Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh

Với tất cả những tình cảm mến thương Sài Gòn đã dành cho đất nước, đây là lúc, cả đất nước sẽ hướng về Sài Gòn. Giống như cách cả đất nước đã cùng nhau hướng về Bắc Giang, về Đà Nẵng, về Hải Dương. Sài Gòn có mạnh mẽ và kiên cường đến đâu, thì lúc này, cũng hãy để cả đất nước cùng san sẻ.

Khi Sài Gòn trở bệnh…

Sài Gòn, ngày giãn cách đầu tiên.

Dù lo lắng nhưng cả nhà vẫn vui vẻ, lên kế hoạch mua sắm đồ ăn, trang thiết bị tập thể dục để 2 tuần tới ở nhà sẽ không lãng phí. Mỗi người chọn một bộ phim, một cuốn sách, một liệu trình thể dục thể thao, detox hay một loạt các công thức mới để chinh phục. Dù lo lắng, nhưng ai cũng lạc quan và cố gắng thích nghi hết mức có thể với mùa giãn cách thứ 2 này.

Ngày giãn cách thứ 14.

Số ca bệnh vẫn tăng đều mỗi ngày. Ổ dịch Hội truyền giáo Phục Hưng vừa dập thành công, lại liên tiếp những ổ dịch mới và chuỗi lây nhiễm không nguồn gốc ngoài cộng đồng. Những bộ phim đã xem gần hết, thực đơn ăn uống bắt đầu trở nên nhàm chán. Niềm vui lớn nhất mỗi ngày là được ra ngoài chạy bộ hoặc đạp xe hít thở khí trời. Mọi người đều hồi hộp nín thở chờ đợi, bởi cuối ngày hôm nay, Sài Gòn sẽ thông báo liệu có tiếp tục giãn cách hay không? Bầu không khí bắt đầu nặng nề hơn khi nghĩ đến những tuần sắp tới. Lòng trộm nghĩ về việc giãn cách theo chỉ thị 16 luôn cho rồi để chấm dứt dịch thật sớm, nhưng rồi lại chạnh lòng nghĩ đến những người lao động ngoài kia. Kỳ giãn cách của mình dễ chịu đến thế, nhưng còn họ thì phải sống thế nào nếu mọi thứ siết chặt hơn?

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh - Ảnh 1.

Ngày giãn cách thứ 30.

Ở nhà cả ngày cảm giác đầu óc như đóng băng. Phim hay đến đâu cũng không còn muốn xem, sách hay đến đâu cũng chẳng muốn đọc. Ngồi trước máy tính cố làm việc mà chẳng thể tập trung. Hôm nay, Sài Gòn tiếp tục là thành phố ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất cả nước với 249 ca nhiễm. Đường phố vắng hơn cả Tết. Buổi tối đi bộ quanh chung cư, cả con phố ở quận 4 bình thường sầm uất là thế, nay vắng tanh không một bóng người. Cửa tiệm đóng hết, im lìm và buồn bã. Giữa con phố tối om, một xe bánh mì nhỏ vẫn cố gắng gượng mở cửa dù biết khách hôm nay sẽ chẳng có là bao. Đâu đó trước một tòa nhà, hai ba anh shipper và xe ôm công nghệ ngồi trong bóng tối, chờ đợi một tiếng báo có khách gọi. Lại buồn bã nghĩ mình có quyền gì mà được thấy buồn chán hay bí bách. Ở ngoài kia, người ta còn cùng quẫn hơn khi bị đại dịch xoay vần.

Sài Gòn những ngày này thật buồn. Mỗi ngày lại là những kỷ lục mới, những con số xô đổ kỷ lục cũ. 2.000 ca, nhanh chóng là 3.000, mới hôm trước 4.000, chưa đầy 1 tuần con số đã là vượt 5.000.

