Sẻ chia là niềm canh cánh trong những ngày Sài Gòn bị trọng thương

Nếu như không có những cuộc gọi, những dòng tin nhắn ấy chắc tôi đã mặc kệ mà sống tành tành qua những ngày Sài Gòn bị trọng thương này, không phải đau đáu, canh cánh…

sg2-8893-3182-1630631428.jpeg
Nghĩa tình người Sài Gòn trong những ngày dịch bệnh. Ảnh: Lê Sa Long

“Anh nè, người vô gia cư, người nghèo kẹt lại ở Sài Gòn sẽ ăn gì trong những ngày giãn cách. Dịch bệnh như rứa thì có ai ra đường đâu mà cho…”. Tôi vẫn nhớ như in nội dung tin nhắn trên facebook đêm cận kề cuối tháng 7 –ngày Thành phố thực hiện “giới nghiêm” giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - của một người bạn.

Trong vô vàn những cảm xúc hỗn độn, đắn đo ấy, liên tiếp là những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn gửi đến hỏi thăm sức khỏe, lời động viên, sự sẻ chia tình cảm sau đêm thiện nguyện: “Anh có nhiều dịp để làm từ thiện mà, đâu nhất thiết phải là bây giờ… Anh không làm thì người khác cũng làm… Anh còn ba ở quê nhà… rồi nhỡ anh bị gì thì ai sẽ lo cho ba anh… Anh hãy làm theo những gì anh cho là đúng và cần thiết… Nhưng hãy bảo trọng bởi anh còn có người đợi…”.

Nhưng có lẽ, điều khiến tôi phải suy ngẫm đó chính là sự lựa chọn: người thân với “người dưng” (người cần giúp). Và đó cũng là tâm tư mà tôi và vài người bạn đồng hành luôn đau đáu, canh cánh trong lòng. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc rồi người chết tăng lên qua từng ngày. Trong danh sách ấy có bạn bè, đồng nghiệp và cả người thân của chúng tôi. Và dường như, trong mỗi chúng tôi đã từng có cảm giác sợ. Sợ dịch bệnh sẽ ập đến bất chợt…. bởi tôi còn trẻ, còn tương lai, còn sự nghiệp và còn có gia đình, người thân ngóng chờ.

Thực ra lâu nay, tôi vẫn hay làm tuy chỉ tự phát, không thường xuyên, không phải là tổ chức, không kêu gọi, chỉ là sự nguyện lòng tin tưởng cùng thực hiện. Tùy vào từng chuyến đi, kinh phí có thể khác và linh động. Hay ngay trong đợt dịch này, tôi chỉ vỏn vẹn có không đến 10 người tham gia mà thôi. Mỗi người góp một sức nhỏ để hành nguyện. Đối tượng mà chúng tôi hướng đến là những người vô gia cư, người nghèo, sinh viên khó khăn…

Nhưng Sài Gòn ngày giãn cách, “giới nghiêm”, cấm ra đường, mọi người đều “cố thủ” trong nhà để bảo vệ mình trước dịch bệnh hoành hành. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn rất nhiều con người đang lấy đất làm giường, lấy trời làm chăn, lấy tình thương thiên hạ sống lay lắt qua ngày. Có người còn không có nhà, không chốn đi về…

Người nghèo ở Sài Gòn cũng nhiều thành phần, hoàn cảnh và xuất thân. Nếu trước đây chủ yếu là ăn mày, bụi đời; thì nay gia nhập thêm bán vé số, hàng rong, xe ôm, xích lô, nhặt ve chai và cả vô công rỗi nghề. Hầu hết họ là người không nhà, lang thang, thất nghiệp, tối đến thì gục xuống thiếp đi bất cứ chỗ nào chờ trời sáng, sống nay đây mai đó bằng tình thương thiên hạ….

img-2488-1630631879.JPG
Ai cũng mong Sài Gòn sẽ mau khỏe, lại bình thường mới. Ảnh: T.L

Nhiều lắm, bao thân phận mùa dịch này. Số phận của họ viết mãi không hết. Mỗi người là mỗi một câu chuyện không ai giống ai. Có người sinh ra đã mô côi hoặc cha hoặc mẹ hoặc cả hai; cứ thế thành bụi đời, giang hồ lúc này không hay. Có người tuổi trẻ ăn chơi trác táng, về già nợ nần chồng chất, bán nhà bán cửa thành ăn mày dĩ vàng. Cũng có người có người thân cũng như không, ngày đạp xích lô, tối về lủi thủi dưới mái hiên nhà ai đó. Nhưng cũng có những người bị kẹt lại giữa Sài Gòn mùa dịch lang thang….

Thành phố cũng đang có nhiều nỗ lực để hỗ trợ cho người nghèo nhưng xem ra còn chưa xuể. Hiện những người này chỉ nhận được sự giúp đỡ của các nhóm từ thiện, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng, tự phát. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, giúp họ được một hai ngày, chứ không thể giúp họ mãi theo cách này được, cần những giải pháp căn cơ.

Cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại càng thêm cơ cực trong bối cảnh giãn cách xã hội (và nay là lệnh “giới nghiêm”, cấm ra đường). Dọc các dãy con đường lớn từng sầm uất bậc nhất của TP Hồ Chí Minh mang vẻ tĩnh lặng và im lìm khác hẳn, trơ ra những hình vẽ graffiti nguệch ngoạc.

Cầm trên tay những phần quà là bánh mỳ, xúc xích, sữa, bánh đủ để họ có thể ăn trong vài ngày không phải tất cả những người vô gia cư đều có thể bình tĩnh khi nhận quà từ thiện này từ nhóm. Sự đói khát, kiệt quệ khiến họ trở nên hấp tấp, đôi khi còn bất chấp hiểm nguy, an toàn, chưa mang kịp dép, đeo khẩu trang chạy đến để có được những phần ăn cho mình.

Cứ thế, đều hàng đêm, những buổi tối nghĩa tình đến với những người nghèo. Những món quà chất chứa bao sự hào sảng của Sài Gòn…

Sau mỗi chuyến phát qua trong đêm khuya về, trong mỗi chúng tôi rất hạnh phúc khi nhận thêm những tin nhắn: “Chú cảm ơn sự giúp đỡ của tụi con”, “Cảm ơn tụi em!”, “Giữ gìn sức khỏe nha”, “Mình khỏe mới giúp người khác được”,…

Hà Kiều

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/niem-canh-canh-trong-nhung-ngay-sai-gon-bi-trong-thuong-a4454.html