Sáng nay, Sài Gòn tiếp tục bước vào kỳ nghỉ lễ nữa - kỳ lễ không kỳ hạn!
Nhưng kỳ lễ này lại khác. Người Sài Gòn chọn cách “ăn lễ” tại nhà. Phố vắng, đường thưa, vỉa hè thoáng. Trầm lắng. Chỉ cần giờ ra ngã 4 mà nghe có tiếng còi xe thôi đã giật mình. Từ trong ra ngoài, nặng trĩu, đau đáu. Đâu còn những hôm trời mưa nặng trĩu, người Sài Gòn ôm cả những tâm tư tình trút hết vào những chiếc áo mưa đầy đủ sắc màu thi nhau chen chút hết con đường này, rồi đến ngã tư ngọ.
Ngay tại chung cư cũ nơi tôi sống trên đường Phan Xích Long hơn 2 tuần nay cũng vậy. Nếu mọi hôm 5 – 6 giờ sáng, hàng lang đã ầm ầm tiếng những cô chú lao đông quét rác, di chuyển những thùng rác xuống xe vận chuyển; thì hôm nay cảm giác ấy thưa dần. Dù kỳ nghỉ lễ này người Sài Gòn không đi đâu, ở nhà; nhưng rác vẫn ít. Thùng rác hàng lang ngày thường cứ vài tiếng lại đầy ắp, còn nay thì 2 - 3 ngày vẫn chưa…
Sài Gòn kỳ lễ này lạ vậy đó!
Dắt chiếc xe máy cũ ra khỏi nhà một cách nhanh chóng, nhìn thấy những chú bồ câu nghiêng mình trước cái nắng của đất trời, tôi mới thấy được hôm này sài Gòn vắng thật, vắng một cách yên ả, lạ kỳ. Nên những chú bồ câu kia mới có được cơ hội chao mình giữa đất trời phương Nam. Dạo quanh những khu chợ luôn tấp nập dáng người, để mua ít trái cây về dâng lên bàn thờ cho nội, tôi mới cảm nhận hết được sự vắng vẻ của Sài Gòn, Trước đây, những khu chợ này là một trong những khu chợ đông đúc nhất tại đất Sài thành. Nhưng hôm nay, tôi chỉ thấy được có vài ba cô chú bán vải, bán bánh ú ven đường thưa thớt. Khung cảnh này làm cho tôi nhớ đến hình ảnh ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên. Những tiểu thương thì vẫn ngồi đó, nhưng người qua đường không ai hay.
Tấp vào một chỗ bán vải “tươi” nhất theo đôi mắt “đi chợ” của mình. Bỗng một thứ làm tôi thấy lạ, trong lòng khoan khoái một niềm vui không siết. Khi trên những tấm bảng treo giá tiền của các cô chú, tất cả đều để hàng chữ “vải máy bay, giải cứu vải”. Đọc đến đây thôi, tôi thấy được sống mũi mình cay cay, dâng trao nổi xúc động. Tuy không cùng chung dòng họ, hay vùng miền, nhưng những người con đất Sài Gòn sẵn sàng vang tay “giải cứu ” những trái vải từ vùng đất xa xôi. Nếu bạn đã đọc qua bài viết “nghề thương người ở Sài Gòn”, chắc hẳn tôi nghĩ đây cũng là cách mà người Sài Gòn hành nghề “thương người”.
Vải thì đã cho vào giỏ hàng, tôi ung dung dạo quanh ngắm nhìn thành phố thêm đôi chút. Xa xa kia là những quán cafe, nơi chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ của tôi từ bé. Hễ cuối tuần là ba lại chở đi ngắm nhìn Sài Gòn từ những quán cafe nhỏ bé ấy. Lớn lên cũng vậy, cũng lân la “cà phê, cà pháo” cùng bạn bè nơi tụ điểm cũ. Nhưng giờ sao, nó im lim quá, cách im lìm này đáng sợ hơn cả người tình im lặng với tôi.
Đứng trước không gian yên ả của Sài Gòn, tôi bỗng thêm những ngày kẹt xe hối hả. Những ánh đèn len lỏi “ngọn xanh, ngọn đỏ” của những quán cafe Sài thành. Tuy ồn ào náo nhiệt, nhưng cái ồn ào ấy lại chính là nét đặc trưng vốn có của vùng đất Hòn Ngọc Viễn Đông. Nơi mà những người con tứ xứ hội tụ như một gia đình thân thiết, để rồi hằng ngày họ bươm chải kiếm sống trên khắp cả nẻo đường. Nhưng có lẽ, hôm nay những người thân về quê hay sao ấy, mà “nhà” Sài Gòn, vắng tanh không một tiếng nói cười…
Ngày ngày đọc báo, xem tin tức mà thấy lòng xốn xang nhiều trắc ẩn, bởi số ca nhiễm tại thành phố ngày càng một tăng cao. Nó như thể hiện nhiệt độ của Sài Gòn vậy, đang nóng dần đến nổi sốt cao…
Sài Gòn chắc đang đuối...
Phải thôi! Nhiệt độ cứ ngày càng tăng cao. Một mình Sài Gòn không ôm xuể. Sài Gòn đuối cũng phải!?
Sài Gòn “bịnh” thiệt rồi, hông đùa. Nhưng dù có thế nào cũng gắng nha, Sài Gòn ơi! Còn 14 ngày nữa ráng tịnh dưỡng, bồi bổ nha. Người Sài Gòn sẽ đợi, mau hết bịnh nhé! Nhớ!
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/sai-gon-oi-may-dung-duoi-nghen-a3757.html