Thơ Vũ Thanh Hoa thể hiện rõ nét đó là một giọng thơ nhân ái, giàu nữ tính. Nét nữ tính trong thơ chị cũng tạo ra được chất giọng riêng khó lẫn với những thi sĩ khác trong nền thơ ca đương đại. Bên cạnh nét dịu dàng, đằm thắm, bao dung; người đọc còn nhận ra sự mãnh mẽ, bạo liệt rất khác của Vũ Thanh Hoa – Người đàn bà thơ cô đơn và đầy kiêu hãnh. Thơ chị có giá trị trước hết ở sự chân thật bởi một tâm hồn cháy bỏng yêu đương, với những khát vọng vô bờ bến, một tính cách sắc sảo, sôi nổi và mãnh liệt. Phải chăng, chính điều này đã làm nên dấu ấn của hồn thơ trữ tình Vũ Thanh Hoa. Trong hành trình thơ của mình, Vũ Thanh Hoa đã tạo dựng một phong cách thơ riêng biệt, rất đáng được trân trọng.
Thơ Vũ Thanh Hoa thể hiện một quá trình tìm tòi không mệt mỏi để vươn lên tìm đến cái đặc sắc của nghệ thuật. Từ tập thơ Nỗi đau của lá (2006) cho đến sau này là Trong em có người đàn bà khác (2009), Lời cầu hôn đêm qua (2012), Lục bát phố (2015)... đã có sự chuyển biến rõ rệt. Càng về sau Vũ Thanh Hoa càng thể hiện rõ nét những đổi mới nghệ thuật trong cách thể hiện, cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ...
Nỗi buồn hiện diện hầu khắp trong các câu thơ, bài thơ, tập thơ của Vũ Thanh Hoa. Đó là những nỗi buồn đa thanh sắc nhưng cái căn cốt vẫn là nỗi buồn đến từ những điều chị cảm thấy bất an, hẫng hụt trước cuộc sống. Cảm hứng nghệ thuật của Vũ Thanh Hoa bắt nguồn từ những chấn thương dữ dội của tinh thần và những khắc khoải trong đời sống nội tâm. Có lẽ Vũ Thanh Hoa là người đàn bà chỉn chu, lại quá nhạy cảm, dễ xao động tâm hồn nên bất cứ điều gì cũng làm cho người thi sĩ đa tình ấy xốn xang. Để rồi, đôi lúc chị như một kẻ “mộng du”.
Tất cả người qua phố đều quen/ mỗi mình là lạ/ có ai đợi đâu mà chuyến xe hối hả/ chiều qua đêm... nỗi nhớ khứ hồi... (Phố cũ).
Đi qua những năm tháng trắc trở, đầy những tổn thương trên bước đường tình, chị muốn trở về với bản thể thật nhất của con người: em muốn ngắm anh như thuở sơ sinh/ trần trụi hình hài/ bí mật như đêm/ sót lại từ nghìn năm trước/ xanh như rừng/ nâu như đất/ tràn đầy như nước/ đợi em nghìn năm sau (Sơ sinh nỗi nhớ).
Tình yêu là bến đỗ bình yên của trái tim người phụ nữ. Bởi phụ nữ sinh ra là để yêu. Những tình cảm chân thành, tự nhiên, vô tư, không hề toan tính. Và “Em” cứ ngỡ tình yêu ấy sẽ vẹn tròn. Nhưng đó chỉ là quá vãng, hiện tại là nỗi cô đơn, trống vắng đến nao lòng.
mở dòng tin nhắn “Nhớ Em”/ kỷ niệm loang sẫm phố/ em lang thang/ buổi chiều thất lạc/ quán café đâu cũng ngỡ anh chờ
rơi những nốt trầm về đáy phức âm/ ký ức phù du/ nỗi nhớ anh là thật/ em ngoa dụ nỗi buồn bằng ngôn từ lấp lánh/ giấu buổi chiều cô độc vào đêm (Cô độc chiều).
