Nhớ lắm cánh diều ngày xưa!

Vẫn nhớ rất rõ những ngày năm cũ, khi những cánh đồng sau mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ thì đám trẻ bọn tôi cũng bắt đầu làm diều để thả. Chúng tôi gọi đó là những mùa diều. Mùa thả diều của bọn tôi xưa kia, thường chỉ kéo dài từ tháng ba và khi mùa mưa thật sự đến vào khoảng tháng sáu, tháng bảy thì chấm dứt. Tuy năm nào cũng có mùa thả diều nhưng chưa bao giờ lũ trẻ chúng tôi khi ấy lại chán cả. Trái lại, đó lại là dịp thật vui, được háo hức trông đợi với bao kỉ niệm lí thú không thể nào quên.

ta-canh-dieu-tuoi-tho-1-1619883588.jpeg

Chiều nay, trên đường về nhà sau khi tan làm, giữa những cơn gió tháng tư hanh hao, tôi khoan khoái tận hưởng cảm giác thoải mái đến sung sướng của buổi cuối tuần với bao dự định cho ngày chủ nhật nghỉ ngơi. Đang dừng lại chờ đèn xanh nơi ngã tư trung tâm, bất chợt tôi nhìn thấy từ phía công viên thành phố có những cánh diều đủ màu sắc đang được lũ trẻ cùng ba mẹ chúng thả lên trên khoảng không xanh mát. Thoáng chốc tôi giật mình, thì ra mùa chơi diều đã đến. Bất chợt mỉm cười và nghĩ về những cánh diều tuổi thơ thuở nào...

Vẫn nhớ rất rõ những ngày năm cũ, khi những cánh đồng sau mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ thì đám trẻ bọn tôi cũng bắt đầu làm diều để thả. Chúng tôi gọi đó là những mùa diều. Mùa thả diều của bọn tôi xưa kia, thường chỉ kéo dài từ tháng ba và khi mùa mưa thật sự đến vào khoảng tháng sáu, tháng bảy thì chấm dứt. Tuy năm nào cũng có mùa thả diều nhưng chưa bao giờ lũ trẻ chúng tôi khi ấy lại chán cả. Trái lại, đó lại là dịp thật vui, được háo hức trông đợi với bao kỉ niệm lí thú không thể nào quên.

Ngày đó, để làm được một con diều, công việc đầu tiên của chúng tôi là chọn  những thanh tre cật già, đẹp, và sau đó đem vót cho mảnh nhưng vẫn đảm bảo có thể giữ đủ độ chịu lực khi căng gió. Đây chính là làm “khung sườn”, khi đã xong thì tiếp đến là khâu  quan trọng không kém :cắt giấy để dán cho con diều được đẹp. Ngày xưa, chỉ toàn là giấy báo cũ, giấy vỏ bao xi măng,  hoặc họa chăng là giấy vở học trò mà thôi. Tất cả có điểm chung là đều “đen sì” chứ làm gì có được những loại giấy trắng, đẹp và tốt như bây giờ. Đứa nào mà ngay ngày làm diều, nhà có nấu bún nước lèo ăn thì hết ý, cứ gọi là nhảy cấng lên mà sung sướng. Đơn giản bởi vì hồi ấy, bọn tôi làm gì có keo dán, chỉ toàn dán diều bằng cơm nguội mà thôi. Mà khi dán bằng cơm thì con diều không bền và không đẹp bằng khi được dán bằng bún tươi...

Khâu khó khăn nhất của làm con diều giấy là “căng lèo”, vì nếu không có kinh nghiệm, con diều làm ra sẽ không bay hoặc bị quay mòng mòng, chao đảo, niểng qua niểng lại khi gió mạnh. Đứa nào cũng tỉ mẩn, cần thận để “căng lèo” cho con diều của mình. Còn đứa nào không tự tin lắm về khoản này thì thế nào cũng phải cố gắng năn nỉ, nhờ vả những ai giỏi về “căng lèo”, để đảm bảo con diều mình làm có thể thành công. Phần trả công cho các vị "cứu tinh" thường là củ khoai luộc hay trái chuối chín, không nhiều nhặn gì, nhưng ai ai cũng vui.

Những con diều giấy ngày ấy, được bọn tôi lấy dây chuối (bẹ chuối khô) làm đuôi, phía cuối đuôi cột thêm một nắm rạ khô cho đẹp. Còn phần dây gân, không thể tự tạo được, chúng tôi phải tìm đủ mọi cách mới có thể có được. Để có dây gân thả diều, có đứa phải xin mẹ kì kèo từ ngày này sang ngày khác, có đứa phải nhịn ăn quà mấy tuần lễ mới đủ tiền mua vài chục thước dây, có đứa lại đi lượm ve chai hằng mấy ngày liền về bán.... Khổ vậy nhưng khi cầm được con diều thành phẩm trên tay, ai cũng vui tươi, hớn hở như thể mình đã hoàn thành được một thành tích gì to lớn lắm lắm.

Còn thời gian thả diề thì có khi buổi sáng, có lúc lại là chiều buông. Nếu là ban sáng, thì đó là vào những ngày chủ nhật, khoảng tám giờ sáng chúng tôi tập trung dưới bóng mát của những cây dừa trong xóm và mang diều ra thả để khoe nhau, để xem diều ai bay cao hơn. Còn lại thì thường là vào ban chiều , sau khi đi học về quăng cặp, vội xách con diều chạy ù ra khoảng ruộng trống, trơ trơ gốc rạ. Thế là thỏa chí, no mắt với những con diều căng gió. Những con diều nào “đủ lực” thì chủ  của nó có thể cho “bay đêm” (bay suốt đêm). Và đã có những con diều “trụ” được hai, ba đêm liền. Chủ nhân của nó tha hồ mà kiêu hãnh, tự hào với bè bạn, người thân... Không chỉ là một trò chơi thơ trẻ, chúng tôi  ngày ấy cũng đã gửi gắm vào những con diều bao ước mơ, bao mộng tưởng, bao khát vọng về cuộc sống, về tương lai, về ước mơ và hạnh phúc....

Ngày nay, vào mỗi mùa thả diều, đâu đó tôi vẫn  bắt gặp trên bầu trời,  những cánh diều đủ sắc màu sặc sỡ, phía dưới trẻ con gọi nhau í ới, không khí vui vẻ ấy vẫn y như ngày nào. Nhưng điều mà trẻ con ngày nay không có được như bọn tôi ngày xưa là cái cảm giác háo hức, phấn khởi khi làm diều, rồi nôn nao, hồi hộp lúc đem diều đi thả và sướng đến rân người khi thấy con diều của chính tay mình làm ra no gió vi vút trên cao. Trẻ con ngày nay  không biết đồng cạn, gió sông, bờ tre, ruộng lúa, chúng chỉ có thể đòi cha mẹ mua cho những con diều xanh đỏ bằng ni lông bán sẵn ở cửa hàng, chứ làm sao có thể làm diều như chúng tôi ngày nào. Mà tôi thì tin chắc rằng, cái cảm giác chính tay mình làm ra con diều và thả nó bay lên cao như tôi và bạn bè của ngày xưa sẽ thú vị hơn rất nhiều.

 

Nguyễn Hồng Minh

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/nho-lam-canh-dieu-ngay-xua-a3365.html