Nhưng những con số cũng chỉ là những con số, chúng chỉ là một sự báo cáo khô khan và bề ngoài. Khó khăn nằm trong những câu chuyện kể, trong nỗi lo lắng của người Sài Gòn khi bước ra đường, trong đôi mắt buồn bã của một người bán hàng rong. Dù có mạnh mẽ và kiên cường đến đâu, thì lúc này đây, Sài Gòn đang bị ốm. Sài Gòn đã trở thành tâm dịch lớn nhất trong thời điểm hiện tại. Người Sài Gòn hay dân tứ xứ sống ở Sài Gòn, đều cùng đang gồng mình chống chọi với những khó khăn mùa dịch. Người ít, người nhiều. Nhưng khó khăn đều là khó khăn, và rất nhiều nơi trong thành phố này, người ta thậm chí đang bế tắc cùng đường.

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh - Ảnh 2.

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương…

Trong những ngày khó khăn, người Sài Gòn vẫn có thể mỉm cười khi thấy thành phố mình, sự quan tâm vẫn được hào phóng trao gửi, dù bằng cách này hay cách khác. Dăm ba khó khăn không cản được người Sài Gòn bớt thương nhau đi tí nào.

Không đếm được có bao nhiêu hàng quán tạm gác công việc của mình để tập trung cho những bữa cơm tình nguyện. Mỗi ngày, hàng trăm nghìn suất ăn thiện nguyện được chuẩn bị trên những bếp cơm đỏ lửa. Chị Ngô Mỹ Dung, chủ một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 - cho biết mỗi ngày nhóm của chị đều chuẩn bị 2.000 suất cơm cho người nghèo. Nhiều thật đấy, nghĩ mà thấy vất vả, nhưng nghĩ đến nếu mình không làm thì người nghèo lại thiếu cơm ăn thì ai cũng lại được tiếp thêm động lực. Ban đầu kế hoạch là nấu cơm cho 15 ngày giãn cách, nhưng giờ thành phố vẫn giãn cách tiếp nên lại… nấu tiếp. Đến bao giờ lệnh giãn cách gỡ bỏ thì thôi.

Khi nghe tin Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị phong tỏa vì có ca nhiễm, gia đình chị Nguyễn Phan Thanh Thảo cũng lên kế hoạch chuẩn bị 300 phần cơm mỗi ngày để gửi đến bệnh viện. Ngày nào cũng vậy, cả đại gia đình gồm ông bà, con cháu, người nhặt rau, ướp thịt, xào nấu,... quây quần để thổi cơm. "Lúc đầu chị cũng sợ, không biết bản thân có làm nổi không khi con còn quá nhỏ (2 tuổi), nhưng cứ nghĩ đến việc mình còn được ở nhà, trong khi các y bác sĩ vẫn gồng mình chống dịch tại các khu phong tỏa, cách ly, chị tự động viên bản thân mình cố gắng. Vả lại, mọi người trong nhà đều ủng hộ hết mình, ai cũng xắn tay áo vào phụ việc, hiếm lắm mới có dịp gia đình sum vầy như thế này." Chị Thảo tâm sự. "Bao giờ bệnh viện gỡ phong tỏa, cả nhà mới dừng… nấu cơm".

Cả thành phố, mỗi người một tay, người thổi cơm, người vận chuyển, thậm chí, ngay cả những người lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất như các tài xế/ xe ôm cũng không đứng ngoài cuộc. Hôm rồi trên Facebook, mọi người lan tỏa câu chuyện thật đẹp của một bạn tình nguyện viên có tên Ngọc Hà và một anh tài xế. Khi biết Ngọc Hà đang tình nguyện đến các điểm dịch để làm công tác hỗ trợ, anh tài xế đã không ngần ngại bày tỏ mong muốn được chở bạn tới các điểm dịch khi làm nhiệm vụ trong những lần tới. "Có gì ngại đâu em, do anh còn gia đình không đi được như tụi em thôi chứ anh muốn đi lắm. Coi như cho anh góp chút sức với mấy đứa để hỗ trợ nước mình mau qua dịch." Nghe mà ấm lòng gì đâu…

Sài Gòn vẫn luôn như thế, dù là khi phồn vinh hay lúc khó khăn trong đại dịch, Sài Gòn vẫn luôn hào phóng tình yêu thương và sự quan tâm đến tất cả mọi người, dù là ở Sài Gòn hay bất cứ đâu trên đất nước này.

