"Gác” phấn nghiên đến với nghề báo!

Với ai không biết nhưng với tôi, con đường viết lách đến với tôi bằng cái duyên trời định. Đó là khát khao được đem ngòi bút của mình làm nhịp cầu kết nối những trái tim trong vòng tay nhân ái giữa cộng đồng. Từ đó, nghề viết bám rễ trong tôi như một cái nghiệp mưu sinh giữa vòng quay cuộc đời.

49871148dc4728197156-1623998747.jpg
Tôi đã nghỉ đi dạy học để đến với nghề báo.

Thời đại học, tôi vẫn mãi nhớ như in lời của một người cô, và về sau trở thành thái độ sống của bản thân khi nhìn nhận về xã hội. Cô nhắn: “Mỗi người sinh ra ai cũng có một sự lựa chọn riêng cho mình con đường đi. Có người bước đi bằng phẳng, không bị rào cản ngăn lối. Cũng có người thường xuyên gặp những khó khăn, lắm thác ghềnh. Nhưng thành hay bại là ở nghị lực và sức sống bền bỉ. Có vấp ngã mới thấm thía giá trị của ngày thành công. Hãy cứ bước cứ đi dẫu chỉ là mong manh, không nên gục ngã, đầu hàng. Đó mới là thành công!”.

Tốt nghiệp đại học, tôi bước vào nghề sư phạm trong sự ngượng nghịu của một người thầy giáo trẻ. Đồng lương “ba cọc ba đồng” của một giáo viên hợp đồng chẳng thấm vào đâu để có thể tự điều chỉnh mọi mối quan hệ xung quanh. Những ngày đầu đi dạy, lúc má tôi còn sống, hễ đến cuối tháng là tôi lại ngửa tay vào lòng má để xin vài đồng tiền lẻ đổ xăng đến trường mỗi ngày. Nhưng cũng chỉ cầm cự có 3 tháng, má đột ngột qua đời sau 12 năm vật vã trên giường bệnh. Niềm hy vọng, chỗ dựa tinh thần bỗng vụt tắt, tôi cảm thấy chông chênh giữa dòng đời. Và cũng mãi 3 tháng sau nữa, tôi mới có thể bình tâm để bắt nhịp lại cuộc sống. Rồi sau những giờ đi dạy, tôi dành thời gian đi đến những vùng sâu, vùng xa, có cơ hội tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh.

Những lúc nhìn đám trẻ không cha, không mẹ, không miếng cơm manh áo tươm tất qua ngày, tôi lại thấy mình may mắn hơn rất nhiều người và tự nhủ với lòng mình là phải cố sống sao cho tốt, cho tử tế. Nhưng càng đi, càng tiếp xúc, càng gặp gỡ với nhiều mảnh đời bất hạnh, tôi lại càng xót xa khi tận mắt nhìn thấy những phận đời kém may mắn ngày đêm phải sống leo lắt trong những căn nhà rách nát, phập phồng với những bộ đồ phong phanh giữa đêm đông giá rét, cơm không đủ no, áo không đủ ấm.

56a027b3edbc19e240ad-1623998748.jpg
Những ngày cuối tuần, dịp lễ, tôi dong xe máy đến những vùng sâu, vùng xa để hiểu hơn về cuộc sống dân sinh nơi đây.

Thấy vậy, nhưng đành bất lực “Giá như mình khá tí thì mình đã có thể san sẻ cùng họ rồi”. Từ đó, trong đầu tôi định hình nên một con đường đi mới trên bước hạnh nguyện. Đó là đem chút chữ nghĩa vốn mình có làm cầu nối giữa những mảnh đời bất hạnh đến các trái tim có tấm lòng “bồ tát”. Rồi từ những bài viết đầu tiên khô khan, vụng về, nhờ sự dìu dắt, động viên giúp đỡ của các anh chị em đồng nghiệp để bổ sung cho mình, giúp ngòi bút cũng được “nhọn” và bài viết có hồn, có tình hơn.

Tôi vẫn còn nhớ một bài viết mà cho đến nay đó là một kỷ niệm không thể nào có thể quên. Đó là hoàn cảnh hai mẹ con cụ bà Nguyễn Thị Kia và Trần Thị Thiên ở thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bị bại liệt, mù lòa và tâm thần. Một bài viết đã trở thành một nỗi ám ảnh thực sự. Chỉ cần nhìn qua khung cảnh bừa bộn, ẩm thấp và gương mặt đen nhẵn, nhem nhuốc của hai mẹ con, ai cũng có thể cảm nhận được nỗi khổ cùng cực của một mảnh đời. Sau khi bài viết được đăng tải, nhờ sức mạnh diệu kỳ của truyền thông mà nhiều độc giả, bạn trẻ trong và ngoài nước đã gửi những “món quà” vật chất và tinh thần sẻ chia cùng hai mẹ con. Nhiều người vẫn gọi đó như là “giấc mơ cổ tích” thời hiện đại giữa đời thường.

3tinhnguyen-825753-1374316344-1624015568.jpg
Năm 2012, hình ảnh trong một bài viết về hoàn cảnh mẹ con bà Nguyễn Thị Kia đã trở thành xúc động nhất năm ấy.

Về sau, thời gian tôi dành cho công việc viết lách nhiều hơn là đi dạy. Rồi đến một ngày năm 2012, khi đã hội đủ duyên lành, tôi đã “gác” phấn nghiên (của người thầy) để dấn thân vào nghề báo với bao tin yêu vào ngày mai tươi sáng với tâm niệm là đời sẽ không bạc mình nếu mình có sức khỏe, có nhiệt huyết. Dường như trong trái tim đầy nhiệt huyết của tôi lúc ấy là đam mê và niềm tin, là hy vọng trong đôi mắt đầy lạc quan về con đường phía trước. Đó là trước trả ơn công ơn sinh thành của ba má những tháng ngày tảo tần bươn chải mưu sinh, sau là đem những nụ cười, niềm vui đến những trẻ em nghèo, cụ già neo đơn và những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống này.

Cho đến nay, sau nhiều năm nhìn lại, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Ngoài những bài viết về những số phận con người, tôi còn có thể “lách” sang những thể loại khác xen giữa trắng đen, hồng đỏ cuộc đời. Tôi đã không còn là anh chàng thầy giáo nhà quê, rụt rè nữa, mà thay vào đó là thế hệ tuổi năng động, nhiệt huyết, đầy đam mê và còn nhiều hơn nữa…

Ngần ấy thời gian, trên những nơi mà tôi đã đi qua in đậm những nụ cười, ánh mắt, niềm vui đong đầy của em thơ, cụ già và người nghèo. Tôi quên sao được hình ảnh ánh mắt nồng hậu của những cụ già neo đơn; khuôn mặt hồn nhiên, ánh mắt trong veo những trẻ thơ không cha không mẹ; những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống đang phải từng phút từng giây sống vất vưởng qua ngày… Từ đó tôi thấy nặng nợ hơn với những năm đèn sách ba má đã nuôi mình khôn lớn và như hồi nhớ về má nơi phương trời xa – người đã cho tôi tất cả!

 

Hà Kiều (PLXH)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/toi-quyet-dinh-gac-phan-nghien-den-voi-nghe-bao-a3783.html