồi phục trở lại như thời kỳ “hoàng kim”.
Chọn du lịch vì đam mê!
Du lịch hiện đóng góp rất lớn vào GDP của quốc gia, mang lại công ăn, việc làm cho người dân. Đồng thời du lịch còn là phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước mạnh mẽ nhất, là sự xuất khẩu hàng hóa tại chỗ nhanh nhất và hiệu quả nhất mà không ngành nghề nào làm được. Chính vì vậy, Việt Nam đang xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để đầu tư phát triển, trong định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Và cũng hiển nhiên, nhiều trường ĐH – CĐ trên cả nước xem trọng ngành đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Nguyễn Thị Khã Quí, tân sinh viên Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM chọn ngành du lịch vì là người thích xê dịch hơn chỉ ngồi một chỗ, cùng với đó là niềm yêu thích văn hóa – lịch sử đất nước, muốn mang những vẻ đẹp của đất nước đến với bạn bè thế giới. “Là nữ nên em cũng nhận được lời khuyên từ gia đình, bạn bè là sao không làm giáo viên mầm non để có thời gian chăm lo cho gia đình, hoặc không làm bác sĩ, kĩ sư, sư phạm cho oai mà làm du lịch thì nữ làm được gì? Tuy nhiên em vẫn quyết định chọn theo đam mê của mình, mỗi ngành học, mỗi công việc đều có đặc thù, cái hay riêng, mình phải thật sự yêu thích, đam mê thì mới đi đến cùng được, dù có những khó khăn nhất định.”, Nguyễn Thị Khã Quí nhấn mạnh.
Trong khi đó, sinh viên Trần Thị Cẩm Tú, Trường Đại học Văn hóa TPHCM lại cảm thấy may mắn khi có gia đình luôn bên cạnh và ủng hộ quyết định của mình. Cẩm Tú chọn ngành du lịch bởi phù hợp với tính cách năng động, sáng tạo, thích giao tiếp và mong muốn mang đến trải nghiệm cho người xung quanh nên phù hợp cho ngành du lịch, dịch vụ. Cẩm Tú cũng tin rằng, tình hình covid-19 rồi cũng sẽ qua và mình còn 4 năm nữa để chuẩn bị, lúc đó thì du lịch đã quay trở lại.
“Đã gọi là đam mê thì em sẽ cố gắng cháy hết mình với ngành nghề mình đã chọn. Trong thời gian chờ nhập học, em được tham gia các chương trình giao lưu, các khóa học nghiệp vụ du lịch trực tuyến do các anh chị hướng dẫn viên đi trước hết sức tận tình chia sẻ đã giúp em tiếp thu được nhiều kiến thức hay, bổ ích và hun đúc thêm tinh thần cho em vững tin vào nghề đã chọn”, Trần Thị Cẩm Tú tự tin nói.
Còn Thành Tâm Đắc, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng chọn học du lịch chỉ vì mình có niềm yêu thích khám phá, đến các vùng đất mới, gặp gỡ người dân bản địa để học thêm nhiều điều hay, cái đẹp và quan trọng hơn là muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó đến những người xung quanh. Tâm Đắc hy vọng rằng sau khi ra trường sẽ là thời điểm covid-19 được kiểm soát để có thể làm đúng vị trí nghề nghiệp yêu thích. Và để chuẩn bị cho điều đó, hiện Tâm Đắc cũng tự trang bị thêm khả năng ngoại ngữ và kỹ năng để phục vụ cho công việc sau này. “Dù là có theo du lịch hay không thì việc tự học vẫn rất quan trọng để thích nghi với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường”, Thành Tâm Đắc cho biết.
Còn với Phạm An Bình (SN 2001, quê Bình Dương) trước đây theo học ngành Ngôn ngữ Anh, có thời gian làm tiếp viên hàng không, nhưng sau cảm thấy niềm đam mê làm du lịch ngày càng lớn nên đã quyết tâm theo đuổi và hiện là sinh viên trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn.