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh - Ảnh 3.

Khi Bắc Giang oằn mình vì dịch lây lan và trở thành tâm dịch của cả nước, người ta nhớ mãi hình ảnh nụ cười rạng rỡ của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu khi đang cạo trọc mái đầu, chuẩn bị cùng đoàn y bác sĩ của Đại học Y dược TP.HCM lên đường chi viện cho Bắc Giang. Một nụ cười thật giản dị, một hành động rất… bình thường, nhưng nó trở thành một biểu tượng thật đẹp về sự ấm áp của đồng bào khi dấn thân vào nơi hiểm nguy để sát cánh đồng hành với đất nước.

Cũng trong những ngày Bắc Giang tăm tối nhất đó, Sài Gòn gửi đến Bắc Giang đội quân tinh nhuệ nhất của mình. 13 thành viên đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường ngay khi có lời kêu gọi. Nhóm y bác sĩ Đại học Y dược TP.HCM mang theo 6.000 khẩu trang, 2.000 bộ kit test nhanh SARS-CoV-2 làm quà.

Là một trong những đô thị phát triển nhất cả nước, Sài Gòn hào phóng đóng góp cho phong trào chống dịch không chỉ ở sức người, mà còn là vật chất. Để ủng hộ Quỹ Vaccine, tính đến ngày 1/7, doanh nghiệp và người dân Sài Gòn đã ủng hộ hơn 2.293,3 tỷ, và đóng góp thực tế hơn 270,7 tỷ đồng. Cũng tính đến 1/7, TP.HCM cũng đã gửi đến Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ Quỹ Vaccine với 500 tỷ đồng, hàng hóa và trang thiết bị trị giá hơn 122,2 tỷ đồng. Những doanh nghiệp giàu có không đứng ngoài cuộc khi đất nước kêu gọi, những tập đoàn lớn nhất không chỉ ủng hộ những con số khổng lồ, mà còn gửi kèm theo đó những vật tư thiết bị cần thiết như máy thở, phòng áp lực âm, máy lọc máu, xe cấp cứu… để hỗ trợ cho công cuộc phòng chống dịch ở các tỉnh thành.

Và giờ, là lúc để cả đất nước hướng về Sài Gòn

Với tất cả những tình cảm mến thương Sài Gòn đã dành cho đất nước, đây là lúc, cả đất nước sẽ hướng về Sài Gòn. Giống như cách cả đất nước đã cùng nhau hướng về Bắc Giang, về Đà Nẵng, về Hải Dương. Sài Gòn có mạnh mẽ và kiên cường đến đâu, thì lúc này, cũng hãy để cả đất nước cùng san sẻ.

Đồng Tháp gửi đến Sài Gòn khoai lang tím, Vĩnh Long gửi về rau củ và gạo, Long An, Đà Lạt cũng gửi về những thùng nông sản tươi ngon, Quảng Bình gửi nửa tấn cá nục tươi đã được làm sạch và 20.000 suất ăn… Toàn những thức quà quê hương đơn giản nhưng đong đầy yêu thương đến thế!

Rồi thì những khoản đóng góp vật chất nho nhỏ cũng được gửi về. Có nơi thì 500 triệu, có nơi lại 1 tỷ đồng, Hải Phòng, Đà Nẵng gửi 10 tỷ. Đồng bào ở Quảng Nam gửi 2 tỷ, Quảng Ngãi gửi 1 tỷ… Miền Trung nhớ lắm những ngày bão lũ, người Sài Gòn cũng hò nhau quyên góp, ủng hộ cho "khúc ruột" của đất nước. Lúc khó khăn này, Sài Gòn cũng là khúc ruột, cả nước cùng xót, cùng thương, nên cũng cùng "tổng chi viện" dù ít dù nhiều.

