Nếu từ chối tiêm vắc xin Covid-19 có vi phạm pháp luật không?

Những trường hợp cố tình từ chối tiêm vắc xin Covid-19 thì có vi phạm pháp luậtkhông? Và nếu có sẽ bị xử lí như thế nào theo quy định.

Tiêm vắc xin Covid-19 sẽ chống lại lây lan của vi rút SARS-CoV-2 cũng như tránh được nguy cơ tử vong khi nhỡ không may nhiễm bệnh. Tuy nhiên, do chưa hiểu đầy đủ, số ít người vẫn từ chối tiêm vắc xin.

Theo đó, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Theo đó, đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Thời điểm hiện tại, chưa có quy định nào bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19 và thực tế tại các điểm tiêm phòng, bạn sẽ được phát phiếu khảo sát nguyện vọng, nếu bạn đồng ý thì mới tiêm. Tuy nhiên, đây còn là trách nhiệm đối với xã hội, đất nước. Vì thế, nếu ta cũng nên thể hiện trách nhiệm.

Nhưng nếu trong trường hợp Chính phủ yêu cầu toàn bộ công dân phải tiêm vacxin và đây là quy định bắt buộc thì những người không tiêm, các cơ sở y tế không thực hiện nhiệm vụ hoặc các hành vi vi phạm khác liên quan đến tiêm chủng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về các hành vi vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.

Vì thế, trong trường hợp người dân không tiêm có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 9, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020.

Hiện Nhà nước đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP năm 2021. Cụ thể đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí gồm:

- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); Quân đội; Công an.

- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…;

- Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

- Người sinh sống tại các vùng có dịch.

- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

- Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Luật sư Diệp Năng Bình

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/neu-tu-choi-tiem-vac-xin-covid-19-co-vi-pham-phap-luat-khong-a4204.html