Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia du lịch Hồ Trung Chánh để tìm hiểu cơ hội nào cho du lịch Việt Nam so với các mô hình kinh tế du lịch đã thành công trên thế giới. Dưới góc độ của một chuyên gia đã sinh sống và làm việc trong lĩnh vực du lịch hơn 20 năm tại Canada và Pháp, những chia sẻ của ông Hồ Trung Chánh là những trải nghiệm thực tế từ chính mình.
- Với kinh nghiệm sống và làm việc hơn 20 năm tại Canada và Pháp, ông hãy cho biết một vài cảm nhận về thị trường du lịch tại đây?
Người dân tại Canada và các quốc gia Bắc Mỹ có thói quen du lịch nội địa, cũng như người Pháp và Châu Âu ưa chuộng du lịch trong nước và các quốc gia trong khối Schengen.
Nước Pháp có nhiều danh lam thắng cảnh (đứng thứ hai toàn cầu về số lượng di sản được UNESCO xếp hạng), ở mỗi vùng miền lại có nét đặc sắc khác nhau nên không chỉ thu hút lượng lớn du khách quốc tế, mà ngay cả người dân Pháp, khoảng 8/10 người sẽ chọn du lịch nội địa cho kỳ nghỉ hè. Thông qua chương trình “Tour de France” (Vòng quanh nước Pháp), chúng ta biết được nhiều điểm du lịch hấp dẫn như vịnh Mont Saint-Michel, những nông trại ở vùng Normandie, những ngôi làng thơ mộng vùng Alsace, những cánh đồng tím ngắt oải hương vùng Provence, các bãi biển tuyệt đẹp vùng Bretagne,…
Vấn đề chi phí dành cho du lịch nội địa tiết kiệm hơn hẳn khi đi ra nước ngoài là quan trọng nhưng ngoài ra còn lý do nữa là đa phần người dân làm việc tại các tỉnh/thành phố khác không phải là nguyên quán, vì thế kỳ nghỉ họ có xu hướng “hồi hương”. Ở Việt Nam hiện nay cũng có nét tương đồng khi người dân rời quê hương đến làm việc tại các đô thị/thành phố lớn và lao động ở nước ngoài. Khi về nước thì họ trở về thẳng quê nhà và cùng với gia đình họp mặt, du lịch, nghỉ dưỡng cùng nhau.
- Theo ông, đâu là điểm mạnh của du lịch Việt Nam?
Khi so sánh với các nước trong khu vực và cả trên toàn thế giới, chúng ta có thể tự hào là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng, không hề thua kém các “ông lớn” trong ngành du lịch. Điều kiện tự nhiên đã cho Việt Nam nhiều dạng địa hình (đồng bằng, đồi núi, cao nguyên), hơn 3200km đường bờ biển từ Bắc chí Nam, hệ thống đảo và quần đảo, hệ động thực vật đa dạng, đặc biệt là bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em tạo nên văn hóa vùng – tiểu vùng có nét đặc thù. Điều này tạo nên sức hấp dẫn cho phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam.
Với đặc điểm phân bố thành phần dân cư, tộc người trải rộng toàn quốc, cùng với đó là giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực, kiến trúc cảnh quan tại mỗi vùng miền, địa phương đều có nét khác biệt, rất phù hợp để áp dụng loại hình du lịch cộng đồng trong phát triển du lịch.
Tuy nhiên hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy rõ thực trạng tài nguyên du lịch ở nhiều nơi bị tàn phá hoặc lãng phí, khai thác không hiệu quả, cùng với đó là các dự án du lịch, tổ hợp giải trí được triển khai không theo quy hoạch, không có sự liên kết chặt chẽ giữa nội vùng và liên vùng. Du khách nước ngoài (Châu Âu) khi đến Việt Nam học mong muốn được cảm nhận “tính xác thực” của các biểu hiện văn hóa – xã hội và di sản mang đậm giá trị truyền thống, họ ít quan tâm và không đánh giá cao các di sản “nhân tạo” – do con người cố tình tạo nên để phục vụ cho khai thác du lịch.
- Với những biến đổi trong cơ cấu kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, loại hình du lịch nào có triển vọng phát triển thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, du lịch cộng đồng là mô hình phát triển du lịch bền vững, phù hợp với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Sự tương tác giữa cộng đồng (chủ) và khách du lịch (khách) sẽ mang lại những cảm xúc thăng hoa trong quá trình trải nghiệm tại điểm đến. Không chỉ khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam mà ngay cả khách nội địa cũng muốn trải nghiệm các giá trị truyền thống, mang đậm giá trị địa phương. Còn nếu dừng lại ở mức độ kinh doanh sao chép theo kiểu “công nghiệp”, tỉnh nào cũng giống tỉnh nào, nơi nào cũng có thể tìm được các sản phẩm tương tự nhau thì ta đã vô tình đánh mất tiềm lực của mình.
