Mì Hảo Hảo - “mì gói quốc dân” của người Việt
Ở nhiều quốc gia mì ăn liền là một trong những dòng thực phẩm ăn nhanh được rất nhiều người ưa chuộng. Tại Việt Nam, ở thời điểm mà hầu như ở các thành phố lớn, việc mua đồ ăn chế biến sẵn - mang đem về gần như phải tạm ngưng, thì cứu cánh cho những người "lười" nấu nướng đó chính là mì gói. Thậm chí nhiều người còn dùng mì ăn liền để tích trữ, ăn dần để phòng trừ trường hợp không mua được những lương thực khác.
Mì Hảo Hảo được người tiêu dùng Việt gọi với cái tên là “mì gói quốc dân”, chính bởi sự “phủ sóng” và tiêu thụ của loại sản phẩm này. Có một sự thật là mì Hảo Hảo luôn là món ăn "gối đầu giường" của các sinh viên qua nhiều thế hệ.
Với sản phẩm mì ăn liền, theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), thị trường châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020; thứ hai là Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, chiếm 25,24%.
Khi nước ta thực hiện các đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, báo cáo của Bộ Công Thương cũng thường xuyên ghi nhận thiếu hụt tạm thời mì ăn liền. Bởi vì đây là mặt hàng được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi.
Riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương đôi khi có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng.
Theo WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 (7 tỷ gói mì ăn liền) tăng 29,47% so với năm 2019.
Doanh thu cực khủng
Chính thức đặt chân vào Việt Nam từ năm 1993, Acecook ở thời điểm hiện tại được dân tình gọi là "ông lớn" của ngành mì gói khi thị phần chiếm tới hơn 50% ở thành phố, 43% trên cả nước. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến những thương hiệu như: Phở Đệ Nhất, Miến Phú Hương, Phở Trộn, Mì Nấu MAXKAY... Tuy nhiên, nổi tiếng trứ danh nhất vẫn phải là mì Hảo Hảo - mì tôm chua cay. Ra mắt từ năm 2000, tính đến nay đã hơn 20 năm, mì Hảo Hảo vẫn vững vàng ở ngôi vị mì gói số 1 Việt Nam.
Ngoài độ phổ biến truyền miệng, mì Hảo Hảo còn mang về "doanh thu thật - tiền thật" cho đại gia Acecook. Giai đoạn những năm từ 2016 đến 2019, Acecook tăng trưởng từ 8414 tỷ VNĐ (2016) lên đến 10.647 tỷ VNĐ (2019). Những đối thủ khác của Acecook và trực diện với mì Hảo Hảo như Mì Gấu Đỏ (Thực phẩm Á Châu), Mì 3 Miền (Uniben), Mì Miliket (Colusa-Miliket) đều cao không bằng.
Thế nhưng, 2 ngày qua, thông tin mì Hảo Hảo bị cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số lô sản phẩm vì nghi chứa chất Ethylene Oxide. Trong đó, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022) đã khiến dư luận “dậy sóng”, nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Tại châu Âu nơi Cộng hòa Ireland là thành viên, hoạt chất Ethylene Oxide được xếp vào nhóm sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng Ethylene oxide để khử trùng thực phẩm là không được phép.
Theo Eurofins Scientific - một tập đoàn lớn trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm - ethylene oxide còn được gọi là oxiran hay epoxit, là một hợp chất hữu cơ được sử dụng chủ yếu làm hoạt chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), chất tẩy rửa, dung môi, chất kết dính, nguyên liệu nhựa…
Ethylene oxide còn là hoạt chất được sử dụng để khử trùng, hun trùng. Đáng chú ý khi hoạt chất này được nhiều quốc gia cho phép sử dụng cho mục đích kiểm soát côn trùng trong nông sản, khử khuẩn cho nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm…
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 9/9/2020, ethylene oxide không thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm cả thuốc trừ sâu, hiện đang được lưu hành tại Việt Nam về nguyên tắc là không chứa ethylene oxide.
Cụ thể hơn, trong tổng số 861 hoạt chất với 1.821 tên thương phẩm thuốc trừ sâu được phép lưu hành tại Việt Nam không có bất cứ sản phẩm nào chứa hoạt chất ethylene oxide. Hoạt chất này cũng không có trên 1.282 sản phẩm thuốc trừ bệnh, 702 sản phẩm thuốc trừ cỏ, 26 sản phẩm thuốc trừ chuột, hoặc 157 sản phẩm thuốc điều hòa sinh trưởng…
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc để xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook.
Etylen oxit (EO) là chất gì?
Trong lúc chờ Bộ Công thương và Acecook Việt Nam xác minh và điều tra không ít người tiêu dùng đặt ra câu hỏi vậy chất Ethylene Oxide (EO) là loại chất gì? Chất này có thực sự nguy hiểm cho sức khỏe của người dùng hay không? Và thông tin “mì gói quốc dân” có chứa chất EO có thực sự đáng ngại?
Etylen oxit (EO) là một chất không màu và dễ bay hơi, dễ gây cháy nổ, được dùng làm tiền chất tổng hợp nhựa PET, PEG (như thành phần trong vaccine Pfizer/BioNTech), chất tẩy rửa… và dùng trực tiếp để xịt khử khuẩn, hun trùng, trừ sâu. EO cũng là sản phẩm chuyển hóa từ ethylene sinh ra từ hoa quả chín và cũng là thành phần xuất hiện trong thuốc lá. Nếu gán ngay EO là thuốc trừ sâu thì báo chí đã hơi giật tít quá đà, vì có nơi sử dụng nhưng Việt Nam đang không dùng EO trong thuốc bảo vệ thực vật. EO được dùng làm nguyên liệu tổng hợp hóa học và làm thuốc xịt khử trùng nhiều hơn.
