7 lợi ích của việc giao tiếp bằng thức ăn.

Nhiều nhà khoa học chứng minh rằng, khi bạn cùng nhau thưởng thức một ly cà phê hoặc ăn cùng nhau một bữa ăn, sẽ khiến cho việc giao tiếp diễn ra dễ dàng hơn.

1. “Giữ lửa” cho tình yêu

Thức ăn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống lãng mạn của các cặp đôi, từ buổi hẹn đầu tiên, tiệc cưới, ngày cuối tuần cùng nhau nấu nướng hay bữa tối kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Chúng ta cũng thường giới thiệu “nửa kia” với gia đình, bạn bè thông qua các bữa ăn hoặc hẹn hò café.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các giai đoạn của một mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến cách một cặp đôi chọn thức ăn. Cụ thể, nữ giới sẽ bị ảnh hưởng bởi bạn trai trong giai đoạn đầu. Về sau, khi đã yêu lâu hoặc kết hôn, điều ngược lại sẽ xảy ra, nam giới có khả năng bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của người phụ nữ bên cạnh (theo nghiên cứu của Hasford & Kidwell năm 2017).

Thời gian dành cho nhau là một phần quan trọng của các mối quan hệ. Trên thực tế, nghiên cứu của Othner & Mancini năm 1990 đã cho thấy những cặp vợ chồng tham gia vào các hoạt động chung sẽ cảm thấy hài lòng hơn trong hôn nhân. Vì thế, không chỉ chọn ăn gì mà cách ta chuẩn bị bữa ăn cùng nhau cũng nên được chú ý để “giữ lửa” cảm xúc.

Thức ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trạng, môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho các mối quan hệ. Dù đó là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay người yêu, bạn hãy duy trì đều đặn các bữa ăn ấm cúng để lan tỏa tình yêu thương và sống hạnh phúc hơn.

huong-vi-va-chat-luong-cua-rose-wine-1625286311.jpg
Để tình yêu bạn thêm thú vị từ một bữa ăn

2. Chia sẻ bản sắc văn hóa

Thế giới ngày càng “phẳng” đồng nghĩa với nhiều cơ hội học tập, làm việc, giao lưu với bạn bè từ mọi vùng miền trên cả nước hay thế giới. Và cách dễ dàng nhất để chia sẻ đặc sắc văn hóa của từng khu vực là thông qua ẩm thực với các món ngon hay thức uống là “quốc hồn, quốc túy”. Bởi ẩm thực không những để no bụng mà còn giúp kết nối con người.

Bạn có thể mời đồng nghiệp từ Sài Gòn thưởng thức đặc sản xứ Quảng cùng gia đình mình trong một chuyến công tác, hoặc bạn có thể tổ chức một bữa tiệc nhỏ với đồng nghiệp người nước ngoài tại công ty, mỗi người chuẩn bị một món ăn đại diện cho đất nước mình. Đó có thể là món Pad Thai “tưởng lạ mà quen” từ xứ sở chùa vàng hay Churros – món tráng miệng “ngon nức nở” từ người bạn Mexico.

3. Duy trì tính kết nối

Sau một ngày làm việc căng thẳng, buổi tối là lúc dành thời gian cho gia đình. Và, không có hoạt động nào giúp gắn kết các thành viên tốt hơn việc cả nhà quây quần dùng bữa tối. Đó là khi mọi thành viên có cơ hội trò truyện, cập nhật tình hình công việc, cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn. Đây cũng là khoảnh khắc khiến mọi người thoải mái, dễ mở lòng hơn. Từ đó, các thành viên gia đình có cơ hội để lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ hay hỗ trợ nhau kịp thời.

Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng người thường xuyên dùng bữa cùng gia đình sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. Một nghiên cứu khác được thực hiện gần đây tại Anh cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng trẻ em béo phì với việc ít được dùng bữa cùng gia đình. Vì thế, để duy trì sợi dây liên kết bền chặt và nâng cao sức khỏe, hãy ăn tối cùng với những người thân yêu càng nhiều càng tốt.

r-24-1625286346.jfif
Kết nối mọi thành viên lại với nhau

4. Truyền tải thói quen ăn uống

Mỗi cộng đồng hay mỗi gia đình đều có thói quen ăn uống lẫn quy tắc ứng xử trên bàn ăn khác nhau. Thói quen ăn uống khác biệt là một vấn đề nhạy cảm vì nó có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến các mối quan hệ. Nhiều người thường nhận định về người khác thông qua cách họ dùng bữa hoặc thưởng thức đồ uống.

