Võ Miên Trường là gương mặt thơ nữ mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng người ta biết đến chị, ấn tượng về chị bởi những vần thơ đậm chất trữ tình.
Dù viết về mình, về người, về đời thơ chị cũng mang nỗi buồn sâu thẳm. Buồn về thân phận với trùng điệp những gập ghềnh, bất trắc, những va đập ngã nghiêng trong hành trình cuộc đời mà Võ Miên Trường đã nếm trải. Những âm vang đó khúc xạ qua lăng kính trải nghiệm của chị trở thành nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi và có thể theo nhà thơ suốt cả cuộc đời này.
Có lẽ, chỉ những người bạn bè thân thích, ruột thịt của nhà thơ Võ Miên Trường mới biết đằng sau những vần thơ trữ tình đó là bắt nguồn từ hiện thực những năm tháng khốn khó của chị và cả gia đình. Cuộc vật lộn, mưu sinh cơm áo đã làm vỡ tan bao giấc mộng của cô gái miền Trung xinh đẹp thuở nào. Trong bài Người đàn bà làm thơ, Võ Miên trường không ngần ngại tỏ bày:
Người đàn bà/ Mượn gió thả hương bay/ Tập làm thơ/ Trong nỗi nhớ vụng về xưa cũ/ Đối diện đêm/ Trở trăn tìm câu chữ/ Trải lòng mình ơi muối mặn gừng cay.
Người đàn bà làm thơ/ Ẩn giấu mình lặng lẽ/ Rồi một ngày/ Hồn thơ bất chợt ghé tìm...
Người đàn bà/ Ngồi hong từng con chữ phiêu linh/ Ngọt thơm – đắng đót/ Đắng - giữ riêng mình/ Ngọt - gửi vào thơ
Người đàn bà/ Đắm mình trong những giấc mơ/ Gánh đa đoan đổ nghiêng bờ nghiệt ngã/ Đau đáu nỗi niềm/ Xô lệch mùa riêng...
Người đàn bà/ Đắng - Ngọt cứ làm thơ...
Chị tìm đến thơ, coi thơ như sự cứu cánh, nhờ thơ nói hộ cho chị bao điều. Bởi chỉ ở thơ, Võ Miên Trường mới giãi bày hết mọi ngõ ngách sâu kín của tâm hồn mình một cách rốt ráo nhất và chị có thể cảm thấy nhẹ lòng hơn để mà sống mà yêu cho trọn kiếp người.
Đó là những giọt nước mắt, là nỗi đau đến khôn cùng của phận người ly hương với bộn bề nỗi lo toan, vất vả. Phố người lận đận phận quê/ Tha phương chìm nổi/ Bộn bề áo cơm/ Vỉa hè/ Vất vả sớm hôm/ Thấp người bé họng/ Chỉ giòn tiếng rao/ Chợ người bán những xanh xao/ Người quê mua những chênh chao.../ Phận mình... (Chợ người). Đọc những vần thơ chị viết nghe sao mà xa xót. Đặc biệt là những phận người xa quê với đường đời chông, đầy bất trắc vì sự sinh tồn.
Gió bụi kinh thành và những bon chen, được thua cơm áo mà Võ Miên Trường đã trải qua, giờ đây chị cảm thấy thấm thía. Một nỗi buồn đã ăn sâu trong từng tế bào, từng thớ thịt. Buồn đến độ, có lúc chị muốn “trùng tu nỗi buồn”: Bất chợt cơn gió chiều nay/ Thổi từ/ phía ấy chân ngày em đi/ Đường bay/ bạt cánh thiên di/ Nghe phong phanh tiếng thầm thì - giá - như// Mai ngày tình hóa thiên thu/ Em về gom nhớ/ trùng tu nỗi buồn.
Người đàn bà giàu nghị lực như chị thì dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm gục ngã. Ta gồng mình/ Gánh nặng kiếp phù sinh (Gánh).
Sự thật trần trụi của đời sống đi vào thơ Võ Miên Trường một cách tự nhiên và trở nên có hồn. Giữa đời thường và thơ nó như hòa quyện trong chị tạo nên một giá trị thẩm mỹ, dễ neo đậu trong lòng người đọc, bởi những cảm xúc mộc mạc, bình dị, chân thành. Cái chân thành ấy, được trái tim một người đàn bà thấu hiểu mọi lẽ nông – sâu, được – mất, trái tim ấy rất nhạy cảm, rưng rưng khi ngẫm về mình về người!
Nửa đêm/ Nửa tỉnh nửa say/ Nửa lay lắt nhớ/ Nửa thương vay đời/ Nửa đau phận bạc như vôi/ Nửa cười như rượu say người.../ Nửa đêm... (Trăn trở).