Điều dễ nhận thấy trong thơ Vũ Thanh Hoa thể hiện kiểu kết cấu trữ tình. Biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc trước những được mất của chính cuộc đời thi sĩ:
Dẫu biết đời mình sẽ trắc trở, đa đoan/ Nhắm mắt trong đêm, con đường đầy cạm bẫy/ Cây cầu nhỏ của ngày xưa đã gẫy/ Biết bao giờ tìm thấy nửa vầng trăng? (Gửi chồng cũ).
Dù gặp bất trắc, buồn đau, cô đơn nhưng người đàn bà trong thơ chị vẫn giữ nét bình thản, tự tại, đáng yêu đến lạ:
Trước bão giông em bình thản/ Trước thị phi em mỉm cười/ Trước núi cao, biển rộng, vực sâu em cắn răng bước đi/ đôi chân trần rướm máu/ Thế nhân đổi trắng thay đen, thế nhân ô trọc,/ thế nhân lọc lừa, em ngẩng đầu kiêu hãnh (Trước anh).
Sự kiên định, mạnh mẽ trước những giông bão cuộc đời đã làm nên nét riêng của người đàn bà đầy kiêu hãnh trong thơ chị: dám sống, dám ngẩng cao đầu trước bao lọc lừa, gian dối. Bản thể cô đơn thường trực trong con người đời thường và cả trong thơ Vũ Thanh Hoa được phơi trải đến tận cùng. Trạng thái ấy không phải là sự bế tắc mà là do sự ý thức sâu sắc về nhân cách và hoàn cảnh của bản thân. Càng về sau thơ Vũ Thanh Hoa càng hiển lộ rõ những đặc trưng và thế mạnh vốn có của một cây bút thơ giàu nội lực. Thơ chị đằm sâu, kết hợp giữa lối viết truyền thống và hiện đại với nhiều liên tưởng bất ngờ, thú vị. Chị biết làm mới ngôn ngữ, hình ảnh, câu chữ trong thơ. Vì thế, có những bài thơ, câu thơ, hình ảnh thơ của Vũ Thanh Hoa phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể giải mã những ý đồ mà thi nhân gửi gắm.
Học ngành Luật và suốt thời thơ ấu ở nước ngoài có tác động không nhỏ đến hành trình sáng tạo thơ ca của Vũ Thanh Hoa. Chính điều này đã tạo nên một hồn thơ Vũ Thanh Hoa giàu cá tính, dám bộc bạch những khát vọng riêng tư sâu kín một cách thành thật, mãnh liệt, cuốn hút. Nhà thơ cho rằng: “Văn chương là tiếng hát của số phận”. Mọi cảm xúc có ở trong thơ đều bắt nguồn từ những xúc cảm chân thực trong đời sống mà chị từng chứng kiến hoặc đã trải qua. Bằng năng khiếu, vốn sống, vốn văn hóa, sự tìm tòi, suy tư, trăn trở về đời và nghề, Vũ Thanh Hoa đã khéo chắt lọc, lắng kết mọi sắc thái, cung bậc cảm xúc để đưa vào thơ theo cách riêng của mình. Do vậy, Vũ Thanh Hoa đã tạo ra giọng thơ rất khác, không dễ bị trộn lẫn. Tiếng thơ của chị như lời tâm tình, thủ thỉ, vừa trữ tình sâu lắng, vừa đắng đót, xót xa.
Bên cạnh chị kế thừa lối thơ truyền thống (chị có hẳn một tập thơ lục bát: Lục bát phố với 46 bài đầy đặn, đẹp có nhiều cách tân), Vũ Thanh Hoa đã “dám” khai phá để tạo cho mình cách thể hiện riêng trong cách dùng ngôn ngữ, hình ảnh lẫn hình thức thơ theo kiểu hậu hiện đại. Đó là điều đáng được ghi nhận ở một cây bút thơ nữ như chị.
Ngôn ngữ, hình ảnh thơ mở ra sự liên tưởng tận cùng, tạo nên sự trùng phức, hiển lộ một hiện thực đa tầng với những suy tư, nghiệm sinh mới.
