Sanh thời, khi miêu tả ngắn gọn về Sài Gòn, học giả Vương Hồng Sển từng viết “Sài Gòn tạp pín lù”. Cách ví von này được tạm dịch nôm na là “Sài Gòn thập cẩm”, khi ở đây cái gì cũng có: từ món ngon đến đồ dở, từ người tốt đến người xấu, cả rất giàu và rất nghèo, thượng vàng hạ cám, đủ mọi thành phần, mọi hoàn cảnh, mọi xuất thân.
Đúng vậy! Sài Gòn dung nạp đủ mọi hạng người. Hết thẩy họ đều cảm thấy dễ sống hơn bất cư nơi nào. Đến đây, ở thời gian, họ tự nhận mình là người Sài Gòn, không so đo xuất thân, cơ hội và may rủi chia đều cả. Với họ, cho dù đó là lớp cư dân bản xứ, là kẻ sa cơ đã trót “trao thân gửi phận” hay thậm chí chỉ là người nhỡ đường thì Sài Gòn luôn là một phần ký ức sống động nhất, đẹp đẽ nhất vẫn mênh mễnh mà chỉ khi rời xa mới thấy nhớ nhiều.
Nên ở Sài Gòn này, thi thoảng vẫn thấy giữa cuộc mưu sinh, ai đó sẽ vẫn mải mê cho những hành trình, những chuyến đi và những lần trở về. Bao lần về là bấy nhiêu câu chuyện dặm dài để rồi nhung nhớ… Để khi đã ở, ai cũng có một chỗ của mình ở Sài Gòn. Thành phố như người mẹ bao dung hết thẩy những đứa con tứ xứ, bất kể cũ mới mà chỉ còn là một – người Sài Gòn.
Vậy là kết thúc một ngày thứ bảy. Tôi loay hoay chào các đồng nghiệp thân thuộc rồi lặng lẽ ra về sau một tuần dài mệt nhọc. Lái xe trên con đường thân quen từ cơ quan về nhà, tôi lại thấy mình như bé lại giữa giữa lòng Sài Gòn. Tuy không sinh ra tại mảnh đất hào hoa, tráng lệ này, nhưng tôi đã sống ở đây ngỏn nghẹn hai thập kỷ, chứng kiến biết bao những câu chuyện buồn - vui, đắng – ngọt ở vùng đất hào sảng này.
Ngày còn tấm bé đi học, cứ nghe thầy cô bảo gió Lào là cái gió cay nghiệt nhất. Với Sài Gòn, nắng còn cay nghiệt hơn. Vào độ Sài Gòn nắng nóng, cứ tưởng người dân họ sẽ ít ra đường, mà ở nhà tránh nóng. Ở nhà làm sao được khi một người đi làm mà đến bốn năm miệng ăn. Người Sài Gòn họ mưu sinh bằng đủ thứ các ngành nghề có thể tạo ra tiền miễn là lương thiện.
Giữa cái nắng sài gòn oi ả, chẳng biết tự đâu lại xuất hiện những bình nước miễn phí. Người khát thì đến lấy nước mà chẳng phải bỏ ra một đồng nào. Thế nói mới người Sài Gòn hào sảng lạ kỳ, người ta làm nghề chỉ mong lấy được tiền còn nghề “thương người” của người Sài Gòn chỉ trả bằng niềm vui của những người nhận được.
Tôi chẳng biết người dân ở những nơi khác họ đùm bọc yêu thương nhau như thế nào, nhưng người Sài Gòn họ thương nhau bằng cả cái tâm và cái tình. Không phải những lúc hoạn nạn người Sài Gòn mới sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau, ngay cả những lúc trời yên biển lặng cũng thế.
Hay có hôm chạy một đoạn qua đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường về nhà chẳng còn xa là bao, nhưng tôi vẫn thích đi thật chậm để cảm nhận hết khí trời nơi đây. Nhưng đời mà, người tình đâu bằng trời tính, đang lướt chậm trên đường, thì Sài Gòn lại bất chợt đổ mưa. Những tán mây trắng xóa trên bầu trời bắt đầu chen chân nhau xám xịt trên nền trời trắng xóa, rồi chẳng ai bảo ai, những giọt mưa chiều bắt đầu rơi xuống lã chã xuống lòng Sài Gòn. Tôi dừng vội bên một vệ đường, tính lấy chiếc áo mưa ra mặc vội, thì tôi chợt nhận ra mình đã để quên ở nhà mất rồi. Ráng chạy thêm tý nữa trên đường, mong sao có thể tìm được chỗ bán áo mưa nilong mà mặc đỡ.