Trong đó, cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các thói quen ăn uống lành mạnh lẫn cách cư xử phù hợp của trẻ trên bàn ăn như cách sử dụng muỗng đũa, không vừa nhai vừa nói chuyện hay để thừa thức ăn. Những quy tắc này thường được giải thích hoặc thị phạm thông qua các bữa ăn hằng ngày trong gia đình.

Bên cạnh đó, ba mẹ và con cái còn có thể gắn kết với nhau qua quá trình nấu nướng. Bạn có thể học được “bí kíp” ướp thịt “thần sầu” của mẹ hay cách nướng thịt không bao giờ cháy khét của ba. Các thành viên gia đình và bạn bè còn có thể chia sẻ công thức nấu ăn hay phong cách sống lành mạnh cho nhau. Trong trường hợp này, thức ăn đã phát huy lợi ích ảnh hưởng của nó khi trở thành trung tâm và giúp mọi người sát lại gần nhau hơn.

5. Bảo tồn truyền thống, lịch sử

Thông qua ẩm thực, mọi người ở nhiều thế hệ, từ người lớn tuổi, thanh thiếu niên đến trẻ em đều có cơ hội kết nối với nhau. Thông thường, đây là những nhóm người không có nhiều thời gian liên kết với nhau bởi những khác biệt về tuổi tác, suy nghĩ và lối sống. Vậy nên trong những buổi tiệc nhóm hoặc liên hoan gia đình, ẩm thực sẽ là cầu nối đưa chuyện để những người trẻ tuổi hơn được gắn kết với người lớn về khía cạnh mang tính truyền thống, lịch sử. Trong khi đó thì người lớn tuổi lại chia sẻ, giáo dục cho người trẻ về ý nghĩa của việc tiếp nối, duy trì hay kế thừa những truyền thống tốt đẹp.

Xã hội nào cũng có nhiều kỳ vọng về cách thức con người đối đãi và cư xử với nhau trong các mối quan hệ. Nếu không có sự kết nối gần gũi giữa các thế hệ thì nền văn hóa của xã hội đó, ý thức về cội nguồn và bản thể cá nhân sẽ dần mai một. Việc hiểu biết về lịch sử là điều cần thiết để thiết lập và gắn kết các mối quan hệ xã hội. Chính các bữa tiệc, bữa ăn là một cách thức tuyệt vời để tạo ra không gian thích hợp luận bàn về những giá trị quan trọng này.

6. Củng cố mối quan hệ

Cách đơn giản nhất để dành thời gian cho gia đình, bạn bè hay hàng xóm là dùng bữa cùng họ. Đó là một dịp tốt để củng cố các mối quan hệ. Trong một xã hội bận rộn, duy trì thói quen dùng bữa với gia đình vào cuối tuần hoặc ăn tối với nhóm bạn thân ít nhất một lần trong tháng là việc làm quan trọng giúp “giữ lửa” các mối quan hệ.

Nếu bạn không có nhiều thời gian để ăn trưa, ăn tối thì một buổi cà phê sáng hay trà chiều có thể là sự thay thế hiệu quả. Trong phong cách sống Lagom của người Thụy Điển, khái niệm Fika dùng để chỉ “giờ giải lao bên tách cà phê và những chiếc bánh”. Mỗi ngày, người Thụy Điển thường dành một khoảng thời gian nhỏ cho Fika để cùng uống cà phê, ăn bánh quế vòng và tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp. Bạn cũng có thể áp dụng cách thức này để phá vỡ rào cản, lan tỏa năng lượng và duy trì các mối quan hệ.

7. Giải quyết công việc hiệu quả

Thức ăn không chỉ có lợi ích giúp cơ thể nạp lại năng lượng mà việc dùng bữa cùng nhau còn là cơ hội giúp bạn trao đổi công việc hiệu quả với đồng nghiệp, khách hàng hay đối tác. Đây là cách thay đổi môi trường cũng như tạo không khí thoải mái, nhẹ nhàng để thảo luận, đàm phán các vấn đề căng thẳng trong việc kinh doanh.

Khác với các cuộc họp được chuẩn bị cẩn thận trong văn phòng, một buổi ăn trưa hay café bên ngoài tạo ra được môi trường thư giãn, không áp lực nên dễ mang đến sự trao đổi sôi nổi, hiệu quả. Giờ ăn trưa cho bạn cơ hội giải phóng bản thân, giảm căng thẳng, thúc đẩy giao tiếp và khả năng gắn kết đội nhóm. Văn hóa “cùng ăn” là một phần của quá trình thương lượng giữa các đối tác. Tại Nga, Nhật Bản hay Mỹ, nhiều cuộc đàm phán kinh doanh quan trọng được tiến hành trong khi ăn uống.

Hoàng Trường (t/h)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/7-loi-ich-cua-viec-giao-tiep-bang-thuc-an-a3921.html