- Nắng dở dang vu vơ nhặt cuối mùa,/ Cô đơn gõ những thanh âm đồng vọng./ Xao xác gió./ Ngẩn ngơ hoa trước gió,/ Nụ âm thầm./ Đắng đót khoảng trời câm (Vu vơ nhặt).
- Đêm trườn qua dải eo thon/ đổ cơn xoáy lốc niêm phong dấu nằm (Nhất dạ tình).
- chúm chím ngực hồng sững sờ mây lụa mỏng,/ lượn sóng eo thon tẩn ngẩn biếc xanh trời,/ nhan sắc thức,/ ngày lật trang,/ đá thở (Nhan sắc).
- những giấc mơ đã mắc cạn trên nóc nhà cao ốc (Những giấc mơ mất cắp).
- Giấu đi một nụ đa tình/ Ngày xuân mơn mởn thình lình nở hoa (Lục bát xuân).
.............
Nét nổi bật và cũng là điều làm nên sự độc đáo nhất trong thơ Vũ Thanh Hoa là phép điệp, phép tương phản được sử dụng nhiều trong hầu khắp các sáng tác của mình.
- anh yêu em/ anh yêu em/ giây giây/ phút phút/ ngày ngày/ tháng tháng/ năm năm/ anh yêu em/ anh yêu em/ nắng hồng rừng rực/ nắng nhạt môi son/ lá xanh/ lá héo hon/ mây tóc em thả dần phía khói/ anh yêu em/ anh yêu em/ thao thức vầng trăng/ mặt trời ngái ngủ rón rén bầy chim rúc rích sau thềm/ anh yêu em/ anh yêu em/ trái đất ngừng quay/ trái đất quay/ trái đất của mọi ngày/ anh yêu em/ anh yêu em/ anh yêu em... (Anh yêu em).
- một ngày không anh/ con đường thân quen trở thành sa mạc/ gom cả âm thanh hỗn phố/ lặng im chiếc lá lìa cành/ một người đi qua/ một người/ nhiều người/ ai vừa gọi tên em không nhớ nữa/ ai vừa mỉm cười em không nhớ nữa... (Phơi thơ).
Lãng quên là một bài thơ ấn tượng, mới đọc lướt qua sẽ thấy đó là những câu chữ có vẻ bình thường, câu chuyện kể cũng có vẻ bình thường. Nhưng ẩn đằng sau câu chữ và câu chuyện tưởng như bình thường ấy là cả những xao động, bất an.
Sáng chủ nhật ngồi gom những lãng quên/ cái bóng ngủ yên trên tường ố/ bài hát cũ vùi câu thơ cũ/ chiếc lá vàng rơi những hẹn hò
.........
Mùa yêu thương sẽ dừng lại nơi đâu/ nỗi buồn dần dần xâm thực/ em giữ mãi bí mật chưa từng hỏi/ dư âm vang vọng suốt đời
... Hình như bão đang về ngoài cửa/ có một người ngồi khóc... lãng quên…
Vũ Thanh Hoa viết nhiều về tình yêu, thể hiện một tâm hồn khao khát mãnh liệt, dù phải trải qua không ít truân chuyên. Hình như nhà thơ thường dự cảm những gì đang có rồi cũng đến lúc tuột khỏi tầm tay. Cái ám ảnh nhất của đời người phụ nữ là thiếu vắng đi bóng dáng người đàn ông mà mình yêu thương .Thiếu anh rồi con sóng bỗng mồ côi/ Con tàu vẫn ngược xuôi khách đông mà sao vắng/ Cà phê đắng, sân trưa hè lặng nắng/ Em đi sóng đôi vẫn như chỉ một mình (Một nửa).