Ở Sài Gòn, những lúc trời mưa thế này thì đặc sản nơi đây là áo mưa nilong. Những chiếc áo mưa sặc sỡ đủ sắc cầu vòng thi nhau dạo quanh hết những góc đường thành phố. May sao mà tôi tìm được chỗ bán thuốc lá dạo có bán kèm những chiếc áo mưa, tôi tấp vào và mua ngay. Tôi móc bóp ra và cầm tờ tiền có mệnh giá lớn nhất vừa mới rút tại cơ quan lúc sáng đưa cho cô bán hàng. Cô nhìn và ôm tồn bảo với tôi: “Con có tờ tiền lẻ nào không, chứ cô mới dọn hàng lúc chiều vẫn chưa bán được.”
Tôi ái ngại nhìn cô một hồi lâu, cố gắng lục tất cả mọi ngóc ngách trong bóp nhưng tôi vẫn không tìm được tờ tiền lẻ nào nữa. Lúc này, tôi định trả lại áo mưa cho cô và đội đầu trần về. Bỗng một tiếng nói cất lên làm tôi giật bắn mình: “Con cầm đi rồi khi nào có đi ngang qua đây đưa cho cô cũng được”.
Tôi nhận ra cô bán áo mưa, mặc dù chẳng phải là một người giàu có gì, nhưng cũng đang làm nghề tại Sài Gòn.
Hay đơn giản chỉ là những câu từ câu xưng hộ là “ngoại”, là “má” của những người dân sinh sống trên mảnh đất Sài Gòn. Nó đã đi sâu vào trong lòng biết bao thế hệ học sinh, sinh viên sống xa nhà, xa quê. “Má! Cho con dĩa cơm như cũ nha!” là câu nói đi theo tôi suốt những năm tháng đại học xa nhà. Được cầm trên tay dĩa cơm của mình, tôi như thầm cảm ơn “má”, bởi biết “má” bán thì chẳng có lời bao nhiêu, mà trong dĩa cơm của những đứa sinh viên như tôi “má” đều cho thêm đồ ăn, thêm thịt. Mặc dù chẳng nói ra thôi, nhưng mấy đứa sinh viên ai cũng đều biết. Nên mỗi lúc rãnh rỗi là mỗi đứa một tay, đặng phụ “má” dọn cho xong hàng. Rồi cũng có những lúc, nhà gửi tiền lên trễ, chẳng còn tiền để sinh hoạt phí, cả bọn đành nhịn cơm ăn mì. Lúc đi ngang qua hàng của “má” mà không tấp vào ăn cơm như mọi khi, “má” gọi cả bọn vào hỏi cho ra rõ sự tình, vì “má” sợ làm gì đó phật ý mà chúng tôi lại không ghé ăn cơm.
Rồi cũng chẳng nói chẳng rằng, vẫn dáng đi từ tốn nhưng nhanh nhẹn ấy, “má” đi vào cái xe sắt hằng ngày của mình, đem ra cho chúng tôi bốn đĩa cơm như mọi khi. Như biết được điều gì đó ẩn đằng sau đôi mắt của những đứa trẻ đáng tuổi con mình, má ôn tồn nói: “Ăn đi, khi nào có tiền thì ra trả má, tao đâu sợ tui bây dựt dĩa cơm mấy chục ngàn!’’.
Tuy là một người phụ nữ đã ngoài năm mươi, nhưng tôi lại thấy trong “má” được sự hào hiệp, trượng nghĩa. Má sẵn sàng cưu mang tất cả những người con xa xứ từ những vùng đất khác, mà không cần đền đáp. Nhưng nếu cho cái quyền, bọn tôi nhất quyết cho “má” bằng khen loại giỏi.
Nhớ là những ngày rụt rè rời quê vào đây lập nghiệp. Nghe chuyện bác xe ôm ở bến xe miền Đông nhiệt tình quá đỗi khi chở những tân sinh viên lần đầu xa nhà lên thành phố đến tận nơi rồi cương quyết chỉ nhận mỗi 2 chữ “cảm ơn”. Thấy chú xe ôm ở sân bay Tân Sơn Nhất tốt bụng nhất quyết chở miễn phí cho khách vì chẳng may khách bị mất ví duy chỉ muốn sẻ chia sự cảm thông “con chú cũng từng bị như vậy!”.