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh - Ảnh 4.

Rồi cả những đóng góp về nhân lực cũng thật đáng quý! 300 giảng viên, sinh viên Đại học Y Hải Dương vừa kết thúc nhiệm vụ ở Bắc Giang, đã lên máy bay tới thẳng Sài Gòn chi viện là một hình ảnh thật đẹp và đầy ắp tình yêu thương. Đâu đó, có một vài sai sót trong quá trình làm việc ban đầu, nhưng sẽ thật thiệt thòi nếu vì đó mà phủ nhận tình cảm yêu thương mà các tình nguyện viên dành tặng Sài Gòn. Các bạn đều còn rất trẻ, đều khát khao được đóng góp và cống hiến. Hơn hết, tất cả đều yêu và muốn đồng hành với Sài Gòn trong giai đoạn khó khăn nhất này. Chúng ta hãy đều mở lòng để đón nhận tình cảm ấy, gỡ bỏ đi những năng lượng giận dữ tiêu cực. Bởi hơn ai hết, ta đều hiểu rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, chỉ những việc tử tế và suy nghĩ tích cực mới có thể khiến bầu trời trở nên sáng trong. Và điều quan trọng nhất lúc này, là mong các em giữ sức khỏe và nguyên vẹn sự quyết tâm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ trong những ngày sắp tới, cùng đồng hành với các lực lượng khác để hỗ trợ Sài Gòn vượt qua thời điểm hiện tại. Sự đoàn kết và tinh thần san sẻ là điều quý giá nhất chúng ta có thể dành cho nhau, và khắp dọc đất nước vẫn đang gửi trọn vẹn những điều ấy về Sài Gòn, về "khúc ruột" yêu thương của mình.

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh - Ảnh 5.

Đầu đợt dịch thứ 4, khi Sài Gòn mới bước vào những ngày giãn cách đầu tiên, có một câu chuyện rất đẹp thế này. Ấy là ở quận 12, khi một tổ dân phố bị chăng dây phong tỏa, UBND đã gửi tặng 12 hộ dân trong đó, mỗi hộ một cây táo để trồng trong lúc giãn cách, chờ cây táo nở hoa. Nghe xong câu chuyện, thấy sao mà đúng là chỉ có ở Sài Gòn! Vừa tưng tửng, vừa đáng yêu, vừa lạc quan và mến thương đến thế. Lại nhớ đến câu thơ của Lưu Quang Vũ, thật là một câu thơ đẹp để chúng ta nhắc nhau về những điều tử tế vẫn đang âm thầm lan tỏa khắp thành phố này, dẫu là giữa trời nắng ấm hay mưa giông, giữa đời thường nhộn nhịp hay những ngày thật khó khăn:

Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa,

Tại sao cây táo lại nở hoa

Sao rãnh nước lại trong veo đến thế?

Sài Gòn đã luôn hào phóng tình yêu thương, và giờ là lúc để cả đất nước chìa vai cho Sài Gòn dựa vào khi trở bệnh - Ảnh 6.

Sài Gòn hãy cứ tin vào những cây táo nở hoa, hãy cứ mạnh mẽ kiên cường vượt qua cơn bão này. Khó khăn đến mấy, cả đất nước cũng sẽ cùng nhau trở thành bờ vai để Sài Gòn yên tâm dựa vào. Cơn ốm dù dài hay ngắn cũng sẽ qua đi, để lại một Sài Gòn nhộn nhịp, vui tươi và hào sảng như Sài Gòn vẫn luôn là, Sài Gòn nhé!

Diệp Anh/DNTT

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/sai-gon-da-luon-hao-phong-tinh-yeu-thuong-va-gio-la-luc-de-ca-dat-nuoc-chia-vai-cho-sai-gon-dua-vao-khi-tro-benh-a4156.html