Có lẽ thế mạnh của chị là thơ lục bát, chị có hẳn 1 tập thơ lục bát (Giữa bộn bề tôi) gồm 60 bài. Không hẳn cả tập bài nào cũng hay, nhưng phải thừa nhận rằng Võ Miên Trường có một số bài lục bát viết khá thành công. Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, nếu nhà thơ không có tài năng thật sự thì lục bát dễ đi vào dễ dãi, kiểu ghép vần ráp chữ. Thơ lục bát Võ Miên Trường đã không phạm vào điều đó. Tôi cho rằng chị là người làm thơ lục bát có “nghề”. Nhà thơ Võ Miên Trường có những câu lục bát, bài lục bát để lại trong lòng người đọc những dư ba. Bởi chị biết làm mới thể thơ lục bát qua cách sử sụng câu chữ, hình ảnh, tứ thơ và cách vắt dòng.
- Đêm
cào cấu những tội tình
Rách toang nỗi nhớ thương mình trắng tay
(Cánh phù du bay)
- Ai mang nắng đổ vào chiều
Mà hoàng hôn trượt nát điều răn xưa
(Tím điều răn xưa)
- Ừ thôi
Trả nắng cho ngày
Trả
Trăng cho những rằm đầy khuyết nhau
(Trả)
Từ những trải nghiệm của bản thân người đàn bà luôn chịu nhiều thua thiệt, sẵn sàng hi sinh tất cả vì gia đình, chồng con nên nhà thơ Võ Miên Trường cũng có những triết lý sâu sắc về hạnh phúc và khổ đau. Đôi lúc, nhân vật trữ tình trong thơ chị cất tiếng “riêng mang”:
Bên hiên đời ta nhặt tình hư ảo/ Kỷ niệm về xô lệch màng trăng nghiêng/ Chao chát nhớ từng đêm dài trăn trở/ Ta ngỡ ngàng đối diện nỗi niềm riêng
Giữa vành đai nỗi nhớ cứ gập ghềnh/ Từng giấc mộng chưa kịp dày đã sáng/ Thu võ vàng thương giọt sương phai úa/ Nhỏ xuống đời giọt nước mắt vương mang (Vương mang).
Trong hầu hết các sáng tác của nhà thơ Võ Miên Trường, điều dễ nhận thấy là chị đề cập nhiều đến thân phận người phụ nữ. Bởi hơn ai hết, Võ Miên Trường thấu hiểu những nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Bởi dù gì thì người đàn bà vẫn thiệt thòi nhiều hơn so với cánh đàn ông. Nghĩ về mình, chị chợt nhận thấy thấp thoáng bóng dáng âm thầm, khổ đau của mẹ và cũng là của mình. Nhà thơ càng ngậm ngùi, xót xa, khắc khoải hơn.
Oằn lưng mẹ gánh gian nan
Lệch vai trĩu nặng lầm than cuộc đời
Tuổi xuân mẹ cũng một thời
Vì con – không biết đánh rơi lúc nào
...
Một đời dẫu đến trăm năm
Chùng chân mỏi gối vẫn đằm nét tươi
Bôn ba trên cánh đồng người
Bàn chân tứa máu gai đời mẹ tôi
(Đẫm gánh đa đoan)
Sự trở đi trở lại trong thơ chị là hình ảnh của đêm, mưa, buổi chiều... Những hình ảnh ấy gợi lên cảm giác cô đơn, trống vắng, hoang hoải, miên man, chồng chất, trùng điệp những nỗi buồn.
- Đêm nghiêng/ Mình em lật xô mình/ Độc hành/ Tìm cô đơn cứu rỗi (Đêm nghiêng).
- Hình như nỗi nhớ dậy men/ Nghe đâu gió bấc ngược đêm tìm về (Một mai em).
- Người đàn bà ngược gió/ Ngược nỗi đau/ Ve vuốt trái tim mình/ Ngược màn đêm/ Tìm về thời trinh nữ/ Đôi mắt huyền/ Giờ đã đẫm sương sa (Ngược).
- Đêm vỗ về tiếng nguyệt cầm đơn lẻ/ Khóc thương vay một thuở trót yêu người/ Một mai ư... trong nhau là không thể/ Đợi đêm dài thao thức... nguyệt cầm rơi... (Lặng lẽ đêm).
- Phố mưa xô lệch nỗi niềm/ Nghiêng vai ta gánh cả triền em xanh (Mưa phố).
- Chiều em đau một giọt mưa/ Nghiêng đời rót xuống dạ thưa cùng người (Chiều).
- Mưa ơi - từ thuở trăng đầy/ Nửa vời vợi nhớ nửa lay lắt sầu (Khúc mưa...).
- Gói thương cho kín đợi chờ/ Dốc đời mưa vẫn mịt mờ phận mưa... (Phận mưa).
- Khúc quanh nào dắt chiều vơi/ Câu thơ nhuộm tím chiều rơi mịt mùng (Lục bát).
