Nghề báo đến như một duyên lành cuộc đời mà tôi đã nặng nợ!

Từ chuyện học, đến chuyện nghề, và nay là con đường tu tập như một duyên lành cuộc đời. Nhưng trong tôi, dù ở đâu, làm gì thì “nghiệp” nghề báo vẫn luôn đi theo. Khi đã trở về “ở ẩn”, công việc phụng sự Phật pháp cũng thêm lần nữa bén duyên với nghề báo…

img-1493-1624186210.jpg
Công việc một phát thanh viên tại ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Long An. Ảnh: NVCC

Tôi bén duyên với “nghề báo” đến nay đã gần 10 năm. Không giống như những bạn làm nghề khác, “nghề báo” đến với tôi khá tình cờ. Năm 2013, khi thấy trên đài truyền hình tuyển phát thanh viên, tôi đã nộp đơn ứng tuyển, thế là đậu và đi làm. Một người cầm bằng kế toán chả dính dán gì về việc viết lách và cũng không chuyên nên những ngày đầy vào nghề, tôi phải cố gắng rất nhiều để bắt nhịp cùng người khác. Bản thân tôi phải luyện tập hết công suất, từ việc đọc thật nhiều, viết thật nhiều, lên hình thử cho đến việc phải tập đọc như những em bé mới học mẫu giáo, đánh vần từng con chữ “ê”, “a” , cốt để chỉnh lại lỗi phát âm đặc sệt âm điệu của người miền Tây.

...

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình được xuất hiện chính thức trên bản tin truyền hình, dù đây chỉ là một phần khá nhỏ chưa đến 30 giây. Lúc đó vào dịp lễ 30 tháng 4 nên đa số mọi người đều bận và từ chối, nên cuối cùng một đứa tay ngang như tôi lại được chọn. Đó là một phóng sự được quay trong chùa, trùng hợp thay đây lại là ngôi chùa mà tôi hay ghé thăm lúc còn đi học. Cứ mỗi dịp rằm hay lễ, nhóm học sinh nghèo của chúng tôi lúc bấy giờ lại ghé chùa để ăn bữa cơm chay, không tốn tiền mà lại no bụng. Nhưng ngày hôm đó, tôi đến chùa để thực hiện một phóng sự về “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

img-1491-1624185633.jpg
Những hình ảnh trên chương trình thời sự đài truyền hình thời mới vào nghề. Ảnh: T.L

Sau phóng sự đó, hình ảnh tôi được xuất hiện nhiều hơn trên sóng truyền hình địa phương.  Lịch làm việc của tôi trở nên dày đặc, có khi trải dài từ 4 giờ sáng đến hơn 11 giờ đêm, thậm chí chẳng có nhiều thời gian cho gia đình và người thân. Cuộc sống của một người trẻ thăng tiến quá nhanh, khiến tôi “đắm chìm trong chiến thắng” lúc nào không hay.

Ngoài giờ làm, những buổi vui chơi thâu đêm suốt sáng diễn ra khá thường xuyên. Sức khỏe là một điều mà tôi không còn trân trọng nữa. Cũng vì thế, trong một lần công tác, tôi đã ngất xĩu. Cứ ngỡ chỉ là những bệnh thông thường, nhưng kết quả chuẩn đoán của bác sĩ lại là một cú sốc đối với tôi, đột quỵ não ở người trẻ. Điều đó có nghĩa, tôi có thể chết bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Giữa lúc rối ren giữa sống và chết, tôi vô tình đọc được một thông tin về “khóa tu mùa hè” tại một ngôi chùa ở tỉnh Vĩnh Long. Tôi viết đơn nghỉ phép, gác lại mọi công việc, đăng ký tham gia vì vừa muốn có thời gian nghỉ ngơi, vừa muốn thay đổi môi trường sống, mong bệnh tình sẽ chuyển biến khá hơn.

Cuộc sống ở chùa thú vị hơn tôi tưởng, các bạn trẻ học sinh sinh viên đủ lứa tuổi chúng tôi được ăn chung, ngủ chung cùng nhau, cùng sinh hoạt, cùng học tập về Phật pháp, và còn tụng Kinh nữa, đó cũng là lần đầu mà tôi tụng Kinh.