Trước đây EO chỉ nằm trong nhóm có khả năng gây ung thư do có khả năng ankin hóa cấu trúc DNA, nhưng sau đó khi có đủ bằng chứng mới chính thức vào danh sách các chất gây ung thư vào năm 2000.
Không phải chỉ có mì Hảo Hảo mà nhiều sản phẩm khác trên thị trường Châu Âu đã bị “dính phốt” với thành phần EO từ sau khi Bỉ lên tiếng báo động từ 9/2020. Giới hạn được đặt ra cho EO là dưới mức 0,02 mg/kg với các sản phẩm sản xuất từ trước 14/6/2021 mới là đạt tiêu chuẩn.
Các sản phẩm được phát hiện ra chủ yếu là các nông sản như vừng, gia vị, rau củ khô từ Ấn Độ, vừng và hạt hướng dương từ các nước khác. Đặc biệt trong đó có một sản phẩm là Locust bean gum (keo galactomannan được chiết xuất từ hạt của cây đậu carob) được dùng làm chất ổn định nhũ tương trong thực phẩm (mã E410) được xác định là một chất ổn định bị tạp nhiễm bởi EO trong quá trình canh tác, kéo theo các sản phẩm dùng E410 bị nhiễm EO cũng bị thu hồi, mặc dù đây là chất ổn định thực phẩm được phép sử dụng..
Giới hạn tồn dư EO trong thực phẩm mà Ireland đang dùng là cao hơn so với mức chung ở Châu Âu (0,1 mg/kg) nên nếu mì Hảo Hảo gặp vấn đề ở Ireland thì rất có thể sẽ gặp vấn đề ở các nước Châu Âu khác.
Trong thành phần của mì Hảo Hảo tất nhiên chúng ta sẽ không tìm thấy EO, cũng không có E410, nhưng với khả năng xuất hiện EO trong các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật nên có khả năng đây là tồn dư trong nguyên liệu bột mì được nhập khẩu.
EO tồn dư trong mì Hảo Hảo có đáng lo ngại?
Có đáng lo ngại không nếu có EO tồn dư trong mì Hảo Hảo? Có nhưng chưa phải vấn đề nghiêm trọng. EO đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư máu, ung thư phổi, ung thư dạ dày… nhưng con đường chủ yếu được xác định là qua đường thở (qua tài liệu của WHO và EPA – Tổ chức bảo vệ môi trường Mỹ).
Do chủ yếu tồn tại ở dạng khí ở nhiệt độ thường nên EO có nguy cơ cao với người tiếp xúc với không khí có EO thường xuyên như lao động trong dây chuyền sản xuất hóa học có dùng EO, nhân viên các công ty khử khuẩn hay dây chuyền sản xuất thiết bị y tế sử dụng EO hay nhân viên y tế ở các cơ sở y tế thường xuyên có khử khuẩn bằng EO.
Ngoài nhóm bị ảnh hưởng do đặc điểm nghề nghiệp thì người hút thuốc lá thường xuyên cũng có nguy cơ ung thư phổi cao do EO từ nguyên liệu lá cây thuốc lá còn trong điếu thuốc. Việc tiếp xúc thời gian ngắn với EO không có nguy cơ bị ảnh hưởng cao và con đường gây ung thư của EO qua đường tiêu hóa cũng chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng. Chính vì vậy, ngay cả FSAI cũng nói rõ “ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe” mà lo ngại chính là vấn đề “có thể gây hại cho sức khỏe nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài” cũng như lo ngại về việc EO giải phóng ra môi trường không khí (có thời gian bán hủy trong không khí là 69-149 ngày và trong nước là 12-14 ngày).
Các báo cáo độc tính của EO trên mô hình chuột chủ yếu dùng những nồng độ cao như 90 mg/m3 trở lên, còn trong mức giới hạn an toàn ở Mỹ đang dùng thì là 0,03 mg/m3 nhưng cũng không phải là nồng độ trực tiếp gây ra ung thư mà cần phải có thời gian hít phải loại khí này đủ lâu.
Vì thế nếu người tiêu dùng vẫn muốn sử dụng loại “mì quốc dân” này thì nên để ngâm nước nóng mở nắp tối thiểu 5 phút, không đậy nắp hoàn toàn hoặc nấu mì trên bếp mở nắp là được. Bởi EO rất dễ bay hơi sẽ bị hòa loãng trong không khí, không đủ khả năng gây tác hại (giả sử trong tình huống trong mì nội địa cũng có EO).
Tuy nhiên cũng từ cảnh báo này mà chúng ta cần phải xem xét lại các điều kiện an toàn lao động với người lao động làm việc ở môi trường có EO xuất hiện liên tục như đã nói ở trên, ngoài ra đây cũng là cảnh tỉnh cho việc hút thuốc lá.
Hy vọng là Bộ Công thương và Acecook Việt Nam sẽ điều tra được nguyên nhân và có điều chỉnh hợp lý để khắc phục sự cố này. Đây không phải sự cố có nguy cơ rõ ràng đến sức khỏe người tiêu dùng, nên vấn đề chỉ là việc chuẩn hóa lại dây chuyền sản xuất để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Minh Kiệt/TH&SP
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/chat-ethylene-oxide-co-thuc-su-nguy-hiem-a4484.html