Câu chuyện mà tôi muốn kể đến cho mọi người nghe, là một tấm gương thầm lặng và là một khoảnh khắc đáng sống của một người Dì gần gũi tôi trong suốt những ngày còn bé.
Dì tôi tên thật là Nguyễn Thị Trúc, sinh ra và gắn bó với mảnh đất Quảng Nam đã hơn 67 năm. Trước đây, Dì là giáo viên ngữ văn cho một trường cấp 2; còn bây giờ, Dì đã nghỉ hưu. Dẫu vậy nhưng ngày ngày người ta vẫn thấy Dì miệt mài thức khuya dậy sớm bên những trang giáo án còn dang dở của những lớp dạy thêm tại nhà.
Một đời theo nghề dạy học, Dì luôn quan tâm đến những học sinh khó khăn. Em nào nghèo thật sự hoặc có hoàn cảnh đáng thương, Dì luôn tạo mọi điều kiện để em đó được học hỏi, tiến thân.
Cầm trên tay một cách nâng niu bình hoa giấy đã cũ, Dì kể cho tôi nghe về câu chuyện của em Thắm, một học sinh nghèo hiếu học của Dì, có hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm em Thắm đang học lớp 7. Cha bị ung thư, còn mẹ vừa bị cắt một quả thận lại bị phỏng nước sôi ở bụng. Bệnh cũ chưa khỏi lại thêm bệnh mới, khó khăn chồng chất khó khăn. Dẫu bản thân không mấy dư dả nhưng Dì Trúc vẫn không lấy tiền học thêm. Thậm chí còn vận động người khác chung tay giúp đỡ gia đình em Thắm. Số tiền cũng chẳng đáng là bao nhưng đó là điều mà Dì Trúc nghĩ mình nên làm ngay lúc đó. Nay Thắm đã ra trường và có một công việc ổn định. Bình hoa giấy ấy cũng là món quà của cô học trò nhỏ năm nào tặng Dì vẫn còn giữ.
Hay câu chuyện về em Cúc lớp 9/4, ở đội 4, xã Tam Ngọc, huyện Phú Ninh. Em có ba mà cũng như không có. Ba em suốt ngày luôn chìm đắm trong những cơn say của men rượu. Cuộc sống của gia đình em gói gọn trong căn nhà mục nát, liêu xiêu. Mẹ của em hàng ngày phải đi nhặt ve chai, phế thải của những người bà con trong xóm, để mong có thể sống lay lắt qua ngày. Tuy vậy, Cúc lại là một học sinh khá môn Văn. Thấy hoàn cảnh đáng thương của cô học trò nghèo, Dì Trúc mạnh dạn đề nghị sẽ dạy kèm cho em nhưng không thu học phí. Năm lên lớp 10, em được trường cấp 3 công lập nội thị xét chọn.
Đó chỉ hai trong số hàng trăm người học trò từng được Dì Trúc dạy học miễn phí trong ngần ấy năm mà Dì đứng trên bục giảng. Đối với Dì Trúc, nghề giáo không đơn thuần chỉ là một công việc để kiếm tiền mà đó là một nghề rất cao quý, rất thiêng liêng.
Còn về Dì, dù đã trải qua những thời gian khắc nghiệt nhất của lịch sử cho đến ngày hòa bình hôm nay; nhưng Dì vẫn giữ được nét giản dị và yêu kiều của người phụ nữ miền Trung. Ấy thế mà, đến tận bây giờ dì vẫn chưa muốn có ai bên cạnh, sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Ngày còn bé, tôi đã dại dột hỏi rằng “Sao Dì không tìm cho mình một mái ấm?”. Câu trả lời trong trẻo của Dì ngày ấy làm cho tôi nhớ đến tận bây giờ: “Đối với dì, các em học trò mới chính là mái ấm yên bình nhất”.
Thời gian gần đây, Dì phát hiện mình bị bệnh tim nhưng ai hỏi Dì vẫn trả lời là khỏe, cốt cho mấy em mấy cháu khỏi lo. Để tiết kiệm, Dì chữa bệnh bằng phương pháp dân gian nên không tốn kém mà bệnh thuyên giảm 70%. Mọi người có nhã ý muốn hỗ trợ Dì nhưng Dì nói: “để tiền giúp đỡ mọi người sẽ có ích hơn.”
Gần đây, trải qua mấy mùa dịch Covid-19, Dì biết các em các cháu thất nghiệp ở phương xa hoặc làm ăn bấp bênh có ngày ăn mì ăn liền trừ cơm, có ngày sáng một gói mì, đợi tới tối mới ăn mì gói thứ hai, bữa đói bữa no. Dì xót thương những mảnh đời cơ cực, nhưng không biết làm sao. Đêm nào Dì cũng trằn trọc không ngon giấc, gương mặt hốc hác hẵng đi. Bản thân Dì chi tiêu dè sẻn, có khi ba bữa rau cháo, ấy vậy mà Dì lại vô cùng rộng rãi để dành tiền giúp đỡ cho con cháu, học trò. Đứa nào cực nhất, không có chỗ dựa, tay trắng thì Dì giúp đỡ, cũng chẳng tính toán gì nhiều, có dư thì cứ cho, tùy theo sức của mình. Dì tâm niệm, miễn giúp đỡ cho những đứa em, những đứa cháu đang khốn khó của mình là đủ rồi, thấy mãn nguyện lắm!
Người phụ nữ với thân hình nhỏ nhắn ấy nhưng lại có một trái tim đẹp, chính là động lực cho tôi bước tiếp trên con đường học vấn. Tôi cảm nhận rằng: “Đâu đó trong từng căn gác nhỏ, từng những ngóc ngách quanh nhà, đều được sưởi ấm bởi một ngọn lửa diệu kỳ ấm áp từ trái tim của người Dì mà tôi hằng trân quý. Cứ mỗi lần từ thành phố được về với vòng tay của Dì, tôi lại cảm thấy thêm yêu Dì trong từng khoảnh khắc. Mặc dù, có đi học xa nhà đến đâu, những lời dạy của Dì vẫn đi sâu vào trong tâm trí của tôi.”
Và nay, khi đã lớn nhưng tôi vẫn khắc sâu lời Dì: “Nếu phải cho Dì chọn lựa lại, Dì vẫn muốn là muốn là một người hiện tại. Tuy không được là ông mặt trời chói lọi kiêu sa, nhưng Dì nguyện làm ánh trăng soi đường cho các con đi.”
Trần Thị Minh Nguyệt (Đà Nẵng)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/co-mot-nguoi-giao-gia-tham-lang-a4246.html