Sự cần thiết phải sửa đổi quy định!
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức đề xuất sửa Luật Đầu tư năm 2020. Theo quy định, tất cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, sẽ không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khiến rất nhiều dự án gặp ách tắc.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù điều khoản này về bản chất là sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, nhưng do nằm trong Luật Đầu tư 2020 nên việc sửa đổi, bổ sung điều khoản này là nhằm để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư và không làm phát sinh thêm "đầu luật mới".
Đồng thời, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Đầu tư về “phạm vi điều chỉnh” của quy phạm pháp luật và về công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
“Việc sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ ngay các khó khăn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất mà không thể triển khai thực hiện được dự án”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Sửa đổi sẽ tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên đất
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở 2014) mở rộng thêm việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất nông nghiệp, hoặc có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, thì sẽ dẫn đến làm thất thu ngân sách Nhà nước, làm thất thoát tài sản công và nguồn lực từ đất đai.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quan ngại này không có cơ sở, mà chính việc chậm sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020 mới là tác nhân làm sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở thương mại dẫn đến làm sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, làm chậm việc đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Do vậy, việc sớm sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, sớm đưa đất vào sử dụng để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất đai “tiết kiệm và có hiệu quả”, không làm thất thoát nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA nhận định, việc sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sẽ giúp kiến tạo môi trường đầu tư trên lĩnh vực bất động sản minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và đồng bộ với môi trường đầu tư trên các lĩnh vực khác theo quy định thông thoáng của Luật Đầu tư. Đặc biệt là tháo gỡ ngay các khó khăn cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất mà không thể triển khai thực hiện được dự án.
Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại, từ đó làm tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, đồng thời giúp kéo giảm giá nhà để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững và tạo điều kiện cho người tiêu dùng tạo lập được nhà ở với giá cả hợp lý
Cũng theo số liệu thống kê của HoREA, tại TP HCM trong giai đoạn 2015-2020, căn cứ vào Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất 100% đất ở, kể từ tháng 12/2015 đến tháng 8/2018, tại TPHCM đã có 126 dự án nhà ở thương mại có đất hỗn hợp, không có 100% đất ở nên không được công nhận chủ đầu tư. Còn Hà Nội có khoảng 82 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc bởi quy định này.
"Riêng từ tháng 9/2018 đến cuối năm 2020, các doanh nghiệp không nộp hồ sơ loại này nữa, vì có nộp thì cũng bị bác, nên số lượng loại dự án nhà ở không có 100% đất ở không được công nhận chủ đầu tư chắc chắn là nhiều hơn", ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
Do đó, nếu mỗi dự án nhà ở thương mại tại TP Hồ Chí Minh có vốn mức đầu tư 1.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư của 126 dự án sẽ là 126.000 tỷ đồng, với việc không được công nhận chủ đầu tư 126 dự án này dẫn đến nhà nước bị thất thu 12.600 tỷ đồng thuế VAT; nếu lợi nhuận đạt 20% tương đương 25.200 tỷ đồng, thì nhà nước bị thất thu 5.040 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp… và nhiều loại thuế khác.
Ngoài ra, theo HoREA, việc không công nhận chủ đầu tư dẫn đến nhiều dự án không thể triển khai, không thể đưa đất vào sử dụng, lãng phí tài nguyên đất đai mà theo hiệp hội, đây không phải do lỗi của nhà đầu tư, mà các “ách tắc, vướng mắc” này là do quy định chưa phù hợp, chưa thống nhất của Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở.
“Chỉ có sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2020 và Luật Nhà ở thì mới khắc phục được việc thất thu ngân sách Nhà nước, sớm đưa đất vào sử dụng, không để lãng phí tài nguyên đất đai và phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
HK
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/vi-sao-hang-loat-du-an-bat-dong-san-bi-ach-tac-a4582.html