“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Từ nhỏ ngay khi còn là những cô cậu học trò cấp sách đến trường, ai chúng ta cũng từng được thầy cô dạy dỗ như câu ca dao, những bài vè về công cha nghĩa mẹ. Thật sự, nếu chỉ dùng những câu ca dao hay những bài hát làm sao nói lên được những sự hi sinh to lớn của đấng sinh thành. Họ là những người cao quý nhất mà cả đời này chúng ta phải tôn thờ, vì không ai có ơn lớn với ta như là cha mẹ.
Các bạn chắc lẽ không biết được ngày mà chúng ta cất tiếng khóc chào đời ba mẹ vui sướng đến mức nào đâu. Họ ẩm bế trên tay đứa con còn đỏ hỏn mà miệng thì cười tíu ta tíu tít. Mặc cho cơn đau của mẹ có đau đớn đến mấy, cực khổ ra làm sao, nhưng nhìn thấy hài nhi của mình bình an vô sự là mẹ yên lòng. Để sinh chúng ta ra trên cõi đời này, có lẽ người đau đớn nhất chính là mẹ. Chịu mang thai chín tháng mười ngày, đối mặt với hàng ngàn sự vật vả về cả thể chất lẫn tinh thần. Để rồi đến lúc lâm bồn phải đối mặt với cả sự sống và cái chết, nhưng mẹ vẫn kiến quyết bảo vệ và sinh con ra. Chẳng biết lý do gì mà một người phụ nữ như mẹ, lại có thể chịu được những đau đớn ấy?
Nếu như ai trong chúng ta đã từng đọc câu chuyện “người mẹ một mắt” sẽ cảm nhận được rằng mẹ thương yêu chúng ta như thế nào. Chuyện kể rằng ngày ấy có một cậu bé con nhà nghèo, sinh sống cùng với một người mẹ mù một mắt trong một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cậu căm ghét mẹ mình lắm, vì chính mẹ là nguyên nhân khiến cho cậu bị mọi người chọc ghẹo rằng có bà mẹ mù một mắt. Sống trong cảnh thiếu thốn tình thương của cha, lẫn sự khó khăn của gia đình, cậu quyết tâm học cho thật giỏi để trở thành một người thành đạt. Rồi ngày vui ấy cũng đến, cậu trở thành cha và là một người giàu có, cậu đã bỏ quên đi người mẹ một mắt của mình mà không hề có một sự thương tiếc. Và cho đến khi cậu trở về lại ngôi nhà năm ấy, đọc bức thư mà mẹ mình để lại, cậu chỉ quỳ xuống và nói rằng “con xin lỗi mẹ”. Trong bức thư ấy mẹ cậu viết:
“…mẹ xin lỗi vì mẹ chỉ có một mắt, có lẽ mẹ đã làm con thấy hổ thẹn với bạn bè.
Con biết không, hồi còn rất nhỏ, con bị tai nạn và vĩnh viễn mất đi một bên mắt của mình. Mẹ không thể đứng nhìn con lớn lên với khiếm khuyết trên khuôn mặt đáng yêu, vì vậy mẹ đã tặng nó cho con.
Mẹ rất tự hào, vì con trai của mẹ có thể nhìn trọn thế giới mới có một phần của mẹ ở đó, mẹ chưa bao giờ buồn vì con hay bất cứ điều gì con đã làm….”
Buồn thay cho người con ấy, đứng trước sự hi sinh cao cả của người mẹ, nhưng không hề biết quý trọng để rồi khi mẹ nhắm mắt lìa xa cõi đời này thì mọi thứ đã muộn. Bông hồng đỏ từ nay hóa trắng, con biết con mất mẹ là mất cả bầu trời. Những ngày tháng còn có mẹ, có cha là những điều tuyệt vời nhất, bởi họ là những người cho chúng ta, nhưng chưa bao giờ biết nhận lại bất cứ một thứ gì dù là rất nhỏ.
Còn nhớ khi còn nhỏ, cứ hễ ba đi làm chiều về là chạy ra đón, rồi cười nói ríu rít. Ấy vậy mà càng lớn con lại càng xa cách ba. Con quên rồi, cái ngày mà con còn nhỏ, hễ còn đòi cái gì, là ba cũng ráng làm để lo cho con. Mà ngày đó con đâu có biết được ba phải chạy xe ôm hết cả những con đường trên mảnh đất Sài Gòn này để nuôi cho con ăn học. Khi con bệnh ba còn lo lắng gấp trăm gấp ngàn lần như mũi ong chít, nguyện có thể đau thay dùm con.
