1. Không bỏ phổi trong thịt gà
Các bộ phận thuộc hệ hô hấp của gà là nơi chứa đựng rất nhiều các chất độc và các vi khuẩn gây bệnh khác nhau, đặc biệt là phổi gà. Đây là bộ phận rất dễ có các ký sinh trùng sinh sống như giun sán, vi khuẩn kháng nhiệt, ưa nhiệt,… Dù được nấu ở nhiệt độ cao, cũng khó mà giết hết được lượng vi khuẩn có trong vị trí này. Do đó, cần tuyệt đối không ăn phổi gà. Những bộ phận khác của nội tạng nếu ăn phải làm sạch và chế biến kĩ.
2. Chế biến ngay sau khi lấy từ trong tủ lạnh ra
Nhiều người thường có thói quen lấy thịt gà từ trong tủ ra, rửa qua với nước và đem cho vào nồi luộc luôn.
Cách chế biến vội vã như vậy sẽ làm cho miếng thịt còn lạnh khi đặt lên bếp. Kết quả “trăm lần như một”, sẽ là miếng thịt chín đẹp bên ngoài nhưng còn sống, chảy nước đỏ bên trong. Việc ăn thịt gà còn sống là không tốt chút nào!
3. Rửa thịt gà không đúng cách
Hầu hết các bà nội trợ thường có thói quen rửa thịt gà trước khi nấu. Khi làm sạch gà, chị em thường vặn vòi nước chảy thật to, thật mạnh. Tuy nhiên vô tình chúng ta sẽ khiến vi khuẩn lây lan ra xung quanh: tay, bếp nấu, quần áo, bồn nước và các dụng cụ nấu bếp…
Trên gà thường có vi khuẩn Campylobacter – vi khuẩn gây ra các ca ngộ độc thực phẩm gồm: Tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt mỏi… Chúng cũng có thể gây chết người, đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới năm tuổi và người già.
Vi khuẩn trên thịt gà chỉ bị chết do nấu chín chứ không phải do rửa. Chính vì vậy chị em khi làm gà cần rửa nhẹ nhàng thịt trong 1 chiếc chậu. Sau đó dùng nước nóng tráng xung quanh chậu vài lần. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến tiếp.
4. Thả trực tiếp vào nước để rã đông hoặc để ở nhiệt độ phòng
Nhiều chị em hay có thói quen, dùng thịt gà vào bữa tối nhưng lại lấy thịt từ tủ đá ra rã đông bằng cách thả vào trong chậu để thịt mềm dần. Hoặc cũng có chị em lại lấy thịt ra và để ở nhiệt độ phòng. Thói quen này cần bỏ ngay!
Bởi nhiệt độ phòng hầu như luôn nằm trong khoảng điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi (từ khoảng 5-40 độ C). Vi khuẩn còn bắt đầu nhân đôi sau 20 phút. Việc rã đông thụ động miếng thịt (hay cả con gà) trong nhiều tiếng đồng hồ như vậy là quá đủ thời gian để vi khuẩn salmonella (gây ngộ độc, tiêu chảy…) và các loại vi khuẩn gây hại khác sinh sôi nảy nở, làm hại sức khỏe gia đình bạn.
Cách rã đông an toàn là chủ động để thịt từ ngăn đá sang ngăn mát tủ lạnh từ sớm, hoặc cho thịt vào túi kín và ngâm trong nước, thịt sẽ rã đông tốt hơn, nhanh hơn, giảm thiểu nguy cơ gây hại.
Hoàng Trường (t/h)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/neu-che-bien-thit-ga-theo-cach-nay-ban-se-de-bi-ngo-doc-a3892.html