Chẳng có ai bao bọc con như mẹ, không nơi nào ôm lấy mình như quê hương

Những ngày qua, khi số ca nhiễm tăng cao cũng là lúc Sài Gòn thực hiện giãn cách. Hơn 2 tháng qua đi, Ngoài những ca nhiễm lên đến con số hàng ngàn, thì cón đó là những hình ảnh những người con xa xứ nối đuôi nhau rời khỏi mảnh đất Sài Gòn hoa lệ.

Nhìn những hình ảnh những đoàn người tự phát, đang nối đuôi nhau rời khỏi mảnh đất Sài Gòn mà lòng tôi đau nhói. Nơi đây từng là thành phố nhộn nhịp, đông đúc dân cư từ khắp mọi miền đất nước, nhưng hôm nay nó thật sự vắng vẻ thật rồi. Sự di cử của những người con xa xứ lần này làm cho tôi nhớ lại những thời kỳ chiến tranh vang dội của đất nước. Khi má tôi phải bồng bế các em và tôi rời quê lánh nạn khỏi bom đạn mịt mù, phải rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn”. Còn ở thời điểm chống dịch này, họ rời bỏ nơi tha hương cầu thực.

222743081-10216868650307137-3069466363951031190-n-1628136916.jpeg
 

Từng tiếng còi xe “inh ỏi” nơi quốc lộ những ngày qua làm tôi không thể nào tưởng tượng nổi khung cảnh trước mắt mình. Hòa vào tiếng còi xe là hình ảnh những đứa trẻ thơ được bồng bế trên tay người mẹ, chịu áp lực dưới cái nắng oi ả của đất trời. Sau lưng họ còn biết bao nhiêu dòng người nối nhau nữa. Dòng người ấy, ai cũng khệ nệ trên chiếc xe máy đã sờn cũ nào là balo, túi xách và còn có khi là lương thực để chống đói ven đường. Những hình ảnh tưởng chừng chỉ có trong những ngày lịch sử, khi đất nước còn chống giặc. Nhưng hôm nay, chúng đã được tái hiện từng chút một trên những vệ đường quốc lộ.

Đến lúc này, tôi không thể dùng từ ngữ hoa mỹ nào có thể nói đến khung cảnh đang diễn ra trước mắt. Khi đôi mắt còn đang ứ nước vì những thân phận tha hương kiếm sống nơi đất khách quê người. Họ là những người con từ những miền quê xa xôi hẻo lánh. Vì cuộc sống quá thiếu thốn, chật vật mà phải xa quê, đến nơi thị thành nhộn nhịp trang trải cuộc sống gia đình. Ngày ra đi, ai cũng bịn rịn ngoái đầu. Đến ngày trở về cũng tiết nuối khôn nguôi. Mặc dù không sinh ra và lớn lớn tại mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Nhưng ở lâu rồi cũng nhớ, mà người miền Tây hay gọi là ở lâu “mến tay mến chân” xa không đành.

imgpsh-fullsize-anim-14-1628135695.jpg
 

Lúc này trong tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên dạo trước “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Khi ta mới đặt chân đến một nơi nào đó, chúng chỉ là những mảnh đất tầm thường, xa lạ. Nhưng đến khi ta rời đi, mảnh đất ấy lại mang trong mình sự cảm thương và cả những kỉ niệm bồi hồi xao xuyến.

224900205-10216869512128682-1675510361354903201-n-1628136863.jpeg
 

Suy cho cùng, họ là những mảnh đời rất đáng thương tại mảnh đất Sài Gòn này. Bởi đâu ai muốn từ bỏ quê hương mà đến một nơi đất lạ quê người để sinh sống. Nhưng vì nổi lo cơm áo gạo tiền, thì lạ cũng thành quen. Thế rồi những đồng tiền kiếm được bao nhiêu, cứ ngày ngày gửi về cho cha cho mẹ lo lắng cho cuộc sống gia đình. Cho đến nay, khi những đợt giãn cách ập đến như thế, khiến họ không khỏi lao đao chênh vênh giữa mảnh đất Sài Gòn hoa lệ.

Nếu ở lại trong thời điểm Sài Gòn đang khốn khó như thế này thì lấy tiền đâu mà lo cho cuộc sống sinh hoạt chật vật hằng ngày. Tôi có nhỏ em từ ngoài Trung vào làm việc tại Sài Gòn chia sẻ: "Khổ cực lắm anh ạ. Nếu như em không về quê thì lấy tiền đâu mà trả tiền trọ, sinh hoạt, và ăn uống. Công ty em theo làm, do giãn cách nhiều tháng, họ cũng đóng cửa cả rồi."

Nghe những dòng tâm sự của nhỏ em và cả những người con xa xứ mà lòng tôi quặn thắt. Phải chi có ông bụt giữa đời thực như thế này, cho các em đỡ khổ?

Bức tranh đoàn người nối đuôi nhau tấp nập ngược xuôi, mong về được nhà với gia đình làm cho tôi nhớ lại thêm không khí trong những ngày giáp tết. Những người con xa quê cũng lo lắng ngược xuôi mong có vé tàu về quê ăn tết xung hợp với gia đình. Nhưng khung cảnh lúc này không còn sự nhộp nhịp, nhớ nhung. Mà thay vào đó là sự “tháo chạy” về mảnh đất quê hương, mong tránh được cơn đại dịch.

maxresdefault-1628135709.jpg
 

Chúng ta cũng không nên trách họ, vì sao ruồng bỏ Sài Gòn, cái nơi đã từng nuôi sống cả gia đình. Mà phải nhìn lại một điều thực tế rằng: Nếu như cứ ở mãi nơi xóm trọ thì đến cả ổ bánh mì, họ cũng chẳng còn mà ăn.  Không lẽ suốt ngày đi kêu rên, xin từ thiện. Họ cũng có lòng tự trọng. Họ cũng ý thức được mình mà. Không thể sống mãi như vậy. Và cũng chả biết khi nào Sài Gòn mới bình thường trở lại. Đây có thể là một thực tế phủ phàng nhưng đó là sự thật… Tự phát hay đăng ký giờ này chỉ có giá trị về mặt ngữ nghĩa cũng như lương thực, bánh mì, thiết yếu… Nó không giúp chúng ta giải quyết được vấn đề.

Rồi bỗng từ xa tôi nghe có tiếng một đứa bé nói với mẹ chúng rằng “Mình được về nhà bà nội chơi đúng không mẹ, lâu lắm rồi con không gặp bà”… Có lẽ chỉ một lời nói non nớt từ một đứa trẻ, khiến người ta không khỏi chạnh lòng. Từ đây ta thấy được một quy luật trong cuộc sống rằng: "Chẳng có ai có thể bao bọc con như mẹ, cũng chẳng có ai ôm lấy mình như quê hương."

imgpsh-fullsize-anim-4-2-1628144799.jpg
 
imgpsh-fullsize-anim-7-1628137038.jpg
 
 

Bài: Hoàng Trường - Ảnh: Thaco, MXH

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/chang-co-ai-bao-boc-con-nhu-me-khong-noi-nao-om-lay-con-nhu-que-huong-a4215.html