Chuyện những ngày này, dịch bệnh “tác oai tác quái”, người dân nơi nơi chuẩn bị dự trữ cho gia đình mình những nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng đối với người Sài Gòn hào sảng, họ không chỉ dự trữ cho gia đình mà còn dự trữ cho những mảnh đời nghèo khổ, ngày nay mai đó. Những chuyến xe từ thiện, những con người bình thường giản dị, ngày ngày đi khắp hết cả những con hẻm chật, những kênh nước đen, đi phát những bịt khẩu trang những chai nước rửa tay để người dân nghèo qua khỏi đại dịch….
Như hôm có dịp đi ngang qua Bệnh viện Nhi đồng 1 vào một ngày sáng cuối tuần, không biết có việc gì mà người dân xung quang đứng xếp hàng ngay ngắn như thể chờ một thứ gì. Hỏi ra thì tôi mới hay, hôm nay có một đoàn từ thiện đến, phát đồ ăn sáng cho người bệnh nơi đây. Những đôi tay thoăn thoắt lấy đồ ăn cho bà con, hòa cùng với dòng người vội vã, làm sống mũi tôi cay cay. Những bữa ăn ấy, tuy không đáng là bao nhưng tôi thấy được trong những bữa ăn đó là mồ hôi là nước mắt của bao tấm lòng. Rời đi, tự dưng thấy lòng tươi hẳn và ngủ lòng rằng chỉ mong những hội nhóm thiện nguyện như thế này tồn tại mãi cho người dân Sài Gòn đỡ khổ.
Hay chuyện ngày 30/05 cũng vậy! Theo lời kể của Bác sỹ Lê Ngọc Điệp, Bệnh viện Từ Dũ - TP.HCM: “Khuya 30/5, tôi đặt xe vào khu làm việc chống dịch của các đồng nghiệp ở Q.Gò Vấp nên book xe máy Grap. Đến nơi, tôi trả tiền thì em tài xế rồ ga bỏ chạy và bảo: “Lấy tiền của bác sỹ lúc này là có tội với Tổ quốc”. Tội chỉ biết cúi đầu và cảm ơn cậu trai trẻ đó.”
Và còn hôm nay, hàng vạn y - bác sỹ - sinh viên ngành y - công an - bộ đội vẫn ngày đêm túc trực những tuyến đầu chống dịch Covid-19. Họ phải gác đi những hạnh phúc cá nhân đến với vùng tâm dịch. Những ánh mắt quầng sâu nhiều đêm dài thức trắng. Có người kiệt sức, ngất đi và cũng có người đã ra đi.
Sài Gòn của tôi là thế. Ở thương, đi nhớ! Đó là một thành phố phồn hoa giữa dòng người ngày ngày vẫn hối hả bon chen chạy đua với đời. Nhưng đâu đó, trong từng con hẻm, góc phố kia, những điều bình dị nhất về tình người vẫn luôn lấp lánh, đủ để ta thấy thêm yêu cuộc sống này.
Nghề “thương người” trên mảnh đất hào sảng này, có mặt ở tất cả khắp mọi nơi tại Sài Gòn, từ con đường lớn, cho đến những góc hẻm chật chội nhất. Người ta vào nghề bằng rất nhiều cách khác nhau, nhưng cái tiêu chí cơ bản nhất mà tôi nghĩ mỗi người trong nghề cần có được đó là tình thương.
Nhưng khi hỏi ra thì tôi mới biết là do bản thân suy nghĩ sâu xa thôi, chứ họ vào nghề chẳng cần tiêu chí cơ bản hay nâng cao nào cả. Mà đơn giản là họ thích giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Loay hoay suy nghĩ mãi mà tôi về đến nhà lúc nào cũng chẳng hay biết, nhìn qua xào đồ mình phơi trước sân chẳng biết nó biến đi đâu lúc nào không hay, lúc nảy trên đường về còn sợ ướt. Chợt! Chú tám bên nhà vọng sang: “Đồ con chú lấy vô rồi nè, qua mà lấy mưa lớn quá”.
Vậy đó! Chỉ vậy! Chẳng ghét, chẳng giận, chằng hờn; mà chỉ có thương. Họ đến, từ lạ cũng thành quen, mà ở lại đây cho trọn một đời.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nghe-thuong-nguoi-o-sai-gon-mot-nghe-ma-chang-su-sach-hay-ky-luc-guinness-nao-ghi-nhan-a3666.html