Chuyện ít biết về những việc làm thầm lặng của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng

Đằng sau hình ảnh về "bà chủ" KDL 6 ngàn tỷ Đại Nam Nguyễn Phương Hằng xung quanh những trận “cãi nhau” của bà với giới Showbiz Việt. Nhưng mấy ai biết được những việc làm từ thiện mà bà cùng chồng mình là ông Huỳnh Uy Dũng đã từng làm.

Những việc làm thầm lặng đóng góp cho cộng đồng của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng khiến nhiều người không khỏi nghiêng mình. Đó là những việc làm thiết thực, ý nghĩa và nhân văn mà hiếm có một doanh nhân, doanh nghiệp nào làm được. 

1. Trao tặng vườn cao su cho bộ đội Trường Sa

Năm 2013, bà Nguyễn Phương Hằng quyết định trao tặng vườn cao su tọa lạc ở 2 xã của huyện Lộc Ninh, titnh Bình Phước có diện tích hơn 360ha cho bộ đội Trường Sa. Đây là mảnh đất có trị giá hơn 170 tỷ đồng thời đó và được bộ đội Trường Sa phát mãi khối tài sản này dùng làm nguồn tiền phục vụ cho cuộc sống và công tác. Việc hiến đất cho cơ quan chính quyền nhà nước là những việc rất hiếm gặp trong xã hội đương thời. Chính vì vậy việc làm của bà Hằng như một “ngọn lửa” thổi bùng đến trái tim yêu nước trong mỗi con người Việt Nam trong thời điểm ấy hướng về biển đảo Trường Sa ruột thịt, động viên tinh thần cho các chiến sĩ tiếp túc canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nước Việt.

rung-cao-su-1623228684.jpg
Vườn cao su có diện tích lên đến 360 ha được vợ chồng bà Phương Hằng tại cho bộ đội Trường Sa. Ảnh: T.L

Đây được xem là một hành động đầy tính nhân văn và nghĩa tình. Bà Phương Hằng từng chia sẻ: “Thực lòng tôi luôn luôn có tình cảm và thương những bộ đội và những người làm công tác bảo vệ. Họ là những người dám hy sinh cả một đời để cống hiến cho Tổ quốc. Họ không có điều kiện để làm kinh tế, không có cơ hội làm giàu cho bản thân và gia đình. Vợ con và những người thân của họ rất thiệt thòi.

Vì chồng tôi – anh Huỳnh Uy Dũng cũng đã từng là bộ đội, cũng đã kể cho tôi nghe gian khổ của bộ đội sống nay, mai chết nơi chiến trường, nên tôi đã quyết định trao toàn bộ số tài sản thật của tôi để chia sẻ phần nào khó khăn với các anh bộ đội nơi hải đảo xa xôi.

...Tôi chưa bao giờ đến Trường Sa, chỉ xem qua truyền hình và có lần tôi đã khóc khi xem chương trình có bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM trong một chuyến ra thăm Trường Sa, đã có một anh bộ đội xin "được ôm cô Thảo" để nhớ về người mẹ của mình nơi quê nhà. Nước mắt tôi tuôn trào khi xem hình ảnh đó. Nhìn những chốt gác hiu quạnh giữa biển cả, tôi càng chạnh lòng và xót xa. Đó là tình cảm thật của con người với nhau."

2. Quỹ từ thiện "Trái tim Hằng hữu”

Ngoài những đóng góp to lớn cho bộ đội trường Sa, bà Phương Hằng cùng chồng mình còn thành lập nên Quỹ từ thiện "trái tim Hằng Hữu”. Đây là hội từ thiện tim lớn nhất Việt Nam, với mong muốn chữa lành những con tim “tật nguyền” của những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc sống, chương trình đã mang lại sự sống cho hàng trăm đứa trẻ có bệnh tim bẩm sinh. Không những thế, bà Nguyễn Phương Hằng còn sẵn lòng “cam kết trọn gói” cùng với Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện điều trị bệnh tim bẩm sinh và não úng thủy cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những nghĩa cử cao đẹp của bà, như một vị bồ tát “sống” trong mắt những đứa trẻ cơ nhỡ, khó khăn, bởi bà là người tái sinh sự sống cho những đứa trẻ ấy. 