Là người phụ nữ luôn hướng đến tình yêu chân chính, thành thật hết lòng nên Vũ Thanh Hoa sẵn sàng đón nhận những biến động trong tâm hồn mình. Tìm kiếm, chờ mong, dâng hiến, hi vọng, thất vọng, hạnh phúc, khổ đau... là những trạng huống mà chị luôn gặp phải. Nhà thơ có cảm giác hoang mang, lo sợ khi tình yêu bất thành. Bởi trong đời chị rất sợ chia cách, phân ly. Vì những gì đã hằng sâu trong tâm não sẽ rất khó để phai mờ. cần bao lâu để quên/ hoá phù điêu những lần gặp gỡ/ trái tim cháy làm tan chảy tượng/ anh lạnh lùng làm tan chảy em (Cần bao nhiêu lâu để quên).
Đối với Vũ Thanh Hoa tình yêu là lẽ sống, là chỗ dựa vững chắc để chị vững bước trên mọi nẻo đường đời. Nhưng ở đời gieo những hạt mầm yêu thương chưa chắc gì đã gặt được vụ mùa hạnh phúc. Hơn ai hết, nhà thơ Vũ Thanh Hoa hiểu rõ điều đó nên chị chấp nhận nghịch lý muôn thuở của tình yêu. Anh thì vẫn một đại dương sâu thẳm/ Em chơi vơi chẳng biết dạt nơi nào/ Chiếc lá nhỏ buông mình vào biển lớn/ Chỉ nỗi buồn em nhận của riêng em... (Nỗi đau của lá).
Chị sống nhiệt thành, chân thật với khao khát và đam mê mãnh liệt. Vì thế, trong thơ chị các từ biểu lộ những cung bậc, sắc thái tình yêu được sử dụng với tần số cao: quên, nhớ, thờ ơ, lạnh lùng, nông nổi, thao thức, cô độc, thất lạc, lang thang, ký ức phù du, ăn năn, chơi vơi, giọt nhớ, không còn gì, không thể vãn hồi, mong manh, mưa ký ức, người đàn bà đi lạc, nỗi buồn qua phố, rỗng, lỗi lầm, thiêu thân, ám ảnh, lời tỏ tình, khúc ru, đoản khúc, giá như, nghịch lý, nỗi đau của lá, nỗi buồn giấu kín, tàn tro, nói với người bên kia, nợ, nỗi buồn mặc định, đêm thức, đánh rơi, đi ngược, cạn ngày...
Thời gian trong thơ Vũ Thanh Hoa là thời gian tâm trạng. Khảo sát trong hành trình thơ chị, người đọc nhận ra thời gian không theo một chiều mà có sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian hồi tưởng, tìm về một thời tuổi trẻ, để làm lại những điều hữu ích và quan trọng nhất là: “Chẳng bao giờ để mất anh”. Nếu thời gian quay trở lại mười năm/ Khi ấy em vừa hai mươi tuổi/ Em sẽ có nhiều điều làm lại/ Chẳng bao giờ em để mất anh
Nhưng không có thể ai níu được thời gian, nên đành phải ngậm ngùi chấp nhận một thực tế phũ phàng:
Nếu thời gian quay trở lại mười năm…/ Nhưng thời gian thì cứ trôi trôi mãi…/ Và anh sẽ chẳng bao giờ trở lại/ Em đánh rơi vụng dại một mối tình… (Nếu trở lại).
Đôi lúc, nhà thơ tự dặn lòng, mình phải can đảm mà sống mà yêu và mặc kệ tất cả:
kệ cho nỗi nhớ bập bênh/ thả trôi chiếc lá lênh đênh lạc mùa
dán vào quên một lá bùa/ đánh lừa chiếc bóng như vừa tẩy trang
thêu thùa chi những đa mang/ nỗi buồn tìm chỗ xếp hàng trong tim… (Xếp hàng).
Có lúc nhà thơ cảm thấy chới với không biết nương tựa vào đâu, khi chị nhận ra quanh mình thứ gì cũng méo mó, nhạt nhẽo, buồn bã, giả dối và khổ đau.
còn chỗ trống nào cho tôi không?/ thiên đường chật thánh thần/ địa ngục chật ma
mặt đất hằng hà người sống/ những hình hài quẩn quanh ngõ cụt/ va nhau tóe những mảnh hồn/ ...
nước mắt nhạt thếch/ trắng thớ vòng ôm/ bốn ngả sân ga chất đầy mặt nạ/ tàu chưa qua mà nhỡ chuyến/ còn chỗ trống nào cho tôi không? (Còn chỗ trống nào cho tôi không?).
