Những ánh đèn hiu hắt |
Khuya 30/5, các chốt kiểm dịch được lập tại 10 cửa ngõ nhằm kiểm soát người ra vào quận Gò Vấp (TP.HCM) khi nơi đây giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước tình trạng người dân "né chốt”, chính quyền lập thêm 26 chốt kiểm soát tại các hẻm thông với 3 quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh.
14 ngày làm việc không nghỉ, các thành viên ở chốt kiểm soát không chỉ đối mặt với nguy cơ về dịch bệnh, mà còn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nhiều lúc mệt mỏi đến không thiết ăn uống, họ lại nhận được những món quà tinh thần từ những người ngày ngày đi qua chốt kiểm soát này.
14 ngày chưa về nhà
22h, mưa đêm trút vội xuống thành phố. Một vài chiến sĩ tranh thủ hướng dẫn thủ tục cho người dân qua chốt, số còn lại nhanh chân vào lều mặc áo mưa để tiếp tục công việc. Từ lúc nhận nhiệm vụ ở chốt kiểm soát, họ đã quen với chuyện nắng mưa thất thường của TP.HCM.
“Đấy, lại mưa”, Thanh Quang chỉnh lại áo rồi bước ra khỏi lều. Anh là sinh viên năm cuối Học viện An ninh nhân dân. Đầu tháng 6, Quang nằm trong đoàn 400 người chi viện cho các đơn vị trên địa bàn TP.HCM.
Không nhớ chính xác đã ở Gò Vấp bao nhiêu ngày, chàng sinh viên trẻ nói: “Lúc nhận nhiệm vụ bố mẹ em lo lắng lắm. Nhưng trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch, em muốn được góp một phần sức mình, dù rất nhỏ thôi”.
Các chiến sĩ chốt kiểm soát làm việc dưới cơn mưa đêm. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Được trang bị các thiết bị bảo hộ cần thiết, tuy nhiên, việc tiếp xúc với hàng nghìn người qua chốt mỗi ngày khiến rủi ro lây nhiễm tăng cao. Nhiều chiến sĩ trực chốt như Quang chọn phương án tự cách ly. Thanh Quyết (Đội CSGT Công an quận Gò Vấp) cũng như vậy. Chiến sĩ này đã 2 tuần anh chưa về nhà.
“Bố mẹ tôi đều đã trên 70 tuổi. Tôi dự định sau khi có chỉ đạo rút chốt sẽ ở lại Gò Vấp theo dõi tình trạng sức khỏe thêm một thời gian rồi mới về nhà”, anh nói.
Đối mặt với nhiều vất vả, điều những người ở chốt kiểm soát lo ngại là việc người dân không chấp hành quy định. Những ngày qua, họ đã chứng kiến nhiều người sẵn sàng quát tháo, tìm mọi cách để qua chốt.
“Người lao động có vất vả riêng của họ. Chúng tôi không muốn làm khó, chỉ là vì tình hình chung của cả thành phố, cần phải tuân thủ quy định”, Xuân Liêm (cán bộ an ninh quận Gò Vấp) chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bất hợp tác khi được yêu cầu thực hiện các thủ tục phòng dịch. “Nhiều cô chú động viên cố lên nha con. Đang đứng dưới nắng rất mệt mà tự nhiên khỏe hẳn”, Quang kể và khoe làn da sạm màu sau nhiều ngày đứng liên tục 3 giờ dưới trời nắng.
"Được gặp nhiều người, biết chia sẻ nhiều hơn"
Hơn 23h, mưa bắt đầu ngớt, một nhóm sinh viên tình nguyện ghé trạm để thay ca. Ngoài các chiến sĩ công an, an ninh, dân quân phường, bảo vệ dân phố thì lực lượng tình nguyện viên là một phần không thể thiếu tại các chốt kiểm soát. Họ làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân khai báo y tế, đồng thời trợ giúp những người không có điện thoại thông minh.