Vào tháng 11/2014, đã có rất nhiều người Trung Quốc kinh ngạc khi nhìn thấy một ông bố mặt trên mình một chiếc áo trắng có dòng chữ "Bao cát thịt người, giá 10 tệ 1 cú đấm" (10 tệ là gần 35.000 đồng). Bên cạnh anh là những giấy chứng nhận vì bệnh tình của người con đang mắc căn bệnh máu trắng quái ác. Nhìn thấy con mình đang đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, anh không biết làm gì để cứu con mình nữa. Anh đã bán hết những thứ có thể bán và chẳng còn gì nữa. Cuối cùng anh đành phải lấy thân mình ra để làm bao cát mong sau có thể có tiền chữa trị cho con trai. Nhìn những hình ảnh ấy, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều phải xót thương. Bởi vì, sự sống cho người con của mình mà cha mẹ sẵn sàng chịu đau để có tiền chữa trị cho người con tội nghiệp…
Nói chi loài người chúng ta, loài vật còn biết hi sinh cho đàn con của mình. Nếu chúng ta còn nhớ ngày ấy, khi còn là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng được nghe cậu chuyện “người đi săn và con vượn”. Khi gã thợ săn đưa nòng súng lên và bắn chết đi con vượn mẹ trong gang tất. Mặc dù rất đau đớn trước nhát súng của gã thợ săn. Nhưng vượn mẹ vẫn cố gắng hết sức vắt lấy những dòng sữa cuối cùng của mình để lên chiếc lá dành cho đứa con của mình, không bị đói sữa. Chứng kiến trước những điều ấy, làm cho chúng ta thấy được tình mẫu tử thiên liêng đến chừng nào. Mặc dù cận kề cái chết nhưng vẫn hết mình lo cho đứa con của mình được no đủ.
Nhưng cha mẹ cũng đôi khi hay nói dối chúng ta. Những câu nói dối ấy cứ hằng ngày được lặp đi lặp lại “ba no rồi”, “mẹ ăn rồi”. Rồi ỷ y trước những lời nói dối ấy mà chúng ta không hề biết ba mẹ của chúng ta đang hi sinh một cách thầm lặng mà không thề than van. Và chính những lời nói dối ấy dần dần khiến sức khỏe của ba mẹ chúng ta dần hao mòn theo tháng năm, mà ta vô tâm đâu hay biết điều gì.
Ngày còn bé, mỗi lúc ham chơi bị mẹ đánh đòn thật đâu và nhớ mãi, để rồi nhìn thấy cây roi của mẹ là sợ bị ăn đòn. Nhưng càng lớn thì càng muốn mẹ đánh đòn nhiều hơn, nhìn thấy mẹ đánh đau nghĩa là sức khỏe mẹ còn khỏe còn mạnh. Để khi cây roi ấy đánh không còn đau nữa, con biết mẹ đã yếu lắm rồi.
Rồi mỗi mùa xuân sang, tuổi mẹ lại già thêm đi một tuổi, tóc mẹ ngày càng trở nên trắng xóa, nhưng tóc con thì vẫn con xanh và mẹ rời xa con mãi mãi.
“Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất
Từ nay tôi hết thấy
Trên trán mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng mẹ lại la
Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ tôi không thấy
Khi buồn biết trốn đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời”
Bầu trời năm ấy, nay đã mất đi ánh nắng soi chiếu con đường của con. Những bước đi của con giờ đã không còn có mẹ, không còn mỗi lúc thấy bộn bề lo toan là trở về trong vòng tay của mẹ của ba, được yêu thương dỗ dành trong những lúc đi học về xa. Rồi trong những sớm hôm chiều của những ngày hội vu lan, trên ngực con chẳng con là bông hồng đỏ thắm mà thay vào màu trắng tựa như nước mắt biển đông.
(Nguồn: tổng hợp)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/ban-hieu-duoc-cha-me-minh-bao-nhieu-phan-a3884.html