images1496196-dsc-0337-1623230817.jpg
Qũy từ thiện "Trái tim Hằng Hữu" đã cứu sống rất nhiều trẻ em bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: T.L

Việc làm của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng đã được sự cảm kích của rất nhiều cư dân mạng:

Là một bệnh nhân tim bẩm sinh, con rất biết ơn lòng tốt của cô dành cho trẻ em Việt Nam. Một lần phẫu thuật là cả gia tài đấy các bạn à

Đấy cứu người nó phải thế, nguyên việc lấy doanh thu của khu Đại Nam ra để cứu người đã thấy nể phục bội phần rồi, bản thân mình không nhiều tiền, ít giúp đỡ người nghèo nên đừng nói nghìn tỷ chứ ai ủng hộ 50 nghìn thôi mình cũng thấy kính nể rồi

Khoan hãy bàn về chuyện ai sai ai đúng, nhìn những việc mà cô làm cho cộng đồng thì cô xứng đáng được trân trọng thay vì những lời chỉ trích

196322145-1013108255891386-3240354282547663673-n-1623228683.jpg
Vợ chồng bà Phương Hằng đến thăm một cháu bé vừa phẫu thuật tim. Ảnh: T.L

3. Chương trình “Giờ vàng”

Thấy xót xa, trăn trở trước cảnh nạn nhân vụ tai nạn cận kề lằn ranh sinh tử, vợ chồng ông Dũng đã thành lập chương trình "Giờ vàng" để cứu giúp những người bị tai nạn giao thông lúc họ ngặt nghèo nhất và cần cứu giúp nhất. Chương trình "Giờ vàng" liên kết với 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện đa khoa Bình Định, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Bất kỳ ai bị tai nạn giao thông chuyển đến 3 bệnh viện này trong tình trạng không thân nhân đều được bệnh viện ứng tiền để nhập việc cấp cứu và chương trình sẽ hoàn trả lại.

tngt-1623231370.jpg
Những người bị tai nạn giao thông nếu không có thân nhân thì 3 bệnh viện (Chợ Rẫy, BV ĐK Bình Định, BV ĐK Đà Nẵng) sẽ ứng tiền viện phí sau đó sẽ được phía vợ chồng ông Dũng hoàn trả lại. Ảnh: T.L

Những việc làm của vợ chồng ông Dũng đã phần nào nói lên hết được những tâm tư và tình cảm của mình cho những số phận kém may mắn trong cuộc sống. 

Tôi chứng kiến cảnh nhiều người không may bị tai nạn giao thông giữa đường trong tình trạng thập tử nhất sinh mà không làm sao cứu giúp. Rồi những người này được nhập viện nhưng không có thân nhân, không ai đóng tiền nên rắc rối về thủ tục cấp cứu.

Tôi thấy xót xa quá. Cận kề giữa lằn ranh sinh tử, sống chết chỉ trong một cái chớp mắt, nhưng chỉ vì thiếu thủ tục đóng tiền mà một sinh mạng phải lìa trần. Bây giờ tai nạn giao thông đã giảm đi nhiều, đó là điều đáng mừng, là cái phước của nhân dân và đất nước mình.

20 năm trước đây mỗi năm cả nước có trên 35 ngàn người chết vì tai nạn giao thông và gấp đôi, gấp ba số đó bị thương tích, tàn tật, mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Giờ đã giảm đi nhiều nhưng tai nạn giao thông vẫn diễn ra đầy rẫy, mỗi ngày, khắp nơi. Điều đó làm tôi trăn trở và tôi thành lập chương trình này để cứu người bị tai nạn giao thông, lúc ngặt nghèo nhất mà họ cần cứu giúp."