Sự xuất hiện của các bạn tình nguyện viên cũng giúp chốt trực thêm không khí vui tươi. Chiến sĩ CSGT Thanh Quyết nói: “Các bạn nhiệt tình lắm, trực khuya mà không than mệt. Thấy các bạn làm việc hăng say, tôi cũng tự nhủ phải cố gắng hơn”.
Các tình nguyện viên tranh thủ ăn khuya khi đường phố vắng người. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Nhận ca trực từ 0h đến 6h sáng, Lệ Diễm (sinh viên năm 2, Học viện Y học cổ truyền) cho biết những hôm đi trực bệnh viện phần nào giúp cô làm quen với chuyện thức thâu đêm. Đa phần tình nguyện viên như Diễm không được bố mẹ ủng hộ khi đăng ký tiếp sức vùng dịch. Bởi công việc ở các chốt kiểm dịch vừa vất vả, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Để tránh ảnh hưởng đến người thân, tụi em sẽ về Quận đoàn khử khuẩn thật sạch, trước khi về phòng trọ”, Diễm nói trong lúc mang kính chắn giọt bắn, chuẩn bị ra chốt thay ca cho mọi người.
Trời về khuya, đường sá dần thưa người. Các tình nguyện viên cũng có thời gian để nghỉ ngơi ăn khuya. Quốc Bảo (sinh viên năm 2, Đại học Tôn Đức Thắng) mở hộp mì ăn lấy sức cho ca trực.
“Trước đây nếu không đi học thì em cắm mặt vào máy tính. Em chỉ muốn sống cuộc đời của riêng mình, không quan tâm nhiều tới những người ngoài xã hội. Trở thành tình nguyện viên một cách tình cờ, em gặp được nhiều người, suy nghĩ và biết chia sẻ nhiều hơn”, Bảo chia sẻ.
Những món quà tinh thần
Lệ Diễm mở điện thoại khoe tấm hình mới chụp hôm qua. “Quà của cô quét rác tặng tụi em, dòng chữ bên trên là con của cô viết giùm”.
Đó là túi đồ ăn kèm mảnh giấy có dòng chữ viết nắn nót: “Bọn con xin kính gửi tặng các cô chú một món quà tinh thần, đến những người tình nguyện có công cho đất nước, xã hội này. Gò Vấp cố lên!”.
Những món quà chân phương, chứa đựng tình cảm của người dân. Ảnh: Toàn Nguyễn. |
Mỗi ngày, chiến sĩ tại các chốt kiểm dịch nhận không biết bao nhiêu món quà từ người dân. Người đem gói khoai, người cho chiếc bánh, có nhà nấu cháo đem đến tận nơi… Những món quà chân phương như lời cám ơn gửi đến những người đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Thanh Quang kể: “Hôm qua có một cô ngỏ ý tặng tiền để anh em mua nước uống. Em bảo tụi con được trang bị đầy đủ rồi, nếu cô có tấm lòng có thể ủng hộ tiền cho quỹ vaccine. Thế là cô gật đầu rồi đi lên phường ủng hộ. Những lúc thế này, thấy ai cũng dễ mến”.
Người dân chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát |
Trời về khuya, một người phụ nữ lớn tuổi đến trước chốt kiểm soát. Bà trình bày: “Tôi đang trên đường về nhà thì xe hết điện. May có chú xe ôm đẩy giúp, giờ tôi phải về chợ Hạnh Thông Tây, cậu cho tôi qua chốt được không?”
Anh Thanh Quyết nhờ Diễm khai báo y tế giúp bà. Sau khi hoàn tất thủ tục, người phụ nữ cám ơn, rồi chậm chậm đẩy xe đi. Nhìn dáng người nhỏ thó của bà lặng mất trong đêm, Quyết thở dài: “Chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, người dân sớm trở về với cuộc sống thường nhật”.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/zing-newstri-thuc-truc-tuyen-a3759.html