Chuyện trò, chia sẻ cảm xúc cùng với người già
Qua giao tiếp, người già có cơ hội được ôn lại chuyện xưa, được truyền tải thông tin, được gửi trao cảm xúc. Việc được con cái nói chuyện, lắng nghe, chia sẻ cùng mình chính là niềm an ủi, là “liều thuốc tinh thần” giúp người già sống vui vẻ, hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc dành cho bố mẹ những câu nói động viên, trao gửi tình cảm như bố mẹ tuyệt vời quá, con yêu bố mẹ,… cũng là điều hết sức cần thiết. Vì lẽ đó, chúng ta hãy thường xuyên chuyện trò, chia sẻ cảm xúc cùng với bố mẹ.
Chăm sóc người già khi họ bị bệnh hoặc đau nhức
Nhiều ông bố bà mẹ khi còn trẻ vẫn thường nói “sinh con ra, nuôi con lớn chứ không mong gì con nuôi lại mình vì bản thân có thể tự lo liệu được”. Nhưng thực tế cho thấy, khi “tuổi xế chiều”, tâm lý chung của những người làm cha làm mẹ nào cũng mong cầu con cái sẽ bên cạnh chăm lo cho mình.
Người già thường gắn liền với quá trình lão hóa nên sức chống đỡ và sự chịu đựng của cơ thể kém đi rất nhiều trước những tác nhân bên ngoài và bên trong cơ thể. Điều dễ thấy ở người già là khi tuổi cao, sức khỏe suy giảm các bệnh dễ mắc của người cao tuổi và chứng đau nhức bắt đầu xuất hiện. Cho nên chúng ta cần làm là lắng nghe cha mẹ mình phàn nàn về bệnh hay chứng đau nhức và có thể xoa bóp tay chân, mát xa chỗ đau giúp họ.
Bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể gọi điện thăm hỏi, về nhà bố mẹ theo dõi bệnh tình hay trực tiếp chăm sóc. Con làm được điều này cho cha mẹ, người già sẽ cảm thấy được đền đáp, không bị con cái bỏ rơi vì cả cuộc đời của họ vất vả hy sinh nuôi dạy con khôn lớn, dành cho con những gì tốt đẹp nhất cuối đời được con cái chăm lo. Không những vậy, họ sẽ cảm thấy ấm lòng vì con luôn bên cạnh những lúc cần và hạnh phúc khi con hiếu thảo với mình.
Thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của họ
Về già các mối quan hệ xã hội của bố mẹ dần bị thu hẹp. Khi người ta càng có tuổi, năm tháng còn lại của cuộc đời ngắn ngủi dần làm nhiều người già sống trong im lặng, trầm uất… Để cha mẹ cảm thấy không cô đơn mà bù lại cảm thấy thoải mái về mặt tâm lý, chúng ta cần một chút tinh ý.
Thật sự bố mẹ không cần con cái luôn lúc nào cũng bên cạnh và dành cho mình những gì to tát mà điều họ cần chỉ là đứa con cùng họ xem phim, cùng bàn luận về câu chuyện hay vấn đề họ quan tâm. Có khi họ chỉ cần con cái hỏi muốn ăn gì không, cần mua gì không hay có cần đưa bố mẹ đi gặp bạn bè, người thân nào không. Nhiêu đó thôi với bố mẹ cũng đã đủ.
Bên cạnh đó, những ngày Lễ, Tết hay dịp kỷ niệm, con cái bằng cách này hay cách khác có thể gửi lời chúc, lời thăm hỏi hay tề tựu, quây quần tổ chức gì đó dành tặng bố mẹ. Những dịp thế này là cơ hội để người già được ôn lại tích xưa chuyện cũ, để bố mẹ cảm nhận được sự yêu thương, niềm hạnh phúc bên cạnh các con.
Kiên nhẫn lắng nghe và ghi nhận những gì người già nói
Tâm lý con người có những biến đổi nhất định theo lứa tuổi, về già con người ta thường xuất hiện các biểu hiện như hay cau có, gắt gỏng, khó chịu. Để làm hài lòng bố mẹ khi họ già là một việc không hề đơn giản đòi hỏi chúng ta tập cho mình tính kiên nhẫn. Chúng ta dần tập cho mình thói quen chấp nhận sự khó chịu nhất định do tuổi già đem lại và hãy nghĩ rằng “rồi mình về già sẽ cũng giống bố mẹ”.
Người già thường có tâm lý hoài cổ, thích nói chuyện về gia đình, cuộc sống và có khi một vấn đề hay một chuyện nào đó được họ hay lặp đi lặp lại nhiều lần. Thực tế có nhiều người chê bai bố mẹ cổ hủ, già lẩm cẩm. Bạn đâu biết khi người già họ nghe như vậy rất dễ mủi lòng, dễ buồn, có khi suy nghĩ lung tung. Tuyệt đối không nên cắt ngang hay chê bai bố mẹ một cách thẳng thừng. Thay vào đó, chịu khó lắng nghe, tham gia câu chuyện và tương tác một cách khéo léo
Để người già tham gia vào các hoạt động tổ chức cuộc sống gia đình
Tuổi già được sống dưới mái ấm gia đình cùng con cháu, họ sẽ cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc. Thế mới nói, gia đình là nơi dưỡng lão tốt nhất dành cho người già. Chúng ta hãy tạo điều kiện cho bố mẹ lựa chọn những công việc trong gia đình mà họ có thể giúp trong khả năng cho phép. Khi bố mẹ được tham gia vào các hoạt động tổ chức cuộc sống gia đình như được con cháu xin lời khuyên, hỏi ý kiến, dạy bảo con cháu,… họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, mình có giá trị. Bởi nhiều khi sự an nhàn cũng không tốt cho sức khỏe người già.
Tạo không gian sống thoải mái, lành mạnh cho người già
Người già họ rất ngại tiếp xúc với những nơi ồn ào náo nhiệt hay tiếng ồn. Mọi tiếng ồn đều làm cho người già cảm thấy khó chịu, bực bội và có khi mất ngủ. Người già rất cần không gian sống yên tĩnh nên các con chú ý trong gia đình bớt to tiếng, giảm thiểu mọi tiếng ồn từ nhạc, từ tivi,... có thể. Liều thuốc tinh thần tốt đối với người già chính sự hòa thuận của các thành viên trong gia đình.
Hạn chế và cẩn trọng khi đề cập với người già về cái chết
Trước những biến đổi về thể lý ở giai đoạn “gần đất xa trời”, sức khỏe như “ngọn đèn trước gió”, người già có tâm lý sợ hãi cái chết. Vì lẽ đó, chúng ta cần hạn chế đề cập với bố mẹ về cái chết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều người con hỏi bố mẹ “ba/má sợ chết không?”, “ba/má chết chôn hay thiêu?”,… Có những người già họ thật sự thoải mái chia sẻ cùng con cái về suy nghĩ của mình nhưng cũng không ít người phản ứng. Cho nên, chúng ta phải có bước đệm dò xét, cẩn trọng khi đề cập đến cái chết.
Hoàng Trường (t/h)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nhung-dieu-con-cai-can-lam-voi-cha-me-khi-con-co-the-a3803.html