- Em cầm chiều đẫm chạm đêm/ Đốt miền trăng lạnh sưởi êm giấc buồn (Hờn đêm).
- Ta rối bời nghiêng theo chiều biển động/ Quay hướng nào cũng vấp phải mênh mông (Biển gọi).
- Chiều rơi sợi nắng vô tình/ Vương vào mắt tím.../ chùng chình bước chân... (Chiều tím).
- Nắng chiều giọt thắm giọt loang/ Hoang mang em nhặt đa đoan buộc mình... (Chiều nắng vỡ).
....
Không phải chị kêu gào than khóc mà đó là sự bộc bạch giãi bày nỗi lòng của chị với mong muốn tìm được sự đồng cảm và tri âm. Vì thế, âm hưởng chính trong thơ Võ Miên Trường là những giai điệu trầm, buồn, nhẹ nhàng, đằm thắm, cô đơn nhưng vẫn mang vẻ đẹp trong trẻo. Nó không chỉ là nỗi niềm riêng mà thấm đẫm tâm sự chung, không chỉ nói cho mình mà nói cho người; biểu đạt nỗi nghẹn ngào, thổn thức sâu xa trong trái tim của nhân vật trữ tình. Đủ một đời vay mượn nắng mưa/ Đo khôn dại cuộc đời/ Đếm đa đoan mòn mỏi...
Một sự thật là con đường đến với hạnh phúc càng thử thách, chông gai, trầy trật bao nhiêu thì giá trị của hạnh phúc có được càng lớn lao, bền vững và đáng quý bấy nhiêu. Cuộc đời chị là một minh chứng, sau những lo toan giữa chợ đời vì sự mưu sinh, giờ chị có cuộc sống ổn định, vui vầy bên chồng con và các cháu nội, ngoại. Dẫu chưa phải là cuộc sống sung túc như nhiều gia đình khác nhưng chị có thể tự hào và hãnh diện, tự thấy "phục" chính mình khi chị nhìn lại đoạn đường đời mà chị đã đi qua.
Càng về sau, nhà thơ Võ Miên Trường càng hướng vào khai thác, khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Nhà thơ đã làm cuộc hành trình để nhìn lại mình sau chặng đường dài nếm đủ những đắng chát.
Sáu mươi năm/ Dòng sông đời lẩn khuất/ Ta lênh đênh giữa đôi bờ ảo thực/ Nợ mẹ cha hình hài nguyên vẹn/ Thắt lòng khi cha mẹ từng ngày mỏng vội/ Khúc quanh đời chưa biết giấu vào đâu
Sáu mươi năm/ Người con gái năm xưa gánh vết trầm quá khứ/ Trên đôi vai gầy tất tả nắng mưa/ Đã ngấm hết vô thường/ Đã đẫm mùi khôn dại/ Đã kiệt cùng trả vay.../ Vạt hoàng hôn trái mùa vẫn ngằn ngặt nắng... (Khúc tôi).
Nghẹn ngào, trống vắng, đau buồn lần lượt hiện diện là mắc xích xuyên suốt hành trình thơ Võ Miên Trường và trở thành “tạng” thơ riêng của chị. Cái hay là dù buồn, dù tổn thương, va vấp thơ chị vẫn hiền lành, nhẹ nhàng và “RIÊNG MANG” chứ không phải kiểu rên rỉ, oán trách, đổ lỗi. Vắt kiệt nỗi buồn/ Đến tận cùng khô khốc/ Xé mây trời dệt thảm lụa xanh mơ (Ngược).
Giữa những trăn trở, thao thức, tự đối diện với chính bản thân mình, tự vấn chính mình để soi thấu, củng cố lòng tin, sưởi ấm tình người. Nhặt hoàng hôn rớt đầy tay/ Ta - người nhặt những vơi đầy trong nhau (Nhặt những vơi đầy).
Cho đến thời điểm này, Võ Miên Trường đã in 4 tập thơ. Đó là thành quả mà nhà thơ đã dày công, miệt mài gieo hạt, vun trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Dù chưa phải là tiếng thơ độc đáo so với những nhà thơ nữ đương thời, nhưng những gì Võ Miên Trường có được, những gì chị đã đóng góp đã tạo nên sự đa sắc hương trong dàn đồng của ca của thơ nữ Việt Nam hôm nay. Đó là điều đáng được ghi nhận ở một cây bút có tâm, sống thành thật và say mê thơ như Võ Miên Trường. Ngồi hong những con chữ phiêu linh/ Ngọt thơm - đắng đót/ Đắng giữ riêng mình/ Ngọt gửi vào thơ (Người đàn bà).
Nguyễn Văn Hòa
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tho-vo-mien-truong-va-nhung-noi-buon-rieng-mang-a4243.html