Vì bản tính vốn là một người làm báo, hay tò mò, tôi có hỏi sư phụ trụ trì lý do tổ chức khóa tu nhưng lại chả thu phí thì thầy có lỗ vốn không? Lúc ấy tôi nhớ như in, thầy cười lớn, rồi đáp: “Tất nhiên là lỗ rồi con, tiền ăn, tiền sinh hoạt,… đủ thứ tiền, nhưng thầy cũng lời được cái là gieo duyên cho tụi con ăn chay, tụi con học Phật, tránh ác làm thiện mấy ngày nay, là thầy lời lắm rồi”.

Lúc đó, tôi chuyển từ mến mộ sang ngưỡng mộ. Lý tưởng người tu thật đẹp, họ có thể bỏ hạnh phúc đời thường của bản thân, bỏ tham dục, bỏ sân si, bỏ ái ố,… để làm những việc mà những trái tim bình thường như mình không thể nào làm được hay chí ít là nghĩ tới. Để rồi sau đó tôi đi đến một quyết định, cũng là bước ngoặt trong cuộc đời tôi - đi tu.

img-1492-2-1624185633.jpg
Những công việc thường nhật của tôi ở ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Long An. Ảnh: NVCC

Đồng nghiệp, bạn bè, ngỡ ngàng, ngơ ngác, ba mẹ, người thân cứ ngỡ tôi đùa, nhưng không, đó là sự thật. Tôi ý thức được rằng “Mỗi người chỉ sống một lần trong đời”, nên tôi sẽ chọn cách sống của riêng tôi.

Sau thời gian tìm hiểu, tôi quyết định ra Bắc và bắt đầu hành trình mới của mình. Tại đây, tôi học cách làm quen với chuông mỏ, kinh kệ, những oai nghi tế hạnh mà một người tu sĩ cần có, những điều cơ bản từ cách đi đứng nằm ngồi. Trong những năm tháng tu hành đó tôi đã sửa chữa bản thân rất nhiều, cả hình thức lẫn tâm hồn.

Hai năm trở lại đây, tôi trở về miền Nam và gắn bó với mảnh đất Long An đến giờ. Cũng giống như những anh em tu sĩ khác, ngoài những thời khóa tu tập, tôi lập quỹ từ thiện, những hoạt động cộng đồng, để chia sẻ những khó khăn cho bà con quê mình. Có hôm kinh phí nhiều thì phần quà lớn có gạo, có mỳ,… thậm chí có tiền nữa. Còn có hôm ít tiền thì số lượng người nhận được phải giảm lại, phần quà cũng giảm theo, có khi chỉ là những nhu yếu phẩm bình thường như đường, sữa,… Ấy thế mà bà con cũng mừng lắm, mình cũng mừng vì chia sẻ được phần nào khó khăn với bà con. Dân quê là vậy đó, chất phác thật thà.

img-1494-1624185633.jpg
Trên con đường chánh niệm tu tập, tôi vẫn sống với nghề báo một thời. Ảnh: NVCC

Có lẽ tính tôi vậy nên “tổ nghề” báo vẫn còn thương, đã sắp đặt cho tôi một cơ duyên. Khi một phóng sự của GHPGVN (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) tỉnh Long An cần một người đọc thuyết minh và tôi đã được chọn.  Từ phóng sự đó, tôi lại được luân chuyển và tiếp tục công tác tại GHPGVN tỉnh Long An trong lĩnh vực Thông tin Truyền thông. Tôi vừa viết, vừa quay, vừa dựng và cũng kiêm luôn đọc thuyết minh; tuy công việc hơi cực nhưng nó đảm bảo tôi vui vì được sống với sở thích và đam mê mình từng theo đuổi, ước mơ trước đây.

Nên với tôi, dù là theo con đường chánh niệm tu tập, hay gánh nặng mưu sinh của hào nhoáng tức thời thì nghề và nghiệp đã bám víu tôi phụng sự cuộc đời. Đó như niềm vui, lẽ sống mà tôi luôn tâm niệm…

Bổn Đăng (Chùa Hưng Long)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nghe-bao-den-nhu-mot-duyen-lanh-cuoc-doi-ma-toi-da-nang-no-a3807.html