Sỏi thận (hay sạn thận) là bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản... thành những tinh thể rắn, hay gặp hơn cả là tinh thể Calci. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm.
Sỏi thận kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu nhưng những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang... sẽ gây cọ xát dẫn tới tổn thương thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu khiến người bệnh đau đớn khi đi tiểu, tiểu ra máu, tiểu dắt, tiểu són, đau lưng, nhiễm trùng đường tiết niệu... Nếu không được điều trị kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới biến chứng suy thận.
Tuy nhiên, trong ăn uống có những thói quen xấu cần tránh xa để không ảnh hưởng đến thận:
Uống ít nước
Khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài sẽ khiến nước tiểu trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại, gây bệnh sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Ngược lại, khi uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, nước tiểu sẽ được làm loãng, đồng thời có tác dụng rửa đường niệu đạo, giúp phòng chống sỏi thận và làm cho sỏi bài tiết ra ngoài.
Ngoài nước lọc, bạn có thể bổ sung các loại nước hoa quả như nước chanh, nước cam... chất citrate trong các loại đồ uống này cũng giúp ngăn chặn sự hình thành sỏi.
Nhịn ăn sáng
Dịch mật đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt vào buổi sáng, cơ thể cần nhiều năng lượng sau 1 đêm ngủ dài. Việc nhịn ăn sáng khiến dịch mật bị tích tụ trong túi mật và đường ruột dẫn tới sỏi thận.
Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi
Canxi rất cần thiết cho cơ thể nhưng thừa canxi sẽ gây quá tải cho thận. Nếu vẫn tiếp tục bổ sung quá nhu cầu cơ thể trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận. Cụ thể, canxi trong thực phẩm dễ liên kết với oxalat trong ruột, từ đó gây nên sỏi canxi oxalat. Ngoài thực phẩm, uống bổ sung canxi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng không nên kiêng khem quá mức vì có thể dẫn đến tình trạng loãng xương.
Chế độ ăn nhiều muối
Muối là gia vị có mặt trong tất cả các bữa ăn hằng ngày nhưng khi bạn ăn quá nhiều muối, sẽ tăng đào thải natri, tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu. Lâu dần canxi tích tụ trong nước tiểu sẽ lắng đọng và tạo nên tinh thể. Đó là cơ chế hình thành nên sỏi thận.
Trong khi ăn ít muối giúp giữ lượng canxi trong nước tiểu thấp hơn. Canxi trong nước tiểu càng thấp thì nguy cơ hình thành sỏi thận càng thấp.
Để giảm lượng natri, ngoài việc ăn giảm muối trong chế biến thức ăn các chuyên gia khuyên bạn hãy đọc nhãn thực phẩm cẩn thận trước khi mua. Một số thực phẩm chứa nhiều muối cần lưu ý là: Đồ ăn chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn vặt..
Ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat
Một số loại sỏi thận được tạo thành từ oxalat, một hợp chất tự nhiên có trong thực phẩm liên kết với canxi trong nước tiểu để tạo thành sỏi thận. Do đó bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu oxalat như: Rau bina, sô cô la, khoai lang, cà phê, củ cải, đậu phộng, sản phẩm làm từ đậu nành, lúa mì...
Ăn quá nhiều protein động vật
Sự lắng đọng canxi và uric trong nước tiểu từ các thực phẩm giàu protein là nguyên nhân tạo nên những viên sỏi khó chịu trong thận. Chế độ ăn giàu protein cũng làm giảm nồng độ citrate trong nước tiểu, chất hóa học trong nước tiểu giúp ngăn ngừa hình thành sỏi.
Ăn nhiều dầu mỡ
Ăn quá nhiều dầu mỡ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sỏi thận. Các loại thực phẩm giàu protit và chất béo sẽ tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi. Vì vậy, nên hạn chế hoặc kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: Thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, gạch cua, lòng đỏ trứng... Thay vào đó, bạn nên tăng cường bổ sung rau quả tươi và một số thực phẩm có tác dụng giảm cholesterol như: Tỏi, hành tây, nấm hương,…
Hoàng Trường
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/7-thoi-quen-nay-trong-an-uong-la-nguyen-nhan-dan-den-benh-soi-than-a3755.html