“Em có một năm trải nghiệm tại Phnom Penh (Campuchia) với vai trò tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo – đây chính là thời điểm bước ngoặc để em nhận ra những tố chất và điều gì mình thật sự mong muốn về nghề nghiệp. Em nghĩ covid-19 rồi cũng sẽ qua thôi, và khi đó nhu cầu đi du lịch sẽ quay trở lại, lúc đó thì không thiếu gì việc làm đâu. Mà nếu khi ra trường rồi mà du lịch chưa phục hồi thì cũng không sao, với những kiến thức, kỹ năng em được trang bị và tự trau dồi, em hoàn toàn có thể ứng dụng trong những ngành nghề, lĩnh vực khác!”, Phạm An Bình chia sẻ.
Dù chịu tác động nhưng du lịch vẫn đang là ngành “hot”
Là người tâm huyết, Vũ Nguyễn Minh Trí – Hướng dẫn viên quốc tế (TP.HCM) và đồng nghiệp đã cùng xây dựng Diễn đàn Nhân lực Du lịch là nơi kết nối, giao lưu của sinh viên, nhân lực trong ngành để cùng nhau trau dồi, rèn luyện kỹ năng cho nghề và hơn hết là “truyền lửa” cho thế hệ đồng nghiệp tiếp nối – các bạn tân sinh viên. Đó là chuỗi Talkshow chào Tân sinh viên du lịch 2021 trực tuyến trên Zoom đã thu hút sự quan tâm theo dõi hàng ngàn người, trong đó chủ yếu sinh viên chuyên ngành du lịch, dịch vụ, nhà hàng – khách sạn.
Vũ Nguyễn Minh Trí cho biết: “Talkshow chào Tân sinh viên du lịch 2021để mang đến những kiến thức, kỹ năng bổ ích, nền tảng cho các bạn tân sinh viên làm quen với môi trường đại học. Và hơn hết, tinh thần cởi mở và các chia sẻ thực tế từ các chuyên gia, các anh chị đi trước là động lực to lớn và hữu ích nhất để sinh viên mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình”.
Khoa Du lịch học của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG Hà Nội được coi là cơ sở duy nhất trên cả nước đào tạo cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ du lịch. PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học cho biết dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành du lịch nhưng không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của khoa năm nay. Hai ngành đào tạo đại học là Quản trị Dịch vụ Du lịch - Lữ hành và Quản trị khách sạn có điểm chuẩn cao hơn năm trước, khoa chỉ có một phương thức xét tuyển là kết quả kỳ thi THPT.
Trái với bức tranh “ảm đạm” của kinh tế du lịch hai năm vừa qua, PGS.TS. Phạm Hồng Long nhận định đây là thời điểm phù hợp để các bạn sinh viên theo học ngành du lịch: “Cũng như ăn, mặc, ở, đi lại thì du lịch là nhu cầu cần phải đảm bảo của con người, dù thời nào thì người ta cũng có nhu cầu du lịch, vui chơi, giải trí cả. Khi đại dịch được kiểm soát, Nhà nước cho phép hoạt động du lịch theo các tiêu chí an toàn, thì du lịch như lò xo nén lâu ngày sẽ bật lại, hồi phục nhanh chóng và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi nghĩ học du lịch thời điểm này lại là sự lựa chọn thông minh, khôn khéo cho tương lai của mình, 3 – 4 năm nữa khi ra trường, cơ hội việc làm của sinh viên là rất lớn”.
Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu – Hướng dẫn viên quốc tế, Cựu Phó phòng Phòng Hướng dẫn quốc tế Saigontourist, hiện là Giảng viên du lịch rất quen thuộc và uy tín trong các trường chuyên ngành du lịch cho biết trong tháng qua anh khá tất bật trong công tác giảng dạy khi bắt đầu năm học mới. Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu chia sẻ: “Khóa tân sinh viên năm nay mặc dù nhập học và bắt đầu học ở môi trường mới qua phương thức online nhưng các bạn rất chủ động và giàu năng lượng. Bản thân tôi và các em sinh viên đều không nghĩ du lịch “ảm đạm” đâu, tôi lại nghĩ đây là thời điểm phù hợp để học du lịch, sau 3 - 4 năm trau dồi sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho sinh viên khi ra trường. Theo dự báo khi dịch bệnh covid-19 được kiểm soát, du lịch bắt đầu hồi phục thì sẽ rất “khát” nhân lực do nhiều người kinh nghiệm trong nghề đã chuyển đổi thành công qua lĩnh vực khác, hoặc nhiều người chán nản không trở lại nghề nữa thì đây là cơ hội cho sinh viên!”.
Nhận định về chất lượng giảng dạy tại các trường du lịch hiện nay, Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu cho rằng sự kết nối giữa nhà trường – doanh nghiệp, giữa đào tạo – thực tế đang gắn bó với nhau rất chặt chẽ, và đây là tín hiệu đáng mừng mà trước đây chưa từng có. Từ lâu trong đào tạo du lịch đã tồn tại bất cập là sinh viên được đào tạo trong nhà trường không đúng với thực tế, khi ra trường doanh nghiệp phải đào tạo, hướng dẫn lại rất mất thời gian, công sức.
Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu giải thích: “Những người giỏi nghề trước đây họ không nghĩ đến dạy học, tham gia chương trình đào tạo trong trường lớp đâu, vì họ bận kiếm tiền mà. Nhưng hiện nay có thời gian hơn, họ đầu tư thêm về bằng cấp, kĩ năng sư phạm để tham gia giảng dạy – đây chính là những người thực tế nhất, vừa có kiến thức lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tế qua thời gian dài làm việc và có thành tựu nhất định. Điều này tránh được lối giảng dạy “salon” trước đây của bộ phận giảng viên không đúng chuyên ngành văn hóa - du lịch, thậm chí có người không đi làm hướng dẫn viên ngày nào vẫn nhận dạy môn “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch”.
Xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19:
Du lịch không chạm: Giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc và sát khuẩn tay thường xuyên là những thông điệp của du lịch không chạm sẽ trở thành xu hướng rộng rãi. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người với các vật dụng, bề mặt mà còn là trải nghiệm du lịch thông qua thiết bị công nghệ tự động hiện đại: check in điện tử, thanh toán điện tử, khai báo hải quan điện tử, nhận dạng khuôn mặt…
Du lịch tại chỗ “Staycation”: Staycation là loại hình du lịch trong phạm vi gần, nghĩa là bạn sẽ trải nghiệm du lịch ngay tại địa phương, không cần trải qua chuyến hành trình dài ngày ở một nơi xa xôi, cũng không cần phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Du lịch tại chỗ Staycation là cơ hội để bạn khám phá những điều thú vị và hấp dẫn gần nơi mình sinh sống mà trước đây mình đã lỡ bỏ qua.
Du lịch chăm sóc sức khỏe: Du lịch sức khỏe là dịch vụ du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Khi đi du lịch, du khách có thể tham gia các khóa ngồi thiền, tập yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng…để thể chất cân bằng và tinh thần vui vẻ. Xu hướng du lịch hậu Covid này không chỉ dừng lại ở việc ăn uống sang trọng, thưởng ngoạn cảnh đẹp. Mục đích cốt lõi của du lịch chăm sóc sức khỏe chính là phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần.
Tới những nơi hẻo lánh, hoang vu: Để du lịch an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhiều người có xu hướng tìm đến những vùng đất hoang sơ; những nơi tách biệt khỏi chốn ồn ào. Đó có thể là vùng nông thôn hay nghỉ dưỡng ở vùng núi cao; những hòn đảo, bãi biển chưa được khai thác du lịch.
Lê Nhật Nam
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/can-co-niem-tin-du-lich-se-som-vuot-qua-kho-khan-va-phuc-hoi-tro-lai-a4611.html