4. Quyên góp tiền xây dựng trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn

Năm 2000, chủ khu công nghiệp Sóng Thần và cũng là chủ tịch KDL Đại Nam đã tặng cho trường chuyên Lê Quý Đôn Bình Định số tiền là 6,5 tỉ đồng, cộng với 2 tỉ ngân sách nhà nước để xây dựng ngôi trường khang trang. Lưu ý thời điểm đó vàng khoảng 6,5 triệu/lượng tức 6,5 tỉ đồng tương đương 1.000 lượng vàng.

1-1622707239200157594833-1623229056.jpg
Trường THP Chuyên Lê Qúy Đôn, nơi ông Dũng quyên góp xây nên. Ảnh: T.L

"Điều mà thế hệ học sinh chúng tôi nể chú Dũng đến sát đất là theo nhận thức và hiểu biết thì chú Dũng gần như không có bất kỳ đòi hỏi nào cả, chú cho đi nhẹ nhàng như uống ly cafe vậy, chú Dũng cho đi vì chú là người con Bình Định, vì là có thầy Đắc (trưởng bộ môn toán) là bạn học cấp 3 của chú - thầy Đắc có tâm tình với chú, vì là chú Dũng nghĩ cần phải làm vậy... Hiện nay khi đến ngôi trường Lê Quý Đôn, Bình Định sẽ thấy một cái bảng rất bé có ghi Công ty CP Sóng Thần tài trợ xây dựng.

Có thế hệ không được ngày nào ngồi học ở ngôi trường Lê Quý Đôn mới xây dựng ngày nào nhưng vẫn hay nhắc nhau, nhắc nhở các thế hệ học sinh Lê Quý Đôn về lòng biết ơn về một con người rộng rãi vô điều kiện, một hành động trượng nghĩa vô bờ bến.”,  Cao Trung Hiếu chia sẻ.

5.   Trao tặng nước ngọt cho bà con miền Tây 

Miền Tây là khu vực còn thiếu nước ngọt. Nhưng để có nước ngọt sinh hoạt, người dân phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua nước ngọt từ các sà lan, xe bồn về sử dụng. Trước đây, giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3 nhưng nay nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá 150.000-200.000 đồng/m3. Giá nước ngọt cũng “mặn chát” như thế nhưng người dân không còn cách nào khác. Thấu hiểu được điều này, vợ chồng bà Phương Hằng đã trao tặng nước ngọt cho bà con miền Tây.

vo-chong-ong-dung-lo-voi-ho-tro-nuoc-ngot-giup-hang-ngan-ho-dan-mien-tay-c4d-4803467-1623228684.jpg
Vợ chồng bà Phương Hằng "test" nước ngọt trực tiếp cho bà con miền tây. Ảnh: T.L

Bà Nguyễn Phương Hằng nói trong khoảng khắc đầy xúc động với người dân: “Bất kể nơi đâu ở miền Tây này bị thiếu nước ngọt, chúng tôi sẵn sàng tới khảo sát để hỗ trợ. Chỗ nào thiếu đường ống dẫn nước chúng tôi sẽ tài trợ ống, chỗ nào cần khoan giếng chúng tôi sẽ hỗ trợ khoan giếng, hoặc nơi nào cần phải lắp đặt hệ thống lọc nước vợ chồng chúng tôi cũng sẽ làm hết mình. Vợ chồng tôi luôn đồng lòng, cố gắng làm sao để có giải pháp cung cấp nước sinh hoạt lâu dài cho người dân miền Tây sử dụng, đặc biệt là có thể vượt qua lúc khó khăn do hạn mặn gây ra”.

Những việc làm thiện nguyện của vợ chồng bà Phương Hằng tuy chẳng thể giúp đỡ hết được những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, nhưng cũng đã phần nào xoa dịu đi những mất mát mà họ phải gánh chịu. Người ta làm việc thiện thì “đao to búa lớn”, còn vợ chồng ông chẳng cần ai biết cũng chẳng muốn ai hay, chỉ mong muốn những sự đóng góp của mình có thể làm một điều gì đó cho những mảnh đời cơ cực, bệnh tật và thiếu thốn.

Hoàng Trường

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/bi-mat-dang-sau-nhung-viec-thien-nguyen-vo-chong-ba-nguyen-phuong-hang-a3701.html