Hiện thực cuộc sống thời mở cửa nơi phố thị với bao bộn bề giá trị, nhà thơ đôi lúc có khao khát được “lắng lòng”, sống những giây phút bình yên. Điều đó hoàn toàn chính đáng, bởi chị đã thừa thãi những nỗi đau, bởi chị đôi lúc vì quá cả tin mà nhận về mình quá nhiều thua thiệt.
Xin một phút được rời xa phố thị /Những bon chen mua bán bạc màu/ Xin một phút không hồ nghi suy tính / Anh tin em và em tin anh (Bình yên).
Bên cạnh cái tôi đời tư - thế sự trong thơ Vũ Thanh Hoa còn thể hiện khá rõ nét cái tôi chiêm nghiệm - triết lý. Nếu cái tôi đời tư - thế sự đem đến cho người đọc sự cảm thông, chia sẻ nỗi niềm của chị trước tình yêu và thế thái nhân tình thì cái tôi chiêm nghiệm – triết lý sẽ giúp cho độc giả hiểu một cách trọn vẹn về hồn thơ Vũ Thanh Hoa. Rồi tôi chợt ngộ: Thiên đường hay địa ngục/ Với những được, thua, thành bại ở trong đời/ Cũng đơn giản như khi ta nhắm mắt/ Khe khẽ hòa mình vào màu trắng tinh khôi... (Lời cầu nguyện sau cùng).
Thơ Vũ Thanh Hoa sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, mộc mạc để diễn tả những cung bậc tình cảm, những chiêm nghiệm về cuộc đời. Bên cạnh đó, thơ chị vẫn có nhiều sự đầu tư, gia công, rèn giũa, chọn lọc ngôn từ để lời thơ không nôm na mà rất giàu tính hình tượng với việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ. Chị có nhiều bài thơ hay được bạn đọc nhớ đến như: Xin lỗi anh, Gửi chồng cũ, Nỗi đau của lá, Trong em có người đàn bà khác, Ai nhắn mùa đông về rất vội, Những giấc mơ mất cắp, Cô độc chiều...
Vũ Thanh Hoa là người phụ nữ sống hết mình vì tình yêu và cái đẹp. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, sự trải nghiệm với đời và nghề cho thấy một Vũ Thanh Hoa là người đàn bà mạnh mẽ, nghị lực, giàu đức tin.
Điều đặc biệt trong thơ Vũ Thanh Hoa đó là những nỗi buồn, sự chơi vơi, cô đơn đến đậm đặc. Nhưng đó là những nỗi buồn tinh khiết, đầy kiêu hãnh, bởi ở đó ta không hề nghe những lời ai oán, trách móc não nề. Bao đắng đót, khắc khoải, lo âu của một thời đã qua, đến khi bình tâm chị nhận ra:
Bây giờ/ Insert/ ngày xưa/ nhớ quên/ / Delete/ thiếu thừa/ Cancel/ Bán buôn/ cho trắng/ nỗi buồn/ nợ nần/ vay trả/ vuông tròn/ Shut down (Lục bát @).
Vũ Thanh Hoa đã đem đến cho độc giả những vần thơ ám ảnh khôn nguôi. Thi nhân bộc lộ rõ nét một cái tôi cô đơn với những khát vọng, đam mê lớn lao về những điều kỳ diệu của tình yêu và số phận. Tiếng thơ ấy của chị mang một vẻ đẹp rất riêng, thấm đẫm chất nhân văn và tràn đầy nữ tính; góp phần tạo nên sự đa sắc hương của thơ nữ Việt Nam đương đại.
Nguyễn Văn Hòa
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nguoi-dan-ba-tho-co-don-va-day-kieu-hanh-a4351.html