Người đàn ông sửa sách cũ cuối cùng ở Sài Gòn

Ông nhấc nhẹ nhàng từng tệp giấy, đính chúng lại bằng những sợi chỉ mỏng nhưng bền chặt. Từng trang sách ố vàng phủ bụi thời gian được ông nâng niu, trân trọng và xếp lại bằng sự tỉ mỉ. Hơn 40 năm qua, ông Võ Văn Rạng đã tạo nên 'cuộc đời mới' cho nhiều quyển sách bằng đôi tay tài hoa của mình.

Đôi tay mang 'màu thời gian' của người đàn ông 40 năm làm nghề sửa sách ở Sài Gòn Ảnh 1

Ngôi nhà của ông Rạng nằm cuối một con hẻm nhỏ ở đường Lý Chính Thắng (quận 3). Không gian ấm cúng vừa là chỗ làm việc, vừa là nơi gia đình sinh sống. Ông đặt chiếc bàn ngay cửa, hướng mắt ra khoảng sân đầy nắng. Tiệm đóng sách cũ của ông đã có tuổi đời hơn 30 năm. 

Ngày nhỏ, cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân ông co quắp, nhưng ông trời đã bù lại cho ông một đôi tay tài hoa, khéo léo. Ông từng làm việc tại xưởng in, phụ việc tại nhà người bạn. Thấy nghề đóng sách hay hay, ông tìm hiểu rồi bén duyên từ đó. Người ta tìm đến ông để “cứu lấy” những quyển sách sứt chỉ, bong tróc, rách gáy… 

Đôi tay mang 'màu thời gian' của người đàn ông 40 năm làm nghề sửa sách ở Sài Gòn Ảnh 2

Có nhiều kĩ thuật để phục hồi sách. Nếu sách bị rời rạc, ông sẽ đóng lại thành tệp và cố định chúng bằng những đường chỉ chắc chắn. Ông chạm, khắc, đục khuyết trên bìa sách tùy theo chất liệu, vá lại lỗ thủng trên trang giấy ố vàng hay tỉ mẩn ngồi dán lại phần gáy sách sờn cũ. Mỗi thao tác, ông đều thực hiện chậm rãi nhưng vô cùng khéo léo, chắc chắn. Có những quyển từ điển lên đến hàng nghìn trang nhưng ông vẫn sắp xếp không bị trật trang nào. 

Thi thoảng, chúng tôi lại được nghe ông tấm tắc khen ngợi hình ảnh minh họa trong sách, hay chậc lưỡi xuýt xoa trước những câu thơ của Chế Lan Viên. Ông bộc bạch: “Làm nghề này không giàu, nhưng nó cho tôi những niềm vui vô giá”. Cái gian phòng bé nhỏ mà ông ngồi là nơi lui tới của biết bao thế hệ yêu sách. 

Ông cũng đã từng chạm tay phục hồi những quyển sách cổ có giá trị hàng chục triệu đồng, các thể loại văn học từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Trong đó, có cả một thời vàng son của văn học Việt Nam, với những tên tuổi mà sáng tác của họ vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay: Nguyễn Du, Tản Đà, Tú Xương, Hồ Xuân Hương… 

Ban đầu, ông làm việc với những tiệm sách cũ. Tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến ông để phục chế những quyển sách đã nhuốm màu thời gian, hoen ố theo tháng năm. Và bao giờ khi nhận lại thành phẩm, họ cũng hài lòng vì đứa con tinh thần của mình có một “cuộc đời mới”, lành lặn, vẹn nguyên qua bàn tay người thợ thủ công tài hoa.

Ông kể: “Có những người trẻ tìm đến đây để phục hồi lại những quyển sách cũ mà ông bà, cha mẹ để lại. Ở đó, có những nét chữ của người thân còn lưu. Họ “làm lành” cuốn sách nhưng một cách để gìn giữ kỉ niệm”.

Đôi tay mang 'màu thời gian' của người đàn ông 40 năm làm nghề sửa sách ở Sài Gòn Ảnh 4

Tôi đã miên man với câu hỏi này trong suốt cuộc nói chuyện với ông Rạng. Ông là một người yêu sách. “Tôi hay đọc sách Văn, Sử, Địa. Sách không chỉ mang đến kiến thức, mà còn làm cho con người ta sống điềm tĩnh, tử tế hơn”, ông Rạng nói. 

Đôi tay mang 'màu thời gian' của người đàn ông 40 năm làm nghề sửa sách ở Sài Gòn Ảnh 5

Hơn 40 năm qua, ông đã sửa chữa, phục chế trăm nghìn quyển sách với tâm thế vừa là người thợ thủ công lành nghề, vừa là người yêu quý sách. Ông đã từng đọc qua Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, thấy hay ho biết bao từng câu thơ của Chế Lan Viên, biết qua thời kì chữ quốc ngữ của Việt Nam hay câu chuyện phục chế sách ở châu Âu. 

Yêu quý một cuốn sách, là khi bạn thả tâm trí mình miên man với con chữ, đi qua bao câu chuyện kì thú, vỡ òa với những thông điệp ý nghĩa ẩn sau đó. Yêu quý một cuốn sách, cũng là lúc bạn lần giở từng trang đầy trân trọng, nhẹ nhàng. Còn với ông Rạng, sách với ông là người bạn đồng hành thân thiết. 

Đôi tay mang 'màu thời gian' của người đàn ông 40 năm làm nghề sửa sách ở Sài Gòn Ảnh 5

Sách khiến ông trân quý, nâng niu và có đầy lòng nhiệt thành với công việc mà mình đang làm. Mỗi ngày, ông chỉ làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Mỗi cuốn sách được phục chế, ông được trả công từ 25.000 – 100.000 đồng. Số tiền này là không lớn. Nhưng mơ ước của ông đâu phải là giàu có, ông chỉ muốn mỗi ngày của mình trôi qua với những niềm hạnh phúc đong đầy. Đó là khi thấy người ta nhận lại sách với nụ cười trên môi. 

Khi ngành công nghiệp xuất bản ngày càng phát triển, những người thợ thủ công như ông ngày càng ít dần. Hiện tại, ông là một người hiếm hoi còn theo nghề. Bàn làm việc của ông là những dụng cụ mộc mạc: lọ hồ phết, kéo, chỉ, kim… Chiếc máy cắt giấy của ông cũng khá cũ kĩ được đặt nép vào góc phòng. Ấy vậy mà tại gian nhà này, đã có bao nhiêu quyển sách được “nối dài” tuổi thọ. Có nhiều tiếng reo vui khi thấy quyển sách mà mình yêu quý lại vẹn nguyên, tinh tươm. Có người vỡ òa khi được thấy nhìn dòng chữ đề tặng của mẹ cha, ông bà, cô giáo cũ… trên trang giấy lành lặn. 

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/doi-tay-mang-mau-thoi-gian-cua-nguoi-dan-ong-40-nam-lam-nghe-sua-sach-o-sai-gon-a3369.html