Vai trò của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong giảm thiểu rác thải nhựa

ại Việt Nam những năm gần đây, các hoạt động bảo vệ môi trường, nổi bật là các chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa đang lan tỏa rộng khắp.

Các Khu dự trữ sinh quyển thể giới, Khu bảo tồn biển là những khu vực tiên phong thực hiện phong trào sống xanh, nói không với rác thải nhựa. Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam góp phần thúc đẩy cộng đồng phát triển sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thông qua việc sử dụng nhãn sinh thái, ưu tiên những sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm không sử dụng túi nilon hay đồ nhựa.

Thúc đẩy cộng đồng sản xuất và tiêu dùng xanh

Nhà nghiên cứu Vũ Thục Hiền, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam cho biết: Khu dự trữ sinh quyển thế giới đóng góp ba vai trò quan trọng đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa. Đó là cụ thể hóa các chiến lược, đề án quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa thông qua cơ cấu tổ chức quản lý của Khu dự trữ sinh quyển thế giới; cầu nối quan trọng giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, UNESCO và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho hành động giảm thiểu rác thải nhựa; thúc đẩy cộng đồng phát triển sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thông qua việc sử dụng nhãn sinh thái, ưu tiên không sử dụng túi nilon hay đồ nhựa.

Ảnh minh họa

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu của Chương trình Con người và Sinh quyển, thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp quốc (UNESCO) về mô hình phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó, có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

Trong cơ cấu Ban quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam bao gồm các thành viên thuộc ngành tài nguyên và môi trường, đây là cơ quan có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa. Các thành viên này có nhiệm vụ tăng cường quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa thông qua việc cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án tăng cường Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Đồng thời, các thành viên ngành tài nguyên và môi trường trong cơ cấu các ban quản lý, thông qua việc phối hợp với các ngành liên quan để tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa tới hệ sinh thái, sức khỏe con người; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng túi nilon phân hủy sinh học, phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Hiện Việt Nam đã có 9 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận: Rừng ngập mặn Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng); Đất ngập nước ven biển Liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình); Kiên Giang; Tây Nghệ An (Nghệ An); Mũi Cà Mau (Cà Mau); Cù Lao Chàm–Hội An (Quảng Nam); Đồng Nai (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương và Đắk Nông); Lang Biang (Lâm Đồng). Các Khu dự trữ sinh quyển đã cụ thể hóa 3 chức năng là: Bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái; Phát triển bền vững (kinh tế bền vững, kinh tế xanh); Hỗ trợ thúc đẩy khoa học, giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Một trong 7 tiêu chí bắt buộc đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển có thể thực hiện phát triển bền vững theo cấp độ vùng”. Tại Việt Nam, việc hình thành và phát triển các Khu dự trữ sinh quyển thế giới góp phần quan trọng cụ thể hóa Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chiến lược là thu gom và xử lý chất thải rắn, trong đó có rác thải nhựa.

Mô hình cộng đồng tự giám sát tại Cù Lao Chàm–Hội An

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Thảo, Trưởng ban Thư ký Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm–Hội An cho biết: Ngay sau khi Cù Lao Chàm–Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, Cù Lao Chàm cũng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước “nói không” với túi nilon. Hoạt động truyền thông về tác hại của túi nilon thường xuyên được đẩy mạnh trong cộng đồng dân cư với những buổi tuyên truyền, khẩu hiệu và trang trí trực quan.

Tại khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân được tặng các loại giỏ, túi xách thay thế cho túi nilon khi đi chợ. Các tiểu thương thay túi nilon bằng túi giấy làm từ các loại giấy báo cũ. Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm–Hội An cùng Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường các hoạt động giám sát việc sử dụng túi của người dân và du khách trong thời gian đầu, sau đó là phát triển mô hình cộng đồng tự giám sát. Chính nhờ sự tích cực hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm–Hội An, ý thức bảo vệ của người dân đã thay đổi với các khẩu hiệu đi sâu vào tiềm thức như “xách giỏ đi chợ, phong cách người nội trợ”, “nói không với túi nilon để bảo vệ môi trường biển”…

Năm 2018, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trên cả nước cam kết nói không với ống hút nhựa. Năm 2019, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm–Hội An đã phát động Chương trình “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần”, phấn đấu đến năm 2029 tại vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ chấm dứt sử dụng các sản phẩm này.

Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm–Hội An cũng là nơi tiên phong trong hoạt động không rác thải công sở. Từ năm 2018, chai nước nhựa đã được cấm hoàn toàn tại văn phòng. Mỗi nhân viên đều chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như bình nước tre, bút tre… Đến nay, phong trào đã lan tỏa đến các văn phòng khác tại Hội An như UBND thành phố, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Trong cộng đồng, cùng với sự phối hợp tích cực của người dân địa phương, qua các tổ thu mua rác tái chế, tổ thu gom rác hoạt động trên tinh thần tự nguyện, với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống lại rác thải nhựa. Nhiều khách sạn, nhà hàng đã tham gia vào chiến dịch Refill station (đặt các máy lọc nước miễn phí để người dùng lấy nước trong bình tự mang theo, giảm thiểu việc mua nước đóng chai), ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút làm từ sả, cỏ bàng… Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hội An đã nói không với sử dụng túi nilon.

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn có sự tham gia của cộng đồng coi trọng vai trò của hộ gia đình trong việc thực hiện các cam kết, quy định của địa phương về sử dụng các sản phẩm thân thiện mới môi trường, “nói không với túi nilon”, đặc biệt là thực hiện cam kết về phân loại rác thải tại nguồn. Các hoạt động khen thưởng đối với các hộ gia đình thực hiện đúng với cam kết, phạt đối với các hộ không thực hiện cam kết, tạo ra sự giám sát lẫn nhau ngay trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon.

Nhà nghiên cứu Vũ Thục Hiền nhận định: Khu dự trữ sinh quyển thế giới có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa như cụ thể hóa các chiến lược, đề án quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng là cầu nối quan trọng giữa chính quyền địa phương với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho hành động giảm thiểu rác thải nhựa. Các hoạt động bảo vệ môi trường của Khu dự trữ sinh quyển thế giới giúp thúc đẩy cộng đồng phát triển sản xuất xanh, tiêu dùng xanh thông qua việc sử dụng nhãn sinh thái để giảm thiểu rác thải nhựa.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, cần thực hiện thêm các giải pháp phát triển nhãn sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho việc giảm thiểu rác thải nhựa; phát huy vai trò của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho việc tham vấn hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý rác thải nhựa trên biển; áp dụng sáng kiến chuyển đổi học tập (T- learning) tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới, để hạn chế những sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa.

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/vai-tro-cua-cac-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-trong-giam-thieu-rac-thai-nhua-a446.html