Hoạt động du lịch với sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường địa phương, người dân chính là những “đại sứ du lịch” hữu hiệu nhất nhằm giới thiệu đến du khách những nét đặc trưng của địa phương. Trong bối cảnh du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong những năm vừa qua (hàng không, đường bộ, tàu biển) và du khách trong nước ngày càng có nhiều nhu cầu trong việc trải nghiệm giá trị khác biệt trong hành trình du lịch, vai trò của người dân bản địa trong việc xây dựng và cung ứng các sản phẩm du lịch đặc trưng là điều rất cần thiết.
Điểm qua loại hình du lịch tàu biển đã rất phổ biến trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 4 của Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan về số du thuyền ghé thăm. Tuy nhiên số khách tàu biển đến Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng, nguyên nhân chủ yếu là do sự yếu kém của hệ thống hạ tầng cảng biển cũng như chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch ở địa phương nơi tàu dừng chân còn đơn điệu, nhàm chán, không hấp dẫn khách mua tour trải nghiệm.
Bên cạnh đó, loại hình du lịch caravan đang dần phổ biến tại Việt Nam dành cho những du khách trong và ngoài nước yêu thích hình thức du lịch tự túc, tự khám phá. Không chỉ những cung đường xuyên Việt quen thuộc mà còn kết nối với tuyến đường liên quốc gia qua Lào - Campuchia - Thái Lan – Myanmar. Đây là loại hình phát triển mạnh ở những quốc gia phát triển, cần sự phát triển đồng bộ giữa hệ thống giao thông, hệ thống lưu trú và cơ sở vật chất – kỹ thuật tại điểm du lịch. Trong đó giá trị địa phương phải thực sự rõ nét và hấp dẫn để du khách sẵn sàng dừng chân trải nghiệm và lưu lại những ấn tượng khó phai.
- Du lịch tự túc là hình thức đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam, điều này sẽ dẫn đến tác động gì đến du lịch trọn gói truyền thống?
Du lịch tự túc là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Ngay như tại Pháp, trong dịp nghỉ hè họ thường có thói quen rủ bạn bè hay các thành viên trong gia đình đi chơi chung, họ cùng thuê một căn hộ có đủ phòng ngủ cho các thành viên và chỉ cần di chuyển đến nơi du lịch (tự lái xe hoặc đi tàu cao tốc/máy bay). Do đặc thù công việc nên cha mẹ ít khi đồng hành cùng con cái trong dịp nghỉ hè, mà thay vào đó là ông bà tham gia vào hoạt động du lịch. Ông bà thường có nhiều thời gian và kinh nghiệm sẵn có nên họ tự tổ chức tour du lịch trong nước, càng dễ dàng hơn với nhiều tiện ích công nghệ thông tin hiện nay, thay vì phải đặt tour thông qua công ty lữ hành theo kiểu truyền thống.
Xu hướng du lịch tự do, tự tổ chức tour theo cách riêng hoặc mua một phần của tour trọn gói ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là tại các đô thị phát triển kinh tế, thương mại và du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt với hình thức tour trọn gói theo kiểu truyền thống, như vậy nhà tổ chức tour trọn gói phải có sự khác biệt đủ sức hấp dẫn du khách. Dễ nhận thấy nhất là giá tour ngày càng “mềm” là yếu tố chính giúp tỉ lệ mua tour trọn gói của du khách nội địa tăng trưởng hàng năm. Giá bán được giảm là do công ty lữ hành đã liên kết chặt chẽ với những đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, vận chuyển và các dịch vụ khác.
Xin cảm ơn ông!
Để hiểu rõ hơn về những trải nghiệm của chuyên gia Hồ Trung Chánh về các loại hình du lịch trên thế giới, xin mời bạn đọc theo dõi buổi Workshop “Du lịch nhìn ra thế giới” diễn ra vào ngày 10/01/2021 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM.
**Chi tiết Workshop truy cập: Diễn đàn Sinh viên Du lịch
Hữu Khánh (thực hiện)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/du-lich-nhin-ra-the-gioi-huong-phat-trien-ben-vung-nao-cho-